Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "THAY ĐỔI ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG NGÀNH VẬN TẢI & LOGISTICS" của chị Trần Thị Thanh Tâm, một quản lý doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành logistics. Mời quý độc giả đón đọc.
Một công ty logistics đã để câu khẩu hiệu này trên tất cả email của họ: "Either We change or We die" (Thay đổi hay là Chết). Mặc dù đọc vào thấy áp lực nhưng đó là sự thật. Một cái chết thật sự chứ không chỉ là câu cảm thán thông thường.
Ngành xuất nhập khẩu, vận tải và logistics đang ở trung tâm của cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.
Nếu đầu năm 2019, một container xuất đi Mỹ khoảng 1.500 USD thì đến tháng 6/2021 chỉ trong vòng 2 năm giá cước đã tăng hơn chục lần, chạm mốc 18.000- 20.000 USD... Khủng hoảng ở đây là giá cước tăng không đồng nghĩa với dịch vụ tốt hơn. Ngược lại để có được một chỗ trên tàu, khách hàng phải năn nỉ, giành giật, tìm đầu này đầu kia... và sẵn sàng trả giá cao may ra mới có booking (chứng từ đặt chỗ) xuất hàng.
Cầm booking cũng chưa chắc đã có container để đóng. Nhà xe phải chạy vòng vòng xuyên đêm khắp các depot (cảng cạn) để tìm ra container. Hàng lên được tàu coi như hên 50%. 50% còn lại hồi hộp theo dõi xem tàu đi chưa, có delay không, ghé những cảng nào, trễ bao nhiêu ngày.
Trước đây thời gian tàu chạy từ cảng Cái Mép đến Los Angeles - Mỹ mất từ 15-20 ngày thì giờ phải cộng thêm 5-10 ngày hoặc hơn tuỳ tình hình các cảng... Chuyện trễ hẹn giao hàng, tàu đến chậm hơn dự kiến 2-3 ngày đã trở nên bình thường và còn lâu hơn nữa ở những cảng bị ảnh hưởng bởi Covid (7-10-16 ngày..)
Câu hỏi đặt ra là vì sao? Lý do gì khiến cả một ngành công nghiệp hùng hậu như vậy chao đảo và điên loạn? Đúng nghĩa là điên loạn thật sự!
Câu trả lời đầu tiên và dễ dàng nhất là do Covid. Tất nhiên rồi.
Covid khiến cho hoạt động tại các cảng và các công ty vận tải bị tê liệt do thiếu nhân công, đặc biệt trong thời gian lockdown (phong tỏa). Mỹ và châu Âu là 2 thị trường lớn nhất đã trải qua một năm tồi tệ do Covid. Hậu quả là các container hàng nhập không thể giải phóng hàng do nhà máy đóng cửa hoặc không đủ tài xế lái xe..Hàng chục ngàn container bị tồn ở Mỹ không thể quay vòng gây ra tình trạng thiếu vỏ nghiêm trọng ở Trung quốc và châu Á...
Thuỷ thủ đoàn bị nhiễm Covid đã khiến cho tàu bị cách ly dài ngày trên biển không thể cập cảng. Một số cảng và sân bay cũng đã phải tạm đóng cửa một phần hoặc toàn bộ trong một thời gian do có nhân viên nhiễm Covid như Dalian, các cảng ở Mỹ châu Âu và gần đây nhất là Yantain, Trung quốc.
Bên cạnh lý do Covid, sức tiêu thụ tăng mạnh đặc biệt là mua sắm online trong thời gian phong toả ở Mỹ châu Âu và cả châu Á khiến cho lượng hàng hoá tăng đột biến so với các năm trước.
Giờ đây, không chỉ người giàu mà ngay cả những người thu nhập trung bình cũng dễ dàng sở hữu cho riêng mình 1 tủ giày thay vì 1-2 đôi. Thói quen và xu hướng mua sắm, hưởng thụ thay đổi. Giày dép, quần áo, xe hơi... đều được thay mới không chỉ theo mùa mà còn theo năm. Đôi giày thời trang nhất năm ngoái sẽ bị thay thế bằng kiểu mới nhất của năm nay. Việc có riêng 1 phòng chứa quần áo trở nên phổ biến. Thói quen ăn uống thừa mứa, tìm những của ngon vật lạ ở xứ khác khiến cho xuất nhập khẩu gia tăng nhiều hơn.
Sức tăng của nhu cầu tiêu thụ hàng hoá (đặc biệt là ở Mỹ) tăng nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ đầu tư và đóng mới máy bay, tàu bè, và tất nhiên chuyện đóng một con tàu hay máy bay không phải chuyện sớm chiều. Hơn nữa, ngành đóng tàu cũng bị trì trệ cho thiếu hụt lao động vì Covid.
Nguyên nhân khác nữa là số sự cố máy bay, tàu biển ngày càng nhiều và thường xuyên. Chỉ riêng vụ Ever Given kẹt ở Suez đã khiến cho lượng container bị thiếu hụt gia tăng (khoảng 20.000 TEUs). Chưa kể vụ cháy ở cảng Thượng Hải, hay vụ tàu đâm sập cẩu ở cảng Kaoshiung...
Mặc dù năm 2020, các hãng tàu thi nhau báo lãi khiến các khách hàng càng trở nên bất mãn hơn nhưng chính các hãng tàu cũng là nạn nhân của thời cuộc. Họ cũng bị động trong đại dịch này, bị động trong việc cảng đóng cửa hay bị kẹt. Nhiều tàu nằm chờ muốn thoát ra mà tiến thoái lưỡng nan. Tàu chạy rỗng một phần do bỏ cảng, tàu có thuyền viên bị Covid... khiến các chủ tàu rất đau đầu trong việc sắp xếp lịch trình. Dĩ nhiên, việc tối ưu hoá lợi nhuận luôn được ưu tiên nhưng áp lực giải phóng hàng và container cũng rất căng thẳng đối với các nhà vận chuyển.
Vậy chúng ta phải thay đổi như thế nào để sống sót?
1. Tốt nhất là đừng hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường như xưa.
Những kiểu so sánh như "sao lúc trước tàu đi có 3 ngày mà giờ thành 10 ngày" hay "hồi trước giá có nhiêu sao giờ cao vậy..." sẽ không giúp được gì cho chúng ta.
Hãy ngưng than vãn và tự xác định về "Trạng thái bình thường mới trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp". Việc này giúp các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch tốt hơn
2. Trước đây, Lean Supply Chain (chuỗi cung ứng tinh gọn) coi trọng việc giảm thiểu tồn kho và đẩy hết chi phí tồn kho vào vận chuyển nghĩa là thay vì nhập hàng về lưu kho và sản xuất dần, thì nay Lean Supply Chain cho hàng nhập về trung bình 2 ngày là phải đưa vô sản xuất/ tiêu thụ. Thời gian lưu kho được tối thiểu hóa. Việc này giúp giảm thiểu chi phí xây dựng kho bãi, quản lý...
Tuy nhiên với tình trạng của ngành vận tải hiện nay, các doanh nghiệp nên tính lại bài toán cung ứng của chính mình để rút bớt rủi ro phần vận tải
3. Khủng hoảng lần này chắc chắn sẽ xoá bỏ những lý thuyết cũ về chuỗi cung ứng và tạo ra những thuyết Lean mới. Ngành kho bãi sẽ bận rộn hơn nhiều. Bất động sản công nghiệp và logistics nóng hơn. Và logistics trong thương mại điện tử lên ngôi.
Những doanh nghiệp nào nắm bắt, nhạy bén thay đổi kịp thời sẽ sống sót và sống tốt. Nâng cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chủ động, đề ra nhiều phương án vận tải linh hoạt khác nhau cho từng khách hàng sẽ giúp cả công ty logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt qua cơn khủng hoảng và thiết lập trạng thái bình thường mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thanh Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị