Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc hành hung người phụ nữ ngay quán cà phê có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 24.6, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo và đang tiến hành điều tra vụ nữ diễn viên H.Y (SN 1979, từng tham gia đóng phim Về nhà đi con), bị hành hung tại quán cà phê.
Theo thông tin thể hiện qua clip được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, người đàn ông đã đánh mạnh vào mặt chị này khiến nhiều người phải can ngăn.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, gây mất an ninh trật tự.
Hành vi sử dụng vũ lực để gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe của người khác, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hành vi hành hung người khác giữa nơi đông người là hành vi không thể chấp nhận được, dù vì lý do gì thì đều là hành vi vi phạm cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật.
Ông Cường cho hay, theo thông tin từ phía nạn nhân và một số nguồn tin thì đây là chồng cũ của nữ diễn viên này. Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ danh tính của người đàn ông, mối quan hệ giữa hai người và nguyên nhân của sự việc, đồng thời làm rõ hậu quả đối với nạn nhân để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Theo ông Cường, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, dù là mối quan hệ như thế nào thì cũng không được phép sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên.
Theo quy định pháp luật thì với sự việc đã diễn ra, nạn nhân có quyền trình báo với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của người hành hung, yêu cầu được đi giám định để xác định thương tích cơ thể.
Nếu trong trường hợp có thương tích xảy ra thì người đàn ông đó có thể bị xử lý theo Điều 134 Bộ luật hình sự nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Cụ thể, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định:
Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
Tùy tính chất mức độ hành vi có thể bị xử phạt bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Nếu không có thương tích xảy ra thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.