vĐồng tin tức tài chính 365

Người đi qua Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính

2021-06-28 09:17
Người đi qua Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính - Ảnh 1.

Toàn bộ hành khách trên xe từ TP.HCM qua tỉnh Đồng Nai được kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế - Ảnh: A LỘC

Đến giờ này ai cũng thấy số ca nhiễm ở TP.HCM, Bình Dương ngày càng tăng nên ở địa bàn phát triển công nghiệp như Đồng Nai chúng tôi phải lo lắng và đưa ra nhiều giải pháp để phòng chống dịch. Bởi hầu hết các ca bệnh xâm nhập vào địa bàn Đồng Nai chủ yếu ở các tỉnh thành giáp ranh. Mới nhất là có thêm 10 người ở địa bàn đi lại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn nghi mắc COVID-19 nên các cơ quan chức năng đang phải truy vết, phong tỏa nhiều nơi. Do đó, tỉnh sẽ đề xuất với các tỉnh thành xung quanh để làm sao người đi qua địa bàn phải có xét nghiệm âm tính.

Ông Thái Bảo - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế.

Với tinh thần đó, tỉnh Đồng Nai đang lên phương án đề xuất những người di chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính để kiểm soát dịch bệnh.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Thái Bảo - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Người đi qua Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính - Ảnh 3.

Người dân khai báo y tế điện tử tại chốt kiểm soát gần cầu Đồng Nai (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) khi vào địa bàn Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

* Theo ông, việc phối hợp với các tỉnh thành yêu cầu người qua địa bàn có giấy xét nghiệm âm tính là giải pháp tốt nhất vào lúc này?

- Chúng tôi đánh giá rằng việc lập chốt kiểm soát ở vùng giáp ranh để đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế... những người ra vào địa bàn chỉ là giải pháp tình thế.

Để kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương cho các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nếu bảo đảm điều kiện, có thể bố trí cho công nhân, người lao động tạm lưu trú tại công ty để phòng chống dịch.

Và đã có một số doanh nghiệp chủ động bố trí cho công nhân ăn nghỉ ở lại công ty. Điều này cũng giảm được số lượng đi lại cộng đồng.

Đối với công nhân lao động thường trú tại TP.HCM và Bình Dương hiện đang làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và ngược lại, tỉnh yêu cầu lãnh đạo các công ty yêu cầu công nhân lao động của công ty tạm thời sắp xếp thuê nhà trọ hoặc lưu trú tại các cơ sở lưu trú gần nơi làm việc, không đi/về hằng ngày giữa các địa phương từ vùng có dịch để phòng ngừa, ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh trong các công ty, xí nghiệp.

Và Đồng Nai cũng rất mong muốn các địa phương TP.HCM và Bình Dương quan tâm chỉ đạo vấn đề này để ai ở đâu, ở đó nhằm góp phần phòng ngừa dịch bệnh.

Với các trường hợp bất khả kháng phải về/đến Đồng Nai hằng ngày từ TP.HCM và Bình Dương, kể cả đối tượng lao động tự do, sắp tới chúng tôi yêu cầu phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày.

Để làm việc này, các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nghiêm quy định này.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận tải hàng hóa bao gồm cả người và phương tiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, vừa bảo đảm trong công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo hỗ trợ lưu thông hàng hóa.

Riêng các trường hợp ở các tỉnh thành đã từng cách ly đi qua địa bàn có giấy xác nhận hoàn thành việc cách ly thì di chuyển bình thường.

* Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đến giờ này Đồng Nai chống dịch tốt và ông ủng hộ việc các tỉnh cần có sự phối hợp để kiểm soát người qua lại, phương tiện vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Theo ông, làm sao những ngày này tránh được tình trạng bên này giăng dây chống dịch thì tỉnh bên cạnh lại cho họp chợ... để bớt những nỗi lo?

- Đồng Nai là một địa bàn cửa ngõ ra vào nhiều tỉnh thành và liền kề với một số tỉnh thành đang bùng phát dịch. Trong khi đó, tỉnh có 32 khu công nghiệp đang hoạt động.

Hiện có trên 1.500 doanh nghiệp FDI với 1,2 triệu công nhân lao động. Có những công ty như Changshin Việt Nam, Taekwang Vina, Pouchen, Tập đoàn Phong Thái... có từ 20.000 - 40.000 công nhân lao động.

Thử nghĩ, nếu dịch xâm nhập vào Đồng Nai, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, thì nguy cơ bùng phát và mức độ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh sẽ rất khủng khiếp, hậu quả thiệt hại về kinh tế - xã hội khôn lường.

Chính vì vậy, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi hiện nay là làm sao phải ngăn chặn được sự xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh, nhất là ở các khu công nghiệp.

Qua đánh giá tình hình dịch bệnh, tôi cho rằng lúc này việc kiểm soát tốt người và phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại giữa các tỉnh thành là cực kỳ quan trọng.

Do đó, Đồng Nai mới đưa ra phương án có giấy xét nghiệm âm tính để kiểm soát người ra vào địa bàn cũng với mục đích nhằm kiểm soát dịch bệnh không chỉ cho tỉnh Đồng Nai mà giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các tỉnh thành khác.

Theo tôi, vấn đề này cần phối hợp một cách đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ giữa các địa bàn giáp ranh thì công tác phòng chống dịch mới đạt được hiệu quả cao nhất. Phối hợp nhưng tránh tình trạng chặt bên này mà lỏng bên kia...

Nếu dịch xâm nhập vào Đồng Nai, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, thì nguy cơ bùng phát và mức độ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh sẽ rất khủng khiếp...

Ông THÁI BẢO (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai)

* Khi thấy dịch bệnh lan ra nhiều nơi do kiểm soát người đi qua lại giữa các tỉnh chưa hiệu quả, dư luận đã nhắc lại chuyện Đồng Nai từng áp dụng phương pháp cách ly của tỉnh. Khi đó, có người ủng hộ, có người cho rằng Đồng Nai "ngăn sông cấm chợ". Vì sao ông ký văn bản trên?

- Lúc đó dịch bệnh căng thẳng, tôi ký ban hành văn bản đó cũng nhằm mục đích hạn chế người về/đến Đồng Nai hằng ngày từ các địa phương đang bùng phát dịch.

Muốn làm vậy để khuyến cáo hạn chế đi qua, đi lại địa bàn để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Và như đã thấy, giờ đây đã có thêm nhiều ca bệnh ở các tỉnh thành lân cận xâm nhập vào Đồng Nai đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho tỉnh trong việc chống dịch.

Cho nên, thời gian tới tỉnh sẽ áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch như tôi đã nói để quản lý chặt người về/đến từ vùng dịch, hạn chế dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

10 Đó là số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng liên quan chợ đầu mối Hóc Môn ở Đồng Nai được ghi nhận ngày 27-6. Số ca mắc mới trong ngày trên cả nước là 323 ca. TP.HCM nhiều nhất với 200 ca.Nguồn: Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai

Chống dịch vùng giáp ranh: bên siết, bên hở

TP.HCM triển khai nhiều biện pháp như: dừng chợ tạm, nghiên cứu phương án bán luân phiên chợ truyền thống... nhằm góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, khu vực giáp ranh vẫn còn gặp khó khăn khi chính sách chống dịch mỗi địa phương lại khác nhau.

Ngày 27-6 tình trạng chợ tự phát Nhân Văn (một bên là phường Linh Trung, TP.HCM - một bên là Dĩ An, Bình Dương) đã được các địa phương thống nhất tạm dừng hoạt động. Trước đó, ngày 25-6 tại khu chợ này phía TP.HCM căng dây tạm dừng hoạt động nhưng phía Bình Dương người dân vẫn họp chợ.

Tuy nhiên, tại khu vực phường An Bình, TP Dĩ An giáp ranh phường Linh Tây, TP Thủ Đức tình trạng TP.HCM siết, Bình Dương hở vẫn còn xảy ra. Từ chân cầu vượt Sóng Thần theo đường Đào Trinh Nhất ra Phạm Văn Đồng có thể thấy rõ hai địa phương có cách chống dịch khác nhau.

Đoạn đầu đường giáp quốc lộ 1 thuộc Bình Dương người dân vẫn vô tư ngồi ăn sáng, uống cà phê. Trong khi đó đoạn giáp với đường Phạm Văn Đồng người dân không được buôn bán đồ ăn, hàng quán phục vụ tại chỗ, một số quán còn đóng cửa không hoạt động.

LÊ PHAN

Bảo vệ bằng được các khu công nghiệp vùng giáp ranh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ưu tiên của các địa phương phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, là phải kiểm soát tốt tình hình dịch tại các khu công nghiệp. Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm vào khu công nghiệp ở các địa phương trên rất lớn bởi các khu công nghiệp đã có ca nhiễm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định Đồng Nai và Bình Dương có số công nhân đông nhất cả nước (mỗi tỉnh khoảng 1,2 triệu công nhân). Bình Dương hiện ghi nhận số lượng lớn ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, hầu hết liên quan các ổ dịch tại TP.HCM với biến chủng virus Delta (Ấn Độ).

Thông qua các buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các tỉnh giáp ranh TP.HCM nhanh chóng thành lập các tổ kiểm tra đánh giá nguy cơ trong doanh nghiệp. Ngoài ra giải pháp lâu dài, theo Thứ trưởng, sắp tới Bộ Y tế sẽ kiến nghị tăng phân bổ vắc xin cho công nhân của các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Đề cập công tác chống dịch ở Đồng Nai, ông Sơn khuyến cáo tỉnh này cần thực hiện tốt công tác kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phương tiện nhưng cũng phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế tại các chốt kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian. HƯƠNG THẢO

Đồng Nai kêu gọi khai báo y tế vì 6 người nghi mắc COVID-19 từng đến chợ đầu mối Hóc MônĐồng Nai kêu gọi khai báo y tế vì 6 người nghi mắc COVID-19 từng đến chợ đầu mối Hóc Môn

TTO - Sau khi phát hiện 6 ca nghi mắc COVID-19, rạng sáng 27-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông báo khẩn tìm người từng đến chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Xem thêm: mth.17912618082601202-hnit-ma-meihgn-tex-oc-iahp-ian-gnod-auq-id-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người đi qua Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools