Sở GTVT TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ngành, cơ quan liên quan về việc cấm xe khách giường nằm lưu thông vào trung tâm TP. Theo đó, sở đề xuất hai phương án: Cấm 24/24 giờ và cấm từ 6 giờ đến 22 giờ trong ngày.
Các loại hình vận chuyển vận tải hành khách Sở GTVT đề xuất đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định: Lưu thông trên hành lang ra vào các bến xe khách (năm bến xe ở TP.HCM) có lộ trình lưu thông cố định và không ra vào khu vực trung tâm TP. Đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch có thể lưu thông ra vào khu vực trung tâm TP.HCM theo hợp đồng vận chuyển được ký kết. |
Lấy ý kiến các sở, ngành
“Chúng tôi đã gửi văn bản đề xuất việc cấm xe khách giường nằm vào nội đô nhưng chưa triển khai được vì phải lấy ý kiến các sở, ngành, các bên liên quan và cả doanh nghiệp (DN)”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Sĩ Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM, cho biết như trên.
Theo ông Thắng, việc cấm xe giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô là để hạn chế tai nạn giao thông giờ cao điểm và tình trạng xe dù, bến cóc, đảm bảo mỹ quan đô thị khu vực trung tâm TP.
“Đặc biệt là hạn chế việc tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên các trụ sở, bãi xe, bến dọc đường” - ông Thắng cho biết.
Sau khi xem xét đề xuất của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP cho biết đã dự kiến tổ chức giao thông đối với xe khách giường nằm theo hai phương án: Thứ nhất là cấm 24/24 giờ loại xe này vào nội đô, thứ hai là cấm từ 6 giờ đến 22 giờ trong ngày.
Chuyên gia cho rằng khi cấm xe giường nằm vào trung tâm TP thì cần đánh giá cụ thể nhu cầu của người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cụ thể, khu vực vành đai nội đô cấm xe khách giường nằm lưu thông vào các tuyến đường bên trong gồm: Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội. Đối với các tuyến đường trên vành đai, loại xe này được phép lưu thông bình thường.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các DN, sở cũng lưu ý các tuyến đường xe khách giường nằm được phép lưu thông trong khu vực vành đai nội đô là hành lang ra vào Bến xe Miền Đông (cũ), hành lang ra vào Bến xe Miền Tây.
Theo tìm hiểu của PV, số lượng xe khách giường nằm ở TP.HCM hiện nay là 1.643 xe (22-44 giường/xe).
107 điểm đón, trả khách “có vấn đề”
Qua phân tích các yếu tố liên quan, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đề xuất Sở GTVT thông qua phương án 1 để thực hiện.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM, qua khảo sát thực tế, trung tâm nhận thấy tình trạng xe khách lưu thông tuyến đường dài thường sử dụng loại xe khách giường nằm để vận chuyển hoặc có xu hướng chuyển đổi từ xe khách ghế ngồi thành giường nằm để cung cấp nhu cầu của hành khách.
Ngoài ra, trung tâm cho biết trên địa bàn TP đang tồn tại 107 điểm có tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe... Các điểm này có khả năng trở thành các điểm đón khách trong khu vực trung tâm TP diễn biến ngày càng phức tạp.
Trung tâm cho rằng ngoài việc hạn chế xe dù, bến cóc, ùn tắc thì việc cấm xe giường nằm lưu thông vào nội đô cũng sẽ tạo điều kiện cho xe khách sử dụng ghế ngồi. Các xe khách sử dụng ghế ngồi này sẽ vận chuyển học sinh, sinh viên, công nhân và vận tải khách du lịch, hợp đồng và một số trường hợp đặc biệt hoặc công vụ khác vào trung tâm TP.
“TP cũng sẽ số liệu hóa được lượng xe khách giường nằm vào TP do gom các loại hình xe này vào năm bến xe và chỉ cho xe trung chuyển vào khu vực trung tâm TP” - Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho hay.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng: Trước đây TP có xe buýt hai tầng để đưa khách du lịch quốc tế tham quan và đưa đón sinh viên với quan điểm tăng lượng khách mà không tăng diện tích chiếm chỗ mặt đường.
“Vì vậy khi không cho xe giường nằm vào đường Nguyễn Huệ, quận 1 thì chấp nhận được. Còn những vị trí khác là phải xem xét, bởi khi cấm xe giường nằm vào thì phải đánh giá nhu cầu của người dân bị thiệt hại, khó khăn thế nào và phải bù lại nhu cầu vận chuyển giao thông cho người dân như thế nào” - TS Hùng phân tích.
Ở góc độ DN, ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi (hãng xe Thành Bưởi, có 90% số xe là xe giường nằm), cho rằng: Việc cấm xe loại này vào nội đô TP.HCM chắc chắn ảnh hưởng đến DN và cả hành khách cũng như du lịch TP.
“Khách du lịch vào TP bằng cách nào, không lẽ đi tới đầu bến rồi đi tiếp xe vào TP, mà như hiện nay Bến xe Miền Đông mới (ở quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức) rất xa trung tâm. Tôi cho rằng nó ảnh hưởng đến kinh tế, người dân và DN. Về lý do cấm để hạn chế xe dù thì cũng chưa hợp lý, vì muốn cấm xe dù thì là do cách quản lý. Bên cạnh đó, tôi thấy khách rất thích đi xe giường nằm, kể cả tuyến ngắn như TP.HCM - Cần Thơ nên cái gì lợi cho người dân thì chúng ta phải thấy được mà làm” - ông Thành nhận định.•
Sắp có lá bùa “trấn yểm” tình trạng xe dù, bến cóc Đối với đề xuất hạn chế xe khách giường nằm vào trung tâm TP của Sở GTVT TP.HCM, chúng tôi ủng hộ 100%. Phương Trang hiện là DN vận tải với số lượng xe giường nằm lớn nhất cả nước, lên tới gần 1.000 đầu xe. Do đó, nếu đề xuất này được chính thức áp dụng thì chúng tôi đương nhiên chịu thiệt hại không hề nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải đặt lợi ích chung của TP lên trên lợi ích của DN. Bởi với việc cấm xe khách giường nằm vào khu vực trung tâm TP không chỉ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm tình trạng kẹt xe mà chắc chắn đây sẽ là biện pháp hữu hiệu để triệt tiêu tình trạng xe dù, bến cóc - một trong những vấn đề nhức nhối của ngành giao thông TP.HCM. Riêng với lộ trình cấm xe khách giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô TP thì tôi cho rằng nên thay bằng tuyến quốc lộ 1 - Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1. Như vậy sẽ phù hợp với thực tế hơn, do lộ trình giống như trong đề xuất của Sở GTVT sẽ phải đi vòng qua đường Nguyễn Văn Linh, khiến lộ trình quá rộng và khó khả thi. Ông VĂN CÔNG ĐIỂM, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines. THÙY LINH (ghi) |