Cục trưởng Nguyễn Văn Viện cho biết, đối tượng mua bán, vận chuyển ma tuý nguỵ trang ngày càng tinh vi qua đường biển, hàng không, Internet...
Nhân Tháng hành động toàn dân phòng, chống ma tuý (tháng 6), Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an - thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm này,
Thiếu tướng Viện cho hay, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhưng tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp với phương thức, thủ đoạn rất mới.
Ở Việt Nam, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và trong khu vực, trực tiếp là khu vực Tam giác vàng nên tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước Châu Âu (Hà Lan, Pháp, Đức, Czech, Bỉ…) về Việt Nam tiêu thụ trong nước và đi các nước tiêu thụ.
Tuyến đường biển tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian qua, với phương thức, thủ đoạn nổi lên là các tổ chức tội phạm người nước ngoài câu kết với người Việt Nam, Lào, Philippines... mở các công ty "bình phong" xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam.
Chúng cất giấu ma túy vào trong container lẫn với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu như: Đá granit, hạt nhựa, loa thùng, thiết bị điện tử, máy cẩu từ tính, máy ép bao bì... Sau đó, lợi dụng cơ chế thông thoáng của hải quan trong xuất, nhập khẩu (hưởng ưu đãi “luồng xanh”), vận chuyển ra nước ngoài.
Gần đây, xuất hiện tình trạng ma túy trôi dạt vào bờ biển một số tỉnh ven biển miền Trung và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
Trên tuyến Tây Bắc, thời gian qua, các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh. Song tội phạm ma túy có xu hướng chuyển dịch vào khu vực miền Trung và phía Nam nhưng gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Đáng chú ý là các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh biên giới Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La...), Bắc miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh...) đi một số tỉnh biên giới phía Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ...
Khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh trọng điểm phía Nam và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trở thành "địa bàn nóng" về tội phạm ma túy của Việt Nam.
Các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta, thuê kho xưởng tàng trữ trái phép chất ma túy để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, một phần tiêu thụ trong nước và phần lớn đi nước thứ ba.
Các đối tượng người Việt Nam tiếp tục cấu kết với các đối tượng tại Campuchia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam qua các tỉnh biên giới Tây Nam với khối lượng lớn.
Tướng Viện cho hay, đã xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để hướng dẫn điều chế và mua bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng đưa các chất ma túy vào các loại hàng hóa, thực phẩm như bánh kẹo, nước uống với hình thức hấp dẫn rồi rao bán trên mạng, nhắm đến các đối tượng trẻ tuổi, chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, toàn quốc có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn. Trong khi đó, công tác quản lý người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện chưa thực sự có hiệu quả. Điều đó dẫn đến tình hình mua bán, tàng trữ và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Xem thêm: odl.917429-iv-hnit-gnac-yagn-naod-uht-iov-neyuhc-nav-nab-aum-yut-am-mahp-iot/taul-pahp/nv.gnodoal