Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, căn nguyên của vấn đề triển khai dự án mới HOSE đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt là nhận thức còn hạn chế và triển khai chưa quyết liệt.
Sự cố nghẽn lệnh nghiêm trọng trên HOSE thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại lớn.
“Cần đi tìm nguyên nhân lý giải tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HOSE không thể làm chủ công nghệ vận hành?”, đại diện Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) đặt câu hỏi gửi đến Thanh tra Bộ Tài chính.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBCK Nhà nước, ông Trần Văn Dũng cho biết: “Hệ thống giao dịch của HOSE hiện nay là do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp từ năm 2000. Hệ thống đến nay đã được 21 năm. HOSE không thể tự can thiệp nếu cần thay đổi".
“Nhìn chung, vấn đề chậm triển khai chủ yếu do nhận thức. Bởi lẽ, nhận thức là một quá trình, ngay từ khi đi vào hoạt động thì bản thân chúng tôi cũng như các nhà kinh tế nắm rất rõ về thị trường nhưng cấu phần công nghệ của hệ thống chứng khoán thì dường như chưa ai nắm rõ”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng đánh giá, tính cầu toàn của cơ quan quản lý cùng mong muốn có một hệ thống đáp ứng đầy đủ, toàn diện đã dẫn tới việc chuẩn bị cho hệ thống có nhiều vấn đề.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán cho rằng, cũng có nguyên nhân khách quan dẫn tới hiện tượng chậm trễ.
Cụ thể, năm 2000 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, lúc này thị trường còn nhỏ và đã được Thái Lan hỗ trợ thì dự án được điều chỉnh chậm lại một chút. Trong quá trình đó, cơ quan quản lý cũng đã 2 lần thuê tư vấn nước ngoài để lên mô hình thị trường và hồ sơ mời thầu, cũng mất một số thời gian.
“Sau đó, HOSE ký hợp đồng với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để xây dựng một hệ thống giao dịch hiện đại hơn so với hệ thống cũ kỹ của Thái Lan.
Ban đầu Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chỉ dự định làm hệ thống cho HOSE nhưng về sau lại muốn bao hàm cả HNX, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), từ chỗ chỉ để giao dịch cổ phiếu thì mở rộng sang cả trái phiếu, phái sinh. Quá trình thiết kế và định hình hệ thống mất nhiều thời gian và quy mô của dự án cứ tăng dần lên.
Không may là đột nhiên một nhà thầu phụ rất quan trọng của phía Hàn Quốc bỏ cuộc, khiến KRX phải mất nhiều công tìm nhà thầu khác. Sau khi thiết kế xong và chuẩn bị kiểm thử thì lại xảy ra dịch COVID-19"- Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết.
Liên quan đến hệ thống của HOSE, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty FPT IS - cho biết: “Đây là hệ thống cũ của Thái Lan chạy trên phần cứng cũng đã cũ. Thái Lan đã bỏ hệ thống này và sử dụng hệ thống mới. Hệ thống không có code được bàn giao nên không thể sửa chữa dẫn đến không khắc phục tình trạng nghẽn triệt để”.
Ông Dương Dũng Triều cho biết hệ thống mới sẵn sàng áp dụng từ tháng 7 với công suất xử lý 3 - 5 triệu lệnh/ngày, ít nhất gấp 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh nghẽn cục bộ, các công ty chứng khoán sẽ đẩy lệnh đúng năng lực hiện có.