Những ngày gần đây, thông tin về việc hơn 200 công nhân môi trường thuộc Công ty Minh Quân bị nợ lương, nhiều người phải đi nhặt ve chai kiếm sống gây xôn xao dư luận.
Trước nỗ lực đòi lương của người lao động và sức ép từ nhiều phía, ngày 19/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (công ty Minh Quân đổi tên), mới trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại sẽ thanh toán trước ngày 10/7.
Công nhân môi trường thuộc Công ty Minh Quân bị nợ lương
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Chỉ tính riêng tổ của tôi, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thanh toán 500 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỉ đồng nữa. Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước".
Là một trong những công nhân bị công ty Minh Quân nợ lương, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê ở Thái Bình) cho biết, chị bắt đầu làm việc thu gom rác cho công ty Minh Quân từ năm 2017. Thời gian đầu, công ty trả đủ 174.000 đồng/ngày lương nhưng đến năm 2020 thì bị chậm. Đỉnh điểm là thời gian cuối năm, công ty nợ chị Uyên và đồng nghiệp trong tổ 6 tháng lương (từ tháng 6 đến tháng 12/2020).
Chị Nguyễn Thị Minh Uyên bắt đầu làm việc cho công ty Minh Quân từ năm 2017
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Căn cứ Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả tiền lương cho người lao động đúng thời hạn theo thỏa thuận trước đó với người lao động. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Ông Nguyễn Văn Đăng (ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) dù năm nay đã gần 60 tuổi, bị cụt mất một chân, nhưng hàng ngày, người đàn ông này vẫn đeo chân giả, vắt kiệt sức lực để vật lộn với rác.
Không có tiền ở trọ, ông đành ngủ tạm ở chiếc lều tự dựng cạnh Cung điền kinh thành phố
Như vậy, Công ty đã nợ lương công nhân thu gom rác quá lâu như trên là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân và gia đình họ.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 và khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, trường hợp Công ty trả lương không đúng hạn cho công nhân sẽ bị xử phạt như sau:
- Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Rất mong, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, cơ quan chức năng sớm vào cuộc để buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội trả đủ lương và thêm tiền lãi cho công nhân thu gom rác bị nợ lương. Trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thực sự gặp khó khăn về tài chính thì Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cần có cách hỗ trợ kịp thời để họ thanh toán đủ tiền lương cho công nhân theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, mới bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, đời sống kinh tế của công nhân và gia đình họ bớt phần khó khăn, sớm ổn định để tiếp tục làm việc lâu dài cùng Công ty.
Như Thiền
Doanh nghiệp tiếp thị