vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất lãi tiền gửi 0%: Người dân sẽ ồ ạt rút tiền, gây rủi ro cho hệ thống

2021-06-28 04:07

Nội dung văn bản kiến nghị của VAFI phân tích: Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn khoảng từ 0,2 - 0,7%/năm. Lãi suất tại Việt Nam neo cao, theo nhìn nhận của VAFI, có nguyên nhân cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ.

Theo VAFI, đề xuất lãi tiền gửi 0% có vẻ "sốc" vì một số người cho rằng sẽ gây nguy hiểm cho thị trường tiền tệ như: Không thể hạ nhanh lãi suất xuống được trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay; hạ mạnh lãi suất khiến hệ thống ngân hàng thiếu tiền khi dòng tiền nhàn rỗi đổ vào bất động sản, chứng khoán…, làm mất ổn định thị trường tiền tệ.

"Trong bối cảnh hiện không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn tiến hành, Việt Nam phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành luật thuế tài sản để khóa kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết. Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. Để có các văn bản như VAFI đề xuất, thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa", đại diện VAFI phân tích.

Theo VAFI, tại Việt Nam, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là rất cao, dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình. Phía VAFI cho rằng, đề xuất trên "không viển vông" và gần 11 năm trước, Hiệp hội này cũng đề xuất thành công giải pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%, dù cũng gặp phải nhiều sự phản đối.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dẫn chứng này không hợp lý. Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh, Giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, quy định lãi suất gửi ngoại tệ 0% khuyến khích người dân chuyển đổi ngoại tệ sang nội tệ và liên quan đến các chính sách điều hành thị trường ngoại hối, ngoại thương, giảm tình trạng USD hóa nền kinh tế.

"Do đó, không thể lấy chính sách này để so sánh với đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%. Việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để nhận lãi là thói quen của người Việt hình thành trong thời gian dài. Người dân mong muốn gửi tiền là phải có lãi, lãi càng cao càng tốt", ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, nếu muốn hạ dần lãi suất tiền gửi còn 0%, để thay đổi thói quen tiết kiệm của người dân, thị trường tài chính Việt Nam phải có nhiều sản phẩm đầu tư thay thế để người dân lựa chọn. Tại những nền kinh tế phát triển, người dân có nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng ngoài kênh tiền gửi và tỷ lệ gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhỏ. Thêm vào đó, nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, nguy cơ dòng tiền rút khỏi ngân hàng sẽ khiến hệ thống bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích: VAFI so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế là khập khiễng bởi mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực, ví dụ Việt Nam xếp hạng BB theo S&P (Mỹ) trong khi đó của Indonesia, Philippine là BBB, Thái Lan (BBB+), Malaysia (A-), Trung Quốc (A+), Hàn Quốc (AA), Singapore (AAA)… Theo quy luật kinh tế - tài chính, rủi ro cao, lãi suất phải cao hơn, để bù đắp rủi ro đó

Theo ông Cấn Văn Lực, doanh nghiệp Việt Nam hiện vay vốn nước ngoài bằng USD trung hạn (1 - 5 năm), bên cho vay hoặc mua trái phiếu thường yêu cầu lãi suất USD từ 3 - 6%/năm, tùy thuộc thời hạn và mức độ rủi ro, tiềm năng của doanh nghiệp đó cũng như bản thân dự án đầu tư.

"Giả sử lãi suất tiền gửi VND là 0% trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng? trong khi có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Khi đó, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Hệ thống tài chính, tín dụng có thể bị rối loạn, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, lấy đâu ra nguồn lực để tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm", ông Cấn Văn Lực đặt câu hỏi.

Theo ông Cấn Văn Lực, dòng vốn tín dụng hiện chiếm khoảng gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, huy động qua thị trường chứng khoán khoảng gần 20%, còn lại là vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư công và đầu tư tư nhân… Lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như: Bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… vừa rủi ro, vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Thực tế 5 tháng đầu năm nay đã diễn ra như vậy, tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 3%, tín dụng tăng 5%, trong khi dòng tiền cá nhân đổ vào chứng khoán, bất động sản... cao hơn nhiều.

Đồng tình với quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập cho rằng, đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% là không khả thi. Lãi suất tiền gửi ở Việt Nam hiện vẫn ở mức 4 - 5%/năm, nếu hạ lãi suất sẽ dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh như: Chứng khoán, bất động sản… Hơn nữa, chính sách này sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4% trong năm nay.

"Việc đưa lãi suất tiền gửi về 0%, các ngân hàng sẽ gặp vấn đề về thanh khoản khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Khi đó, sẽ cần phải có bàn tay trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước để tiếp thêm thanh khoản, nếu không sẽ xảy ra khủng hoảng, biến động tài chính lớn", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Minh Phương

Báo Tin Tức

Xem thêm: nhc.92360149172601202-gnoht-eh-ohc-or-iur-yag-neit-tur-ta-o-es-nad-iougn-0-iug-neit-ial-taux-ed/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đề xuất lãi tiền gửi 0%: Người dân sẽ ồ ạt rút tiền, gây rủi ro cho hệ thống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools