9 đơn vị với 230 nhân viên y tế được bố trí tại Nhà thi đấu Phú Thọ để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin đợt 4, TP.HCM sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm điểm tiêm tại các trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động với 946 điểm tiêm mỗi ngày. Dự tính mỗi điểm tiêm cho 200 người/ngày, tổng cộng tiêm cho 189.200 người/ngày...
Xét theo tiến độ của những ngày qua thì hôm nay (25-6), ngành y tế sẽ không thể tiêm hết hơn 400.000 liều vắc xin còn lại, dù vẫn còn ngày 26-6 là "ngày tiêm vét".
Tiêm cho đến khi hết người
Theo ghi nhận vào sáng 24-6 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11), nhiều người dân đã đến xếp hàng từ rất sớm để khai báo y tế, chuẩn bị tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Phía trong nhà thi đấu được bố trí thành nhiều khu vực khác nhau như: khu vực tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm, khu vực chờ... Hơn 200 nhân viên y tế đã có mặt, trang bị đồ bảo hộ cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên (51 tuổi, ngụ Q.3) cho biết bà rất hồi hộp. Mặc dù 8h mới bắt đầu tiêm, nhưng bà đã chuẩn bị từ rất sớm. "Tôi dậy sớm, ăn sáng đầy đủ rồi đến địa điểm tiêm. Sau khi đến đây tôi khai báo y tế đầy đủ, được nhân viên y tế hướng dẫn tận tình, đo huyết áp... Sau khi tiêm nhân viên y tế hướng dẫn tôi ngồi chờ khoảng 30 phút, sau đó tiếp tục hỏi thăm tình hình sức khỏe, nên tôi rất yên tâm. Với đặc thù công việc di chuyển nhiều, việc tiêm vắc xin sẽ khiến tôi yên tâm hơn. Tôi mong mọi người dân thành phố sớm được tiêm vắc xin", bà Uyên cho biết.
Tương tự, anh Đ.K. (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) - công nhân Công ty cổ phần lương thực, thực phẩm Safoco - nhìn nhận thấy an tâm khi nhận thông báo được tiêm vắc xin. "Công nhân chúng tôi sớm được tiêm vắc xin thì sẽ an tâm sản xuất hơn, vì hiện nay nhiều nơi sản xuất cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh", anh K. chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, phụ trách khu vực tiêm tại Nhà thi đấu Phú Thọ - cho biết đúng 8h sáng, lực lượng y tế đã có mặt sẵn tại điểm tiêm. Phía trong nhà thi đấu bố trí 46 bàn tiêm, lực lượng tiêm đến từ 9 đơn vị khác nhau như: Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Răng hàm mặt...
"Theo danh sách của Sở Y tế gửi về, đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này là nhân viên y tế, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, điện nước... Chúng tôi đã huy động nhân viên y tế tiêm xuyên buổi trưa, đồng thời sẽ dừng tiêm cho đến khi hết người. Dự kiến sẽ tiếp tục tiêm tại địa điểm này trong vòng 3 ngày với số lượng hơn 30.000 người", bác sĩ Tuấn cho biết.
Theo kế hoạch đặt ra của cơ quan chức năng TP.HCM, chiến dịch tiêm chủng này sẽ hoàn tất vào ngày 25-6 và hoàn thành tiêm vét trong ngày 26-6. Tuy nhiên đến hết ngày 24-6, số lượng người được tiêm chủng vẫn chưa đạt được một nửa. "Còn chỉ một ngày, ngành y tế không thể huy động đủ nhân lực để tiêm hơn 400.000 liều vắc xin còn lại" - một chuyên gia y tế khẳng định.
Những nguyên nhân làm "bể" kế hoạch
Các nhóm đối tượng được tiêm chủng trong đợt 4 tại TP.HCM là nhóm ưu tiên gồm lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, hải quan, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, các đối tượng chính sách xã hội, người yếu thế... và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ trên yêu cầu phòng chống dịch.
Thế nhưng khi thực hiện đã xuất hiện một số bất cập. Một đại diện của Trung tâm tiêm chủng (VNVC) cho biết đơn vị này được Sở Y tế điều động đưa hơn 350 nhân viên tham gia chiến dịch. Dù là đơn vị chuyên nghiệp nhưng khi bắt đầu triển khai, các đội hình cũng còn nhiều bỡ ngỡ, từ cán bộ tiêm chủng đến đơn vị triển khai tiêm chủng đều chưa hình dung hết được kế hoạch tiêm chủng hay những công việc trong thực tế sẽ diễn ra.
Ví dụ, VNVC được giao tiêm chủng cho một đơn vị trong ngày nhưng đến khi tiêm thì có khi không có người để tiêm, do đơn vị chưa tập hợp được hết số người cần tiêm có mặt ngay hoặc có người còn đang trong ca làm việc, hết ca mới đến, có người đến muộn, có người hoãn tiêm... Việc thay đổi địa điểm hoặc cán bộ tiêm chủng di chuyển quá xa mới đến được điểm tiêm nên cũng gây bất tiện và ảnh hưởng đến tiến độ.
Theo quan sát, nhiều nhân viên y tế được huy động tham gia chiến dịch tiêm này chưa từng khám và tiêm vắc xin trước đó, cho nên dù đã được tập huấn nhưng cũng không thể khám, tiêm nhanh và chuyên nghiệp như những cán bộ tiêm chủng vắc xin chuyên nghiệp.
Chưa kể, tiêm vắc xin ở VNVC sẽ có hiệu suất cao hơn so với tiêm lưu động như trong chiến dịch tiêm vắc xin này. Một nhân viên y tế ngồi ở ngoài lều dưới trời nắng nóng, mưa gió thất thường thì dù có tiêm chuyên nghiệp như nhân viên của VNVC, năng suất tiêm có khi chỉ bằng một nửa so với ngồi tiêm trong không gian của VNVC vì nhiệt độ ngoài trời sẽ gây mệt mỏi cho người tham gia tiêm chủng, đồng thời phải đảm nhiệm thêm những công việc khác như kiểm soát chất lượng vắc xin, kiểm soát theo dõi số lượng, đối tượng người được tiêm...
Đặc biệt, tâm lý lo lắng khi tiêm vắc xin mới là không tránh khỏi, do đó cán bộ tiêm chủng cũng thận trọng, khó đẩy nhanh tốc độ. Mỗi khâu chậm một chút sẽ làm chiến dịch tiêm chủng bị chậm đi.
Tuy nhiên, theo đại diện của VNVC, trong tiêm chủng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin. Vì vậy, không thể chỉ quan tâm đến số lượng mà nên làm đúng với năng lực để thực hiện đúng tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra là "tiêm đến đâu phải an toàn đến đó".
Vướng mắc đã được tháo gỡ
Mười tỉnh thành gồm TP.HCM, Nam Định, Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Tiền Giang vừa được Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc "nhắc nhở" (vào ngày 22-6) triển khai tiêm ngừa nhanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia xác nhận đến ngày 23-6, TP.HCM đã tiêm được xấp xỉ 139.000 liều, tăng nhanh hơn nhiều so với ngày trước đó.
"Hiện nay TP.HCM đang rất nỗ lực triển khai. Đây là lần đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn như thế này nên ban đầu cũng có vướng mắc nhất định, như phải bổ sung phích lạnh vận chuyển vắc xin, bổ sung bơm kim tiêm... Nhưng sau khi tháo gỡ được những vướng mắc này, sau này TP.HCM có thể chia sẻ kinh nghiệm để các tỉnh thành khác triển khai khi vắc xin về nhiều" - vị đại diện này cho biết.
Lượng vắc xin về Việt Nam đang nhanh và nhiều hơn nên tiến độ tiêm chủng cũng phải nhanh hơn thì mới kịp mục tiêu miễn dịch cộng đồng như Bộ Y tế đặt ra là chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2022.
LAN ANH
TTO - Ngày 24-6, tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), hơn 200 nhân viên y tế và hàng nghìn người dân đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19.