Một phụ nữ được tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech ở Pennsylvania, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, các nhóm cố vấn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã họp và thảo luận về các trường hợp gặp vấn đề về tim sau khi tiêm vắc xin.
Cụ thể, một vài người đã tiêm đủ vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna gặp tình trạng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Bệnh viêm cơ tim là bệnh trong đó lớp cơ dày của thành tim bị viêm, khiến cơ tim bị tổn thương và có thể hoại tử, từ đó làm ảnh hưởng tới chức năng co bóp của cơ tim.
Màng ngoài tim là màng mỏng bao quanh tim. Viêm màng ngoài tim là sự “phồng” lên và kích ứng của màng ngoài tim gây đau ngực và những triệu chứng khó chịu khác.
Các chuyên gia ở Mỹ kết luận các trường hợp viêm tim được ghi nhận ở thanh thiếu niên và người lớn có khả năng liên quan đến vắc xin COVID-19 bằng công nghệ mRNA, nhưng lợi ích của tiêm phòng vượt trội rủi ro.
Sau tin này, công bố ngày 23-6, cổ phiếu của hãng Moderna giảm 4,2% và cổ phiếu của Pfizer giảm 1,4%.
Ngay sau đó, Pfizer ra tuyên bố cho biết công ty đã biết về các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin bằng công nghệ mRNA của hãng. Dù vậy, lợi ích của vắc xin Pfizer/BioNTech vẫn lớn hơn rủi ro.
Hãng Moderna cũng xác nhận đã biết về các trường hợp viêm tim sau khi tiêm vắc xin công nghệ mRNA và đang hợp tác với các cơ quan chức năng.
Theo Reuters, cơ quan quản lý y tế ở nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tìm hiểu liệu vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna - những loại cùng sử dụng công nghệ mRNA mới - có gây rủi ro cho người sử dụng hay không, và nếu có, mức độ nghiêm trọng là thế nào.
Đầu tháng 6-2021, Bộ Y tế Israel, quốc gia đã tiêm cho phần lớn người dân bằng vắc xin của Pfizer, cho biết có sự liên quan giữa các trường hợp viêm tim với vắc xin COVID-19 của Pfizer.
Theo CDC, các bệnh nhân bị viêm tim liên quan đến vắc xin đa số hồi phục và khỏe mạnh bình thường.
Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ và các hiệp hội hàng đầu về y khoa ở Mỹ, các chuyên gia về y tế cộng đồng đã cùng đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh tính an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Tuyên bố khẳng định những tác dụng phụ ở tim là "cực kỳ hiếm" và kêu gọi tất cả những ai từ 12 tuổi trở lên, đủ điều kiện tiêm các loại vắc xin được cấp phép khẩn cấp, hãy đi tiêm phòng COVID-19.
Các bác sĩ và bệnh viện ở Mỹ đã được CDC yêu cầu theo dõi các triệu chứng của viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Từ các trường hợp được báo cáo, có thể thấy các trường hợp này xảy ra sau mũi tiêm thứ hai từ 1-3 tuần, phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới.
Theo dữ liệu của Hệ thống báo cáo sự cố nặng do vắc xin ở Mỹ (VAERS), có 347 ca viêm tim xảy ra sau khi tiêm liều thứ hai ở nam giới từ 12-24 tuổi.
Có 309 trường hợp nhập viện do viêm tim ở người dưới 30 tuổi, 295 người trong đó đã xuất viện. Theo quan sát, tỉ lệ gặp tác dụng phụ này là 12,6 ca trên 1 triệu người trong vòng 3 tuần sau khi tiêm liều thứ hai, ở người từ 12-39 tuổi.
Chưa rõ vì sao các triệu chứng xuất hiện ở thanh thiếu niên, chủ yếu dưới 25 tuổi. Tác dụng phụ này hầu như biến mất ở nhóm tuổi lớn hơn, từ 50 tuổi trở lên.
Đã có hơn 151 triệu người Mỹ đã được tiêm đủ liều vắc xin (45,6%) theo số liệu cập nhật của CDC.
Nguyên nhân viêm màng ngoài tim co thắt thường do các viêm mủ màng ngoài tim không được điều trị có kết quả.