Khoảng một tuần qua, nhà thờ Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) đã chuyển rất nhiều phần quà, thực phẩm đến tay người nghèo bằng “ATM lướt ống”.
Chiếc “ATM lướt ống” ngộ nghĩnh được vận hành bằng hai ống nhựa to dài 2m. Tình nguyện viên đứng bên trong nhà thờ, thả những túi quà gồm: khoai lang, mì tôm trứng, cơm hộp, bánh mì… vào ống nhựa. Những túi quà lướt ống, rơi vào rổ nhựa bên ngoài. Người dân đang gặp lúc khó ngặt chỉ cần bước đến nhận rồi rời đi nhanh chóng. Mỗi túi quà được lấy đi thì tình nguyện viên mới thả thêm quà vào ống nhựa.
Tại nhà thờ Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình), tình nguyện viên cho từng túi thực phẩm vào ống, thả trôi đến tay người cần nhận.
Linh mục Nguyễn Hoàng Lê Nguyên, đại diện nhà thờ Tân Sa Châu, cho biết khoảng hơn một tháng nay, mỗi ngày nhà thờ có ba thời điểm tặng quà cho người nghèo. Buổi sáng tặng bánh mì; buổi trưa là cơm hộp; buổi chiều là mì gói, gạo hoặc khoai lang rau củ...
Tuy nhiên, thời gian đầu, việc trao quà trực tiếp tạo ra cảnh chen lấn, vừa không đẹp mắt vừa không đảm bảo phòng dịch. Vì vậy, mọi người nghĩ ra cách chuyển quà từ bên trong ra ngoài bằng ống nhựa.
Người nhận đứng chờ, túi khoai lang “lướt ống” đến tận tay
Một tình nguyện viên của “ATM lướt ống” chia sẻ: “Chúng tôi chỉ việc hướng dẫn bà con đứng giãn cách, giữ trật tự. Khi có người đứng chờ ở chiếc rổ nhựa, chúng tôi mới thả quà, thực phẩm vào ống nhựa. Khoảng 15 phút, chúng tôi ngưng phát quà để khử khuẩn và lặp lại như vậy cho đến khi hết quà”.
Việc phát quà bằng “ATM lướt ống” diễn ra nhanh chóng và đảm bảo phòng dịch hiệu quả. Với những cá nhân không tuân thủ giãn cách, khẩu trang không ngay ngắn, quà sẽ không lướt ống trôi ra rổ nhựa.
Anh Trần Trí An chạy xe ôm công nghệ, tiện thể ghé vào nhận quà ở “ATM lướt ống”. Anh An cho biết cách phát quà này rất cần được nhân rộng, thuận tiện cho người nhận vừa tránh gây rắc rối cho người phát.
Mỗi ngày nhà thờ có ba thời điểm tặng quà qua ống nhựa này. Buổi sáng tặng bánh mì; buổi trưa là cơm hộp; buổi chiều là mì gói, gạo hoặc khoai lang rau củ.
“Nhiều người được nhận quà hơn, không có chuyện giành giật, chen chúc nhau, người được nhiều người được ít. Ai thích khoai lang thì đến nhận, không thích thì tránh ra cho người khác nhận” – anh An chia sẻ.
Cũng theo đại diện nhà thờ Tân Sa Châu, kinh phí để duy trì hoạt động do nhà thờ, giáo dân và các mạnh thường quân chung tay ủng hộ. Một số người dân đi ngang thấy hoạt động ý nghĩa cũng góp chút tấm lòng.
Không chỉ người nghèo, những người gặp khó ngặt trong đợt dịch COVID-19 kéo dài lần này cũng ghé vào nhận quà với lòng biết ơn.
Những người gặp khó ngặt trong đợt dịch kéo dài lần này cũng ghé vào nhận quà, rồi nhanh chóng rời đi.
Cầm túi khoai lang, cô Huỳnh Kim Mộng cúi đầu cảm ơn các tình nguyện viên. Một tình nguyện viên khích lệ cô Mộng: “Khoai lang tím ngon, giàu dinh dưỡng, cô ráng ăn thêm cho có sức khỏe nha cô”.
Cô Mộng thường đến nhận quà của nhà thờ, cho nên được các bạn tình nguyện viên nhận ra. Những ngày trước, cô thường đến nhận quà từ sớm, nhận đủ trứng, mì tôm, gạo. Hôm nay, cô bán vé số ế, ráng đi thêm nên đến trễ giờ phát quà của nhà thờ, chỉ còn có khoai lang.
Người phụ nữ bán vé số, ghé vào nhận lấy một túi khoai từ “ATM lướt ống”
“Tôi không có buồn đâu. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khoai lang hay gạo thì cũng chỉ no bụng, còn ấm lòng là tình nghĩa kia kìa” – cô Mộng chia sẻ.
Ráng chiều đổ bóng, cô Mộng tay xách túi khoai lang, tay cầm vé số bước trên vỉa hè. “ATM lướt ống” cũng được thu dọn, hẹn ngày mai tiếp túc đưa quà đến tận tay bà con nghèo.