Tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM trưa 25-6 - Ảnh: QUAN G ĐỊNH
Dịch COVID-19 tại TP.HCM còn diễn biến phức tạp, việc tiêm vắc xin sắp tới còn nhiều hơn nữa, vấn đề đặt ra là làm sao chiến dịch tiêm chủng phải thần tốc hơn nữa nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.
Quá đông người ở nhà thi đấu
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngày 25-6 nhiều điểm tiêm vắc xin ở TP.HCM được tổ chức khá tốt, không gian thoáng đãng, người đến tiêm thực hiện biện pháp 5K, giữ khoảng cách… Nhưng cũng có nhiều điểm có tình trạng chen chúc nhau khi xếp hàng để làm thủ tục, khai báo y tế trước khi được vào tiêm.
Tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), nơi có khả năng tiêm 8.000 người/8 giờ, lúc nào cũng có rất đông người tập trung làm thủ tục. Người dân được phát giấy khai báo y tế, giấy xác nhận tiêm vắc xin, phiếu điền thông tin khám sàng lọc. Việc phải thực hiện nhiều bước thủ tục khiến nhiều người lo lắng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bà Phương Nhi (ngụ huyện Củ Chi) cho biết: "Chúng tôi không được thông báo sẽ làm các thủ tục, giấy tờ gì để tiêm vắc xin, cho đến khi xếp hàng tại đây mới có lực lượng chức năng phát giấy để khai báo và giấy xác nhận tiêm vắc xin.
Theo tôi, cơ quan chức năng nên sắp xếp thời gian và thông báo từng nhóm người đến tiêm vào từng thời gian cụ thể để tránh việc tập trung đông. Ngoài ra, lực lượng địa phương cần phối hợp với các nhân viên y tế liên tục điều chỉnh, nhắc nhở khoảng cách xếp hàng của người dân".
Tại nhiều điểm tiêm vắc xin trong cộng đồng trước đó ở các quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình… cũng có tình trạng đông đúc ở khu vực khai báo y tế, khám sàng lọc nhưng những ngày sau đó tình hình trật tự được vãn hồi hơn.
Người dân tiêm vắc xin AstraZeneca tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11 (TP.HCM) trưa 25-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổ chức khoa học hơn
Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực nhiễm - thần kinh tại TP.HCM nhìn nhận việc tập trung đông người ở khu vực chờ tiêm vắc xin thường gặp ở những người làm việc chung một công ty, đơn vị có số lượng người lớn. Trong khi đó, đối với những điểm tiêm cho nhân viên y tế, giáo viên, tổ COVID-19…, việc này thực hiện rất tốt.
Để đảm bảo đúng giãn cách tại khu vực tiêm ngừa, các công ty, cơ quan cần phải phối hợp với các cơ quan y tế chia thành từng nhóm với số lượng thích hợp trong một khoảng thời gian cụ thể. Chẳng hạn công ty A có bao nhiêu người, tổng thời gian tiêm mất bao lâu, số lượng người từng nhóm, mỗi nhóm đi trong khung giờ nào để không trùng mốc thời gian giữa các nhóm với nhau.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng người dân xếp hàng ùn ứ, có thể ứng dụng công nghệ thông tin. Chẳng hạn áp dụng tin nhắn SMS, Zalo, Viber… về địa điểm, thời gian cho từng người được tiêm.
Ví dụ như một điểm tiêm giải quyết tiêm 200 người trong ngày, như vậy sẽ có 25 người tiêm trong mỗi giờ. Với mốc đó, có thể nhắn tin cho số thứ tự từ 1 đến 25 tiêm vào 8h đến 9h, số thứ tự 26 đến 50 tiêm từ 9h đến 10h... Người vào buổi chiều mới tiêm thì không việc gì đến trong buổi sáng để tụ tập đông người, không đảm bảo khoảng cách và cũng phải chờ đến chiều.
Về không gian tiêm vắc xin, theo chuyên gia này, cần phải làm sao để khu vực chờ tiêm vắc xin được thông thoáng như tăng cường người điều phối, hẹn người dân đến tiêm vắc xin theo đúng khung giờ hẹn trước (như nêu trên). Việc tổ chức khai báo y tế đầy đủ tại nhà trước khi đến điểm tiêm cũng là cách rút ngắn thời gian phải tập trung và chờ đợi.
Theo chuyên gia y tế, việc chia nhỏ nhiều điểm tiêm hơn ở cộng đồng dân cư, kể cả những điểm tiêm lưu động, cũng là một giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, nhưng việc này phụ thuộc rất lớn vào năng lực tổ chức của ngành y tế mỗi địa phương mà áp dụng linh hoạt.
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Điều chỉnh những chệch choạc
Tại cuộc họp báo ngày 25-6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế - cho biết đến ngày 24-6, TP.HCM tiêm được 438.502 liều trong tổng số 836.000 liều theo kế hoạch và dự kiến hoàn thành chiến dịch tiêm chủng trong hôm nay 26-6. Ông Bỉnh thừa nhận những ngày đầu việc điều phối còn chệch choạc, sự phối hợp giữa đơn vị được tiêm với địa điểm tiêm còn hạn chế. Tuy nhiên, sau đó Ban chỉ đạo TP chấn chỉnh, dần dần ổn định.
Đề cập tình trạng người dân tập trung đông chờ tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Phú Thọ, một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết trong ngày 25-6, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã trực tiếp đến kiểm tra tại điểm tiêm này và có trao đổi với UBND quận 11 để tổ chức điều phối lại nên tình hình ổn định trở lại.
TIẾN LONG
Đẩy nhanh thử nghiệm vắc xin Nano Covax: Sẽ có thông tư về đăng ký, lưu hành vắc xin COVID-19
Hôm qua (25-6), Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm đánh giá tiến độ thử nghiệm và kế hoạch mở rộng địa điểm thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trao đổi với báo giới ngay sau khi phiên họp kết thúc, đại diện Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết cục này và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh, các đơn vị thử nghiệm lâm sàng đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin Nano Covax, mục tiêu là có vắc xin sớm nhất.
Đánh giá ban đầu tại cuộc họp cho thấy vắc xin Nano Covax là an toàn, có sinh miễn dịch. Các kết quả để đánh giá hiệu lực bảo vệ cần có thêm thời gian, cần thử nghiệm thêm trên số lượng mẫu lớn hơn cũng như thử thêm trong phòng thí nghiệm.
Ông Lê Văn Tỉnh (62 tuổi) tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại điểm tiêm THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 25-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vị đại diện này cũng cho biết thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax đến nay đã có báo cáo giữa kỳ, hội đồng đã thông qua, đạt yêu cầu chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 3. Bộ Y tế đã thống nhất với Viện Pasteur TP.HCM và Học viện Quân y, hai đơn vị này đang đẩy nhanh thêm tiến độ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Trước 15-7 phải tiêm xong mũi 1 và trước 15-8 phải tiêm xong mũi 2 cho 12.000 người tình nguyện (6.000 người ở Tiền Giang, 4.000 người ở Hưng Yên và 2.000 người ở Long An).
Trước đó đã có 1.000 người tham gia giai đoạn 3a đã tiêm xong mũi 1 vào ngày 18-6, dự kiến giữa tháng 7 tiêm xong mũi 2. Với tiến độ thử nghiệm này, Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo cho biết là nhanh hơn so với dự kiến trước đây 1 tháng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Nhân (Công ty Nanogen) cho biết sáng nay 26-6, lãnh đạo Chính phủ sẽ đến thăm công ty này.
Hôm 24-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Công ty TNHH MTV Vabiotech (Bộ Y tế) - một trong ba đơn vị đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam, cùng với Nanogen và Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang
Trong khi đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc ban hành thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành vắc xin COVID-19 trong trường hợp cấp bách.
Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc xây dựng thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tư pháp được giao rà soát quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền cấp đăng ký lưu hành thuốc để làm rõ thẩm quyền quyết định các nội dung liên quan đến quy định về chứng nhận dược phẩm và yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo thông tư, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu, ban hành sớm.
LAN ANH - Chinhphu.vn
TTO - Hiện nay nhiều quốc gia đang tìm cách tăng tốc tiêm vắc xin COVID-19 để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng. Chẳng hạn Malaysia đang mở ra nhiều "siêu trung tâm tiêm chủng" và sử dụng xe tải lưu động để tiêm vắc xin.
Xem thêm: mth.31504740062601202-naot-na-iahp-gnuhn-cot-naht-nix-cav-meit/nv.ertiout