Chiếc xe máy cảnh sát giao thông thị xã Đức Phổ tặng anh Vĩnh giúp vơi đi những nỗi lo - Ảnh: TRẦN MAI
Sau câu chuyện anh Huỳnh Khắc Vĩnh (42 tuổi, trú phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) vi phạm luật giao thông và bị thu giữ xe máy là câu chuyện những cảnh sát giao thông đã mang đến nhà anh một chiếc xe máy khác, khiến mái nhà nghèo khó lấy lại niềm vui.
Gia đình khốn cùng
Trời ngả bóng, chúng tôi hỏi đường tìm đến nhà anh Huỳnh Khắc Vĩnh. Những người thôn quê chỉ dẫn cũng thật kỳ lạ. "Đi miết đến UBND xã Phổ Quang là thấy nhà Vĩnh. Chỗ đó đông nhà, nhưng nhìn cái nhà nào có hai thằng cu ngơ ngơ ngáo ngáo ngồi trước nhà vọc đất là nhà đó", một ông lão chỉ đường nói.
Chúng tôi hình dung trong đầu mình có lẽ con anh Vĩnh chậm phát triển. Nhưng khi đến nhà, mọi chuyện còn hơn thế. Đứng canh chừng hai con anh Vĩnh là một bà lão. Đôi mắt bà cứ nhìn sang bờ rào, nơi hai đứa cháu cứ thấy ai chạy xe máy qua là lấy cục đất ném theo rồi cười phá lên. Vẫy tay qua nhà mình, bà tự giới thiệu mình là bà nội 2 đứa nhỏ. "Đợi tí nữa thằng Vĩnh về, giờ cháu vào là hai đứa nó bu theo thì khổ", bà nói.
Rồi bà kể chuyện rất dài hồi lẫn quá khứ và thực tại. Phổ Quang từng là vùng đất của đạn bom. Chiến cuộc qua đi, bà sinh mấy người con đều lành lặn. Anh Vĩnh cũng chẳng có biểu hiện gì, nhưng hai đứa cháu thì mắc di chứng, ngây dại. "Thằng lớn nghỉ học rồi, thằng nhỏ đáng ra học lớp 6 nhưng chỉ mới dừng lại ở lớp 4 và chẳng biết "cục đất" viết sao", bà nói.
Nhà lại đối diện trường học, mỗi lần nhìn thấy bọn trẻ ra tan trường là hai đứa cháu ngồi ngơ ngác, thấy ai không thích lại hùa theo đánh. Chúng nghịch ngợm trong vô thức. Hơn 1 tháng trước thấy nhóm con nít đùa giỡn đuổi nhau, hai đứa tưởng đánh lộn nên lao ra đánh tụi nhỏ, người lớn phải can.
Vị trí ngôi nhà anh Vĩnh khá đẹp nhưng chẳng bán buôn được gì. Hai đứa con anh Vĩnh có cái tên mang đầy hoài bão là Huỳnh Cao Thành Công (14 tuổi) và Huỳnh Cao Công Lý (11 tuổi), nhưng bà nội chúng chắc chắn chẳng có hy vọng gì nữa. Với bà, lúc này chỉ mong chúng chịu uống thuốc điều độ, ít lên cơn.
Đang trò chuyện thì chị Tường Vy (hàng xóm) ghé đến góp lời: tổ ấm của anh Vĩnh chẳng có vật dụng gì đáng giá mà vợ chồng anh bỏ tiền mua cả vì toàn của hàng xóm cho. Đứng trước nhà chỉ vào cái tủ, chị Vy bảo: "Cái tủ đó tôi tặng vợ chồng thằng Vĩnh. Ở đây mỗi người 1 tay vì thương vợ chồng nó thật thà. Hai ông nhỏ đi quậy khắp xóm, phá lắm nhưng ai cũng thông cảm", chị Vy nói.
Đang trò chuyện thì anh Vĩnh rồ chiếc xe máy về nhà, cơ thể gầy gò, khuôn mặt cháy đen. Chị Vy bảo: "Cái xe hôm trước mấy chú công an cho đó, chứ tiền đâu mà mua xe. Cái xe trước bà chị bên xóm cho, đi mấy năm chả có giấy tờ gì bị công an tịch thu rồi".
Mời khách vào nhà, anh Vĩnh vội lấy chân hất sợi dây xích buộc ngay chân giường vào sâu bên trong. Lau giọt mồ hôi, anh Vĩnh bảo đang làm thợ hồ thì nghe nhà có khách nên xin về sớm. Thấy chúng tôi nhìn sợi xích, người cha tội nghiệp nói như phân bua: "Ngại quá, ai đến cũng nhìn. Sợi xích đó tôi dùng xích thằng cu lớn mỗi lần lên cơn. Đứt ruột mà phải làm".
Ngôi nhà nóng hầm hập, thêm mùi nước tiểu hai đứa nhỏ vừa "tranh thủ" không có người lớn ở nhà phóng uế vào góc tủ khiến không khí thêm nặng nề. Nói đến công việc, anh Vĩnh cười hiền lành cho biết nghề thợ hồ nặng nhọc lại nắng nôi nhưng mỗi ngày đi làm cũng kiếm được 250.000 đồng lo ăn uống, thuốc thang cho cả nhà. "Nhờ cái xe mấy anh công an cho nè, chứ không đi lại cực lắm", anh Vĩnh nói.
Chiếc xe của tình người
Kể về chuyện vi phạm giao thông, anh Vĩnh bảo hôm đó đang đi mua thuốc bảo vệ thực vật về phun ruộng thì bị "thổi" lại. Kiểm tra hành chính, anh chẳng có bất kỳ giấy tờ gì nên chiếc xe bị cảnh sát giao thông thị xã Đức Phổ thu giữ. Anh Vĩnh lủi thủi cầm giấy hẹn làm việc và mấy lọ thuốc trừ sâu đi bộ về nhà.
Đoạn đường không quá xa nhưng cũng làm anh Vĩnh mệt mỏi. Mất chiếc xe, công việc của anh di chuyển nhiều sẽ gặp khó khăn. Về đến nhà vợ hỏi xe đâu, anh Vĩnh chẳng nói gì mà đi thẳng ra ruộng phun thuốc.
Bữa cơm chiều hôm đó thật nặng nề, anh Vĩnh thành thật với vợ là xe bị cảnh sát giao thông giữ. Người vợ vốn cũng mang đủ thứ bệnh, chân bước thấp cao, bỏ chén cơm ra sau nhà ngồi khóc.
Khoảnh khắc ấy là vực sâu với vợ chồng anh Vĩnh. Chị Cao Thị Minh Phùng (40 tuổi), vợ anh Vĩnh, nhìn chiếc xe hiện tại rồi nhìn chồng cười. Hạnh ngộ thế nào mà đang trò chuyện thì có mấy chiếc xe cảnh sát giao thông đi đến trước cổng nhà. Trung tá Võ Tấn Sĩ, đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an thị xã Đức Phổ, bước vào nhà. Đội tuần tra của anh Sĩ vừa hoàn thành nhiệm vụ ghé vào thăm gia đình anh Vĩnh và biếu quà.
Kể về cái lần kiểm tra và tịch thu xe anh Vĩnh, trung tá Sĩ kể: "Hôm đó kiểm tra mà ảnh chẳng có tờ giấy vụn. Biết xe lụi, người điều khiển không có bằng lái nên tôi bảo anh em lập biên bản tạm giữ xe. Lúc anh Vĩnh đi về, cảm giác trong người mình như có điều gì đó vì ảnh hiền quá. Chiều hôm đó, tôi ghé vào UBND xã hỏi thông tin. Thế là mấy anh trong xã mới cho tôi biết hoàn cảnh của anh Vĩnh. Hóa ra hai đứa nhỏ hay đứng trước nhà rồi chạy theo xe chúng tôi mỗi khi đi tuần ở tuyến đường này là con của người mình vừa xử lý".
Biết được hoàn cảnh anh Vĩnh, anh Sĩ và đội cảnh sát giao thông Công an thị xã Đức Phổ đứng trước tình thế khó khăn. Về lý thì việc tịch thu chiếc xe và anh Vĩnh phải đóng phạt hành chính là đúng. Nhưng về tình thì chẳng khác nào đẩy gia đình anh vào chỗ khó khăn hơn. Anh Sĩ mang câu chuyện ra chia sẻ với toàn đơn vị, mọi người đồng ý với anh Sĩ: "Lý phải xử, tình phải làm".
Thế là đơn vị mỗi người góp 1 ngày lương và tìm mua tặng anh Vĩnh một chiếc xe 50 phân khối để anh đi lại. "Chúng tôi tính mua chiếc xe phân khối lớn hơn, nhưng xe này là phù hợp nhất vì anh Vĩnh không có bằng lái vẫn tham gia giao thông bình thường. Trao được xe cho anh Vĩnh, đơn vị cũng đỡ nỗi bận tâm trong lòng", anh Sĩ trải lòng.
Buổi trò chuyện ngập tràn tiếng cười, khi những tấm lòng chạm đến nhau, điều tồn tại sau cùng là hạnh phúc. Anh Vĩnh nhớ lại lúc cảnh sát giao thông mang xe đến nhà, chị Phụng thấy xe cảnh sát thì nói với chồng "Chắc họ đến bắt anh đóng phạt", trong lòng hai vợ chồng ngập tràn nỗi lo. Họ chỉ vỡ òa khi anh Sĩ trình bày đơn vị tặng gia đình một chiếc xe để đi lại.
"Bây giờ kể lại mà tôi vẫn còn run đây này. Thiệt sự lúc đó mới mua thuốc cho con nên cũng bí tiền", anh Vĩnh nói.
Anh Sĩ vỗ vai động viên anh Vĩnh, hai người đàn ông từng đứng ở 2 vị trí khác nhau giờ gặp nhau ở sự sẻ chia và đón nhận. Anh Vĩnh nói sẽ cố gắng hơn nữa, còn anh Sĩ bảo có khó khăn gì cứ báo, nếu đơn vị hỗ trợ được thì sẽ sẵn sàng. Hai người đàn ông trạc tuổi nhau, họ biết nhau qua một lần xử lý vi phạm an toàn giao thông, rồi giờ như có một mối thâm giao.
Sự chân thành của những chiến sĩ công an, hoàn cảnh trớ trêu của một gia đình và chiếc xe đầy tình người ấy là điểm nối cho sự tử tế đi xa...
TTO - Bao lần ông tuyệt vọng khi nhìn đứa con khờ khạo vốn chỉ biết cười. Nay con đang khóc vì cơn sốt mà mình không một xu dính túi. Rồi họ đã dìu nhau bước qua sự cùng cực ấy, bằng tình thương của một người cha...
Xem thêm: mth.57774232272601202-iougn-hnit-ex-ceihc/nv.ertiout