Chiều 24/6, sau một ngày xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Cảm và 5 đồng phạm Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.
6 người bị giữ nguyên mức phạt như toà sơ thẩm đã tuyên về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 222 Bộ luật hình sự. Theo đó, ông Cảm bị phạt 10 năm tù, Dung 6 năm, Thanh 6 năm 6 tháng, Quỳnh 5 năm và Vinh 6 năm 6 tháng, Duy 6 năm. Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan nhà nước. Trong khi Chính phủ và nhân dân đang tập trung chống dịch, các cán bộ CDC Hà Nội không làm nhiệm vụ được giao mà còn vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước nên cần phạt nghiêm để phòng ngừa.
Ông Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, là người khởi xướng. Các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng, bị cáo có công phòng chống dịch đã được toà sơ thẩm xem xét nên toà phúc thẩm không xét lại.
Tại phần tranh luận trước đó, các luật sư bào chữa cho 6 bị cáo nêu các tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt. Nhiều luật sư mong toà xem xét đến bối cảnh Covid-19 đang bùng phát khiến các bị cáo phải gấp rút mua máy xét nghiệm. "Họ làm tất cả vì để bảo vệ sức khoẻ của người dân, tránh được sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm cấp toàn cầu", một luật sư nói.
Đại diện VKS khi đối đáp vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo đã được cấp sơ thẩm xem xét toàn diện, khách quan.
Khi nói lời sau cùng, ông Cảm hai lần nói "vô cùng đau xót" khi vướng lao lý. Ông cho rằng các thuộc cấp ở CDC Hà Nội đã làm việc rất tâm huyết nhưng do nhận thức pháp luật hạn chế, thiếu thông tin và tình hình chống dịch cấp bách nên đã phạm sai lầm. Ông mong HĐXX xem xét toàn diện về bối cảnh phạm tội để có bản án nhân văn cho các bị cáo để họ sớm trở về tham gia chống dịch, giảm thiệt hại về sức khoẻ cho người dân.
5 bị cáo còn lại cũng đồng quan điểm, mong HĐXX cho hưởng mức án nhẹ nhất. Bị cáo Dung xin được tại ngoại, cải tạo ngoài xã hội.
Bản án phúc thẩm nhận định, lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2/2020, các bị cáo dưới sự chủ mưu của ông Cảm đã vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm. Ông Cảm trực tiếp bàn với Tuyền, Nhất, Vinh để ấn định giá các thiết bị trong gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen (Đức) giá 7 tỷ đồng, bảo hành 36 tháng.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức thông thường với giá được ấn định, CDC Hà Nội đã tham gia mua bán lòng vòng, ấn định đơn vị trúng thầu trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm.
Hành vi trên của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.6449924-ut-man-01-na-y-ib-ion-ah-cdc-cod-maig-uuc/ten.sserpxenv