Học sinh Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thời điểm này hằng năm gần như tất cả các tỉnh, thành phố phía Nam đều đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Học sinh không đậu vào các trường công lập có thể chọn học nghề theo hệ 9+ để vừa học nghề, vừa học văn hóa.
Đó cũng là lúc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh truyền thông và tuyển sinh để đón thí sinh từ TP.HCM và một vài tỉnh lân cận.
Bao giờ tới thi lớp 10?
Năm nay do dịch bệnh bùng phát bất ngờ ngay trước kỳ thi vào lớp 10, nhiều địa phương buộc phải dời lịch thi. Tại TP.HCM, kỳ thi dời từ đầu tháng 6 đến tháng 8. Ở Long An, lịch thi chuyển từ ngày 8 và 9-6 theo kế hoạch đến ngày 3 và 4-8. Ngược lại, ở Bình Dương, Đồng Nai thí sinh đã... có điểm thi.
Trước tình hình "mỗi nhà mỗi cảnh" đó, ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết hiện dù đã có thí sinh nộp hồ sơ và đóng tiền học nhưng con số chưa bằng mọi năm.
Khoảng 50% trong số chắc chắn sẽ nhập học vào hệ 9+ của trường là từ các tỉnh lân cận đã thi xong. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu khoảng 300 học sinh hệ này và đón được những thí sinh có chất lượng đầu vào tốt thì còn phải chờ kỳ thi ở TP.HCM.
TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng thực tế nhiều trường đang bị động trước những diễn biến bất ngờ về lịch thi vào lớp 10 năm nay. Hiện nay, một vài thí sinh ở Q.12, Gò Vấp, Hóc Môn xác định không thi tuyển sinh đã nộp hồ sơ vào trường nhưng phần đông nguồn vào của hệ 9+ vẫn là từ các bạn không đậu vào lớp 10 công lập. Vì vậy, Trường CĐ Viễn Đông và nhiều trường khác vẫn chờ các diễn biến tiếp theo.
TS Lê Lâm, hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, chia sẻ hệ 9+ năm nay ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì cũng chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường phổ thông tư thục. Lý do là vì nhiều học sinh muốn có tâm lý chỉ học tiếp văn hóa, sau đó thi tốt nghiệp THPT hơn là chọn học nghề.
Chủ động "chăm sóc" thí sinh
Với hệ CĐ chính quy cũng đang chuẩn bị vào cao điểm, các trường đều dồn lực cho truyền thông và tuyển sinh sang hình thức trực tuyến. ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết năm nay gần như toàn bộ quá trình tuyển sinh sẽ diễn ra qua mạng.
Thay vì đến trường nộp hồ sơ, thí sinh sẽ điền thông tin trên trang web tuyển sinh kèm theo ảnh chụp các giấy tờ, bằng cấp. Chỉ đến khi trúng tuyển, các bạn mới cần đến trường nộp hồ sơ gốc đối chiếu là có thể nhập học.
Bà Xuân cho biết thêm hai lớp tuyển sinh vào tháng 5 đã xong phần sinh hoạt đầu khóa và bắt đầu triển khai học online. Khóa tiếp theo vẫn chờ đợi diễn biến của kỳ thi tốt nghiệp THPT để đạt chỉ tiêu đón 1.400-1.500 em trong năm nay.
"Nhà trường đã chủ động chăm sóc các bạn qua nhiều kênh thông tin, tuyển sinh của nhà trường để cập nhật được thông tin mới nhất và hướng dẫn các bạn nộp hồ sơ thuận tiện nhất" - bà Xuân nói.
ThS Nguyễn Đăng Lý chia sẻ trước đợt bùng phát dịch lần này, trường chỉ đến được các trường cấp II, cấp III để tư vấn tuyển sinh một vài buổi thì phải tạm ngưng. Cũng từ đó, trường chuyển sang hình thức trực tuyến, lập hẳn một bộ phận tư vấn 24/24 để giải đáp các thắc mắc bất kể ngày đêm.
TS Trần Thanh Hải cho biết thời gian này trường phải tận dụng "hết công suất" mọi kênh fanpage của trường, khoa, Đoàn thanh niên, của sinh viên, cựu sinh viên để truyền thông trong mùa COVID-19.
Về chương trình, năm nay trường sẽ đẩy mạnh kết nối với các trường ĐH như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, để khi sinh viên tốt nghiệp là được nhận vào hệ vừa học vừa làm, qua đó tạo cơ hội cho các bạn liên thông lên cao.
Còn theo TS Lê Lâm, để tạo lợi thế tuyển sinh trong mùa dịch, trường có thêm một số chính sách hỗ trợ bằng cách tặng học bổng cho thí sinh nhập học. "Mỗi em được hỗ trợ học bổng 2 triệu, còn đóng 3 triệu đồng. Nhìn chung dù khó khăn cũng có một số điểm sáng" - ông Lâm nói.
"Chiêu" hạ rồi tăng học phí
Theo TS Lê Lâm, trường nghề hiện gặp không ít cạnh tranh khi nhiều trường ĐH đã gửi "hàng loạt" giấy báo trúng tuyển đến học sinh dù vẫn chưa thi tốt nghiệp THPT. Một số trường ĐH cũng dùng cách hạ học phí năm đầu tiên xuống rất thấp, có khi ngang bằng với CĐ để hút thí sinh. Đến các năm tiếp theo, học phí tăng mạnh khiến nhiều bạn phải từ bỏ giữa chừng vì tài chính không cho phép.
Khi trường ĐH "tốp dưới" vét thí sinh
TS Trần Thanh Hải cho rằng những năm gần đây nhiều trường ĐH "tốp dưới", trường ĐH tỉnh tăng cường xét tuyển học bạ để "vét" thí sinh. Theo ông, xét tuyển tràn lan, đầu vào quá dễ khiến nhiều thí sinh sẵn sàng bỏ đam mê, thế mạnh của mình để vào ĐH với ngành mình không giỏi, không thích. Hệ quả có thể nhìn thấy là nhiều cử nhân trong số đó có nguy cơ thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành.
TTO - Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí trong năm học 2021 - 2022 như năm học vừa qua.
Xem thêm: mth.94942740242601202-ueihc-gnut-ehgn-gnourt-ohk-hnis-neyut/nv.ertiout