Một trong những đoạn video quay được cho thấy tàu thăm dò triển khai hệ thống nhảy dù khi đang hạ cánh xuống sao Hỏa, trong khi đoạn video thứ hai quay lại khoảnh khắc robot tự hành Chúc Dung di chuyển trên bề mặt hành tinh này.
Dữ liệu từ tàu thăm dò được gửi về trái đất thông qua vệ tinh của con tàu thăm dò khác có tên Sứ mệnh sao Hỏa Thiên Vấn 1 (Tianwen-1), đã quay xung quanh hành tinh đỏ từ hồi đầu năm.
"Cả hai con tàu thăm dò đều đang ở trong tình trạng hoạt động tốt và an toàn, báo cáo thông tin từ sao Hỏa về trái đất" - CNSA đưa ra tuyên bố vào ngày 27-6.
Robot tự hành Chúc Dung (Zhurong) di chuyển trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: SPUTNIK
Theo CNSA, tàu thăm dò chở robot tự hành Chúc Dung sẽ nghiên cứu tính chất bầu khí quyển và đặc điểm địa chất của sao Hỏa, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu nước này có thể tìm hiểu về sự tiến hóa của hành tinh đỏ.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của sứ mệnh lần này của con tàu là tìm hiểu khu vực Utopia Planitia, nơi các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng sẽ tìm thấy được nguồn nước hoặc bất kì dấu hiệu sự sống nào tồn tại trên sao Hỏa.
Trước đó, vào tháng 2-2021, tàu vũ trụ Perseverance của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nhẹ nhàng đáp xuống bề mặt từng là hồ nước cổ đại của sao Hỏa và cũng tiến hành tìm kiếm dấu hiệu của sự sống tại miệng núi lửa Jezero.