Mở rộng sự linh hoạt sang kinh tế
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Các chủ trương, chính sách, quyết sách liên quan trực tiếp đến nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta có một độ linh hoạt cao, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Chẳng hạn, khi có nhiều tiếng nói từ các chuyên gia dịch tễ cho rằng nên cách ly tại nhà những người tiếp xúc với người mắc Covid-19 (thường được gọi là các F1) chứ không nhất thiết phải cách ly tập trung, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã xây dựng ngay phương án cách ly tại nhà với các F1 và sớm thí điểm ở một số nơi. Đây là một sự linh hoạt rất cần thiết khi dịch lan rộng, số lượng địa điểm cách ly tập trung hạn chế, nguồn lực có hạn; các khu cách ly tập trung nếu thực hiện không tốt cũng có thể có khả năng lây nhiễm chéo giữa những người cách ly.
Trước đó, Bộ Y tế có văn bản chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng công bố danh tính, lịch trình di chuyển, quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19. Trước khi có văn bản chấn chỉnh này, nhiều địa phương ra thông báo nêu rõ bệnh nhân kèm theo mã số từng đi đâu, gặp ai, kể cả địa chỉ cụ thể, gây phiền hà và nhiều rắc rối cho người bệnh, nhất là áp lực dư luận xã hội mà họ phải gánh chịu. Nay các thông báo chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ dịch tễ (nơi từng có người mắc Covid-19 đến) để người dân từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó có biện pháp cần thiết.
Thiết nghĩ sự linh hoạt trong chính sách như thế cũng cần mở rộng ra lĩnh vực kinh tế để nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta tạo ra được sự nhất quán và hỗ trợ người dân đến mức tối đa. Trong khi dịch đang lan rộng, nhiều địa phương buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, làm các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính lại đưa ra các chính sách mới về thuế trong Thông tư 40 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2021.
Vừa qua, báo chí tập trung vào các điểm mới như những hộ gia đình hay cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada... sẽ bị khấu trừ thuế dựa trên doanh thu. Hay báo Thanh Niên nêu “Từ ngày 1-8 tới theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các ngành cắt tóc, gội đầu, giặt ủi, may đo... nằm trong danh sách chịu 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân”. Thật ra mức thuế này cho các ngành này là như cũ, đã được quy định tại Thông tư 92 năm 2015. Điểm mới của Thông tư 40 là bổ sung dịch vụ quảng cáo trên sản phẩm hay dịch vụ nội dung thông tin số chịu mức thuế này.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, tốt nhất là chưa nên thay đổi bất kỳ chính sách gì về thuế, có thể ảnh hưởng đến người kinh doanh, nhất là hộ gia đình và cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Thông tư 40 chắc chắn sẽ làm thay đổi cách tính thuế, nộp thuế của nhiều đơn vị kinh doanh và trước mắt do không kèm theo công tác truyền thông nên có thể dẫn đến các cách hiểu chưa chính xác, gây hoang mang dư luận.
Chủ trương chung và nhất quán của Chính phủ là hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch bằng nhiều gói tài khóa, kể cả hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự do. Vì thế mọi chính sách không nằm trong khuôn khổ đó nên tạm gác lại cho đến khi dịch đã qua đi, nền kinh tế được phục hồi, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trở về như cũ.
Xem thêm: lmth.et-hnik-gnas-taoh-hnil-us-gnor-om/536713/nv.semitnogiaseht.www