Tờ The Guardian của Anh dẫn một báo cáo trong chiến dịch minh bạch thuế năm 2019 chỉ ra sáu công ty công nghệ Mỹ gồm: Amazon, Facebook, Google, Netflix, Apple và Microsoft - bị cáo buộc “né” khoản thuế 100 tỷ USD trên toàn cầu trong 10 năm qua nhờ chiến lược “chuyển doanh thu và lợi nhuận sang các thiên đường thuế hay nước đánh thuế thấp”.
BIG TECH CẦN CÔNG BẰNG NGHĨA VỤ THUẾ TẠI VIỆT NAM
Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) trong một bài báo đăng cách đây ít hôm cũng thông tin: “Trong báo cáo tài chính nộp tháng một năm nay, Facebook liệt kê Việt Nam là cỗ máy doanh thu lớn nhất Đông Nam Á”. Thực tế hiện nay, bốn công ty lớn (Big Tech) gồm Google, Amazon, Facebook và Apple có phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế.
"Hiện bốn công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam tới hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Các nước đã áp dụng mức phạt trên doanh thu với các công ty xuyên biên giới, chẳng hạn 4% doanh thu. Với mức này, Facebook sẽ bị phạt khoảng 1 tỷ USD."
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Việc các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Google, YouTube, Facebook... vẫn chưa đóng thuế tại Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ bởi các “ông lớn” này hoạt động đã lâu, doanh thu lớn và ngày càng bành trướng thị phần tại thị trường nội địa.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng không ít lần nhấn mạnh quan điểm yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán.
DOANH THU LỚN NHƯNG CHƯA ĐÓNG ĐỒNG THUẾ NÀO
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhiều nền tảng xuyên biên giới có doanh thu hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Hiện bốn công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam tới hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Ông Hùng dẫn chứng rằng các nước đã áp dụng mức phạt trên doanh thu với các công ty xuyên biên giới, chẳng hạn 4% doanh thu. Với mức này, Facebook sẽ bị phạt khoảng 1 tỷ USD.
Bộ trưởng cũng đề xuất Quốc hội thay đổi xử phạt có tính răn đe. Cụ thể, quy định pháp luật liên quan hiện mới xử phạt mang tính răn đe, chưa xử phạt dựa trên doanh thu. Nếu phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD) với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là số tiền lớn, nhưng với doanh nghiệp có doanh thu hàng chục tỷ USD thì đây lại là số tiền quá nhỏ.
Báo cáo mới nhất của WeAreSocial và Hootsuite trong tháng 1/2021 cho thấy: trong tổng 97,8 triệu dân số Việt Nam, số lượng người dùng Internet là 68,72 triệu người và khoảng 72 triệu người dùng mạng xã hội. Chi tiêu của người dùng trung bình tăng từ 95 USD trong 2020 lên 132 USD trong 2021 và giá trị giao dịch trung bình của người dùng sẽ tăng từ 167 USD trong 2020 lên 238 USD trong 2021. Đặc biệt, mạng xã hội Facebook chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 95%, đạt hơn 68 triệu người dùng.
Theo tính toán của một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến, nếu lấy tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là 68 triệu người (tại Việt Nam cũng có lượng tài khoản ảo và tài khoản không hoạt động khá nhiều) và giá CPM (chi phí trên mỗi 1.000 lượt hiển thị) và chi phí chạy quảng cáo Facebook trung bình khoảng 25.000 đồng.
Đây là chi phí khá tối ưu vì trên thực tế, nhiều nơi chi phí còn trả cao hơn rất nhiều và theo thời gian giá CPM cũng đang tăng dần. Như vậy, nếu mỗi người trong một phiên đăng nhập nhìn thấy năm quảng cáo, và trung bình họ vào 10 lần/ngày, thì mỗi ngày họ thấy 50 quảng cáo Facebook.
Hầu như ngày nào, chúng ta cũng ghé vào Facebook nên số ngày sử dụng là 365 ngày. Với công thức: Doanh Thu = (Số người dùng * CPM * Số lượt hiển thị*365)/1000 thì doanh thu = (68.000.000*25.000*50*365)/1000 = 31.025.000.000.000 đồng, tương đương 1,35 tỷ USD. Đây mới chỉ ước tính, trên thực tế con số có thể cao hơn nhiều. Theo dự đoán, có thể gấp đôi vì số lượt quảng cáo mỗi người nhìn thấy hàng ngày có thể là 100 hoặc hơn.
Báo cáo vừa công bố của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á 2020 cho thấy ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm ngoái, đạt giá trị 3,3 tỷ USD.
Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường.
BIG TECH CẦN CÔNG BẰNG TRONG NGHĨA VỤ THUẾ
Hiện nay, dù nhiều tập đoàn như Facebook, Google, Netflix... chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam, nhưng hầu hết đã chỉ định các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng này. Ngoài ra, các đơn vị này cũng cho phép người dùng có thể tự đăng ký và thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng. Theo quy định, các đại lý quảng cáo sẽ nộp thuế nhà thầu thay cho các đơn vị ở nước ngoài như Facebook, Google... Riêng việc doanh nghiệp hay cá nhân thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng thì hầu như không kê khai hoặc rất ít thực hiện nộp thuế này.
"Khi doanh nghiệp chạy quảng cáo trên Facebook thì Facebook thu phí dịch vụ, tức là có thu nhập từ Việt Nam. Do đó, Facebook phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam và được chi tiết hóa gọi là Thuế nhà thầu nước ngoài, bao gồm thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế Giá trị gia tăng."
Luật sư Vũ Gia Kiên
Ông Nguyễn Duy Vĩ, sáng lập viên Công ty truyền thông Buzi, cho biết: trong khi các doanh nghiệp sở hữu nền tảng quảng cáo tại Việt Nam tuân thủ toàn bộ luật pháp của Việt Nam, chịu sự quản lý của các cơ quan ban ngành liên quan, hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước thì ngược lại các doanh nghiệp như Facebook, Google vẫn đang kiếm tiền tại Việt Nam nhưng lại không chơi chung một luật chơi. Điều này tạo rất nhiều khó khăn cũng như ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.
“Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt và cách khai thác triệt để thị trường nhưng lại không chịu sự chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước thì thật sự rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh cũng như là tồn tại trong thị trường quảng cáo trực tuyến”, ông Vĩ nói.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Luật sư Vũ Gia Kiên, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và đào tạo Trí Tâm thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho biết: một tổ chức/cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh và có thu nhập từ thị trường Việt Nam thì phải đóng thuế. Cụ thể, khi doanh nghiệp chạy quảng cáo trên Facebook thì Facebook thu phí dịch vụ, tức là có thu nhập từ Việt Nam. Do đó, Facebook phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam và được chi tiết hóa gọi là Thuế nhà thầu nước ngoài, bao gồm thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế Giá trị gia tăng.
Tờ The Guardian của Anh dẫn một báo cáo trong chiến dịch minh bạch thuế năm 2019 chỉ ra sáu công ty công nghệ Mỹ gồm: Amazon, Facebook, Google, Netflix, Apple và Microsoft - bị cáo buộc “né” khoản thuế 100 tỷ USD trên toàn cầu trong 10 năm qua nhờ chiến lược “chuyển doanh thu và lợi nhuận sang các thiên đường thuế hay nước đánh thuế thấp”.
Mới đây, Chính phủ Indonesia ra quyết định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với các công ty công nghệ nước ngoài gồm Amazon, Google, Netflix, Spotify, Facebook đang bán hàng hóa và dịch vụ ở Indonesia nhưng không có sự hiện diện thực tế tại nước này.
CẦN LIÊN MINH VÀ CƠ CHẾ XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ
Bà Nguyễn Ngọc Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế An Doanh, thừa nhận khó có thể kiểm soát được doanh thu phát sinh của các đơn vị Big Tech này (doanh thu quảng cáo, doanh thu apps, và các sản phẩm phi vật chất). Nguyên do là các tập đoàn công nghệ Big Tech kinh doanh trên không gian mạng và lại không đặt trụ sở hay server tại Việt Nam.
Vừa qua, Nhóm quốc gia G7 đã có thỏa thuận rằng: thuế 15% lợi nhuận của BigTech phải được đóng cho các quốc gia có phát sinh doanh thu (trong G7). Theo bà Phương, Việt Nam cần đề nghị các quốc gia G7 để tham gia vào liên minh các quốc gia cùng nhau thảo luận vấn đề này với Big Tech, hình thành cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam phải thấu hiểu và chấp nhận báo cáo kiểm toán toàn cầu để xác định doanh thu trong lãnh thổ của mình - chi phí phân bổ cho lãnh thổ Việt Nam để xác định số thuế 15% này. Tuy nhiên, cần hiểu “Chi phí tính thuế theo Luật Thuế của Việt Nam” không giống “Chi phí tính thuế của Mỹ hay châu Âu”.
“Vì thỏa thuận chung này có thể chỉ giới hạn cho các Big Tech nên các Small Tech khác có cùng hành vi kinh doanh tương tự phải được áp thuế theo cơ chế “APA” mở rộng, tức là Việt Nam sẽ làm việc với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến để yêu cầu ký một hiệp định tránh đánh thuế hai lần (đối với các quốc gia chưa ký) và Small Tech đóng thuế cho phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam”, bà Phương nói.
Hồng Vinh
Vneconomy
Xem thêm: nhc.41130705152601202-euht-en-nav-gnuhn-man-teiv-iat-dsu-yt-uht-hnaod-oc-hcet-gib/nv.zibefac