*Lược dịch từ bài đăng trên CNBC của Chris Browning, chuyên gia tài chính và là người điều hành chương trình Popcorn Finance.
Khi bạn tiêu pha quá nhiều trong mùa dịch Covid-19, nỗi ám ảnh day dứt chắc chắn sẽ xuất hiện và ăn mòn tâm trí bạn bởi chúng khiến tình hình tài chính bản thân ngày một tệ đi. Thế nhưng việc không chi tiêu hay mua sắm những thứ mình thích lại có thể khiến mọi người dễ trầm cảm hơn trong mùa dịch. Thậm chí khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại, tâm lý mua sắm "trả thù" còn thôi thúc người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho nhu cầu trước đó.
Vậy làm thế nào để đạt được cân bằng thu chi mà vẫn thoả mãn thú vui mua sắm?
Một trong những cách hữu hiệu mà tôi hay được nghe qua chương trình Popcorn Finance đến từ diễn giải Glenn James, chuyên gia tài chính của My Millennial Money. Đó là quy tắc 1%.
Mua hay không mua?
Trong cuộc thảo luận về việc tiêu tiền thế nào cho không bị phá sản, James đã nói về quy tắc 1% trong chi tiêu. Quy tắc này được James áp dụng từ vụ việc đến cửa hàng Apple cùng bạn bè và cuối cùng chi tới 1.300 USD để mua Apple Watch.
"Đó là một vấn đề lớn bởi tôi thức dậy vào buổi sáng hôm đó mà không hề có ý định mua một chiếc đồng hồ có giá hơn 1.000 USD", James trần tình khi cho biết anh đôi khi cũng chi tiêu quá tay.
Ngay lập tức, James bắt tay vào tìm kiếm giải pháp và thành lập nên quy tắc 1%. Theo đó, bất kỳ chi tiêu không thực sự cấp thiết nào có giá vượt quá 1% tổng thu nhập hàng năm của bạn thì nên đợi ít nhất 1 ngày trước khi quyết định mua.
Trong khoảng thời gian đó, hãy tự hỏi bản thân xem có thực sự cần nó không? Có đủ sức cân bằng tài chính sau khi mua không? Bạn có thực sự thường xuyên dùng nó để đáng với số tiền bỏ ra không? Liệu bạn có hối hận không?...
Nếu sau khi suy nghĩ kỹ và vẫn muốn mua thì bạn nên quyết định chốt việc chi tiêu này.
Ví dụ như thu nhập hàng năm của bạn là 60.000 USD và muốn mua 1 tấm thảm 600 USD thì cũng nên đợi ít nhất 1 ngày để ra quyết định. Cho dù tấm thảm nhà bạn có rách bươm ra đi chăng nữa thì vẫn nên kéo dài thời gian suy nghĩ bởi có thể bạn sẽ muốn chọn sản phẩm rẻ hơn đấy.
Chống chỉ định với người giàu
"Quy tắc 1% chỉ mang tính tham khảo bởi nó đơn giản và hữu dụng cho trường hợp của tôi", chuyên gia James nói.
Theo đó, James khuyến cáo chỉ những người có thu nhập dưới 200.000 USD/năm mới nên nghe theo hướng dẫn này bởi một khi đã giàu thì có thể nó không còn đúng nữa.
"Với những người thu nhập cao, mức 1% tổng thu nhập thường niên là quá cao và nhiều rủi ro", anh James nhấn mạnh.
Đừng đốt tiền quá nhiều cho những chi tiêu không cần thiết
Thậm chí cả với những người có thu nhập quá thấp thì tỷ lệ cũng nên có sự điều chỉnh.
"Bạn có thể hạ tỷ lệ xuống 0,5% hay bất cứ mức nào mà bạn thấy hợp lý tuỳ thuộc vào thu nhập của bản thân, yêu cầu mua sắm cũng như tình hình tài chính", chuyên gia James chia sẻ.
Tất nhiên, việc tiết kiệm thường xoay quanh câu chuyện bạn không thể tiêu quá một mức tiền nào đó nhưng trên hết, phương pháp của James nhấn mạnh vào việc suy xét kỹ trước khi chi tiêu thay vì ép buộc mọi người phải ngừng thú vui mua sắm. Thêm nữa, cách này khá đơn giản mà không phải tính toán chi li quá nhiều.
"Có thể bạn muốn tiết kiệm tiền để mua nhà hay nghỉ hưu sớm. Bởi vậy nếu muốn thành công thì mọi chuyện thường bắt đầu từ quầy thanh toán hoặc nơi bạn điền thông tin trả tiền mua hàng trực tuyến. Hãy giới hạn mức chi tiêu không cần thiết và bạn có thể đạt mục tiêu tài chính nhanh hơn đấy", anh James nói.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị