Người ta thường bảo: nếu bạn hoạt động trong thị trường thật tiềm năng với mô hình kinh doanh sáng tạo – đột phá, bạn có cơ may gọi vốn thành công. Câu chuyện của VNG Education 21 trong tập 8 chương trình Shark Tank Vietnam 2021 một lần nữa chứng minh điều đó.
Dù hoạt động trong thị trường “xưa cũ” là xuất khẩu lao động – cụ thể là đi Đức và các nước châu Âu, mô hình kinh doanh chỉ có vài khác biệt nhỏ so với đối thủ; nhưng vì đây là lĩnh vực quá tiềm năng nhưng rất khó thành công, các Shark là những người thấm thía nhất điều đó, nên 3 ‘cá mập’ Liên – Louis – Bình vẫn quyết đặt cược tiền, dù vẫn vẫn còn hoài nghi vào sự thành công của VNG Education 21.
VNG Education 21 hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động
Trong tập 9 chương trình Shark Tank Vietnam 2021, founder Nguyễn Lê Phú Thịnh và co-founder Dương Minh Khánh Lâm đến kêu gọi 3 tỷ đồng cho 10% cổ phần của startup VNG Education 21.
Lý do khiến cặp đôi này sáng lập nên VNG Education 21, là bởi thị trường xuất khẩu lao động sang châu Âu – đặc biệt là nước Đức rất tiềm năng. Theo Nguyễn Lê Phú Thịnh, thì hiện tại, 1,2 triệu việc làm tại Đức đang thiếu lao động, dự đoán con số đó sẽ tăng lên 3,9 triệu vào 2030. Còn tại Việt Nam có nhiều lao động trẻ có tay nghề cao lại thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành nghề.
VNG Education 21 ra đời nhằm cung cấp nguồn lao động có trình độ và tay nghề tại Việt Nam cho thị trường Đức – trong tương lai có thể mở rộng ra châu Âu và thế giới.
Ngoài ra, VNG Education 21 còn liên kết với 1 startup công nghệ tại đức, chuyên về rating & scoring (xếp hạng và đánh giá) thị trường nhân lực, sau đó kết nối giữa nhà tuyển dụng Đức và nhân sự Việt Nam. Sau khi nhà tuyển dụng Đức tìm được ứng cử viên thích hợp, sẽ phỏng vấn online, nếu ưng ý sẽ ký kết hợp đồng tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Đức. VNG Education 21 sẽ chịu trách nhiệm đào tạo về ngôn ngữ và tay nghề phù hợp, chuẩn hóa hồ sơ.
Trong năm 2021, VNG Education 21 đã có 500 đơn đặt hàng. Mục tiêu khách hàng của startup này là anh/chị dưới 35 tuổi – những người còn có khả năng tiếp thu tiếng Đức và có chứng chỉ nghề.
VNG Education 21 mở đầu buổi gọi vốn của mình bằng cách mời các Shark lên uống bia Đức.
Nghề hay nhưng rất gian truân, khi tất cả các Shark đều đã thất bại
Ngay khi nghe các nhà sáng lập của VNG Education 21 trình bày, Shark Bình đã khen là ‘nghề hay’. Shark Hưng không phản đối, nhưng cho rằng, lĩnh vực này đang có khá nhiều rào cản.
Shark Hưng chia sẻ kinh nghiệm: "Đúng là nhu cầu về lao động có tay nghề ở châu Âu rất cao, tìm người rất khó khăn. Tuy nhiên, các lao động Việt Nam khi qua đó, dù nhận được lương cao, song không chịu tăng ca khi chủ có nhu cầu và thường ‘làm mình, làm mẩy’.
Theo kinh nghiệm của tôi, tìm được nguồn cung đáp ứng được chuyên môn, ngôn ngữ, điều kiện nhập cảnh… là cả một vấn đề. Tôi có thể đưa vài chục ngàn người qua châu Âu ngay, nếu có đủ nguồn cung như thế. Vậy bạn đã đưa được ai qua Đức chưa?".
Đáp lời, Phú Thịnh thú nhận là công ty mình chưa dạy tiếng Đức cũng như đưa được ai đi đâu cả. Tuy nhiên, VNG Education 21 vừa có giấy phép dạy tiếng Đức đã được cấp bởi Sở Giáo dục và đào tạo TP. HCM.
Sau khi founder này dứt lời, Shark Phú chốt luôn: "Vì startup chưa có gì cả và ngành nghề kinh doanh cũng không liên quan đến hệ sinh thái của mình, nên tôi từ chối đầu tư. Mô hình thật sự quá sơ khai. Shark nào thích đầu tư mạo hiểm thì hãy chốt deal đi".
Ngay sau đó, thật bất ngờ vì Shark Bình lại là người đầu tiên tỏ ra hứng thứ với deal này. "Thường thì tôi không đầu tư vào những công ty ngoài lĩnh vực công nghệ. Nhưng do ngay từ đầu bạn mời tôi uống bia, nên tự dưng tôi nổi hứng muốn đầu tư vào deal phi công nghệ. Vì 2 bạn chưa có gì, nên tôi sẽ đầu tư theo công thức 50 – 50, tôi xuống 3 tỷ cho 50%, tức tôi ra tiền còn các bạn làm. Chúng ta cùng dắt tay nhau đi Đức!".
Vì là người từng thất bại trong lĩnh vực này, Shark Liên không thể chờ mà vội vàng lên tiếng: "Muốn đi Đức là phải qua tôi. Đồng ý là nhu cầu đi Đức rất cao nhưng học tiếng Đức lại rất khó. Như chúng ta đã biết, có không ít thanh niên Việt Nam đã đánh đổi cả mạng sống để qua châu Âu, vì muốn đi thật nhanh mà không muốn chờ đợi, không muốn thông qua những thủ tục đã ký kết giữa 2 quốc gia.
Vấn đề không dễ giải quyết chính là tiếng Đức và làm sao để đi chính thống. Thế nên, Shark Bình đừng vội vã, kẻo phải trả giá".
Shark Hưng và Phú rút lui vì lĩnh vực khó và startup chưa làm gì cả
Shark Hưng tiếp lời: "Thủ tục pháp lý và những vấn đề hậu cần khác rất phức tạp. Cái gì qua biên giới cũng khó khăn, hàng hóa đã thế con người càng thế. Trong khi, xét kỹ thì các bạn chẳng có lợi thế gì!".
Để trấn an các Shark, Phú Thịnh trình bày: "Chúng tôi có một văn phòng luật phụ trách toàn bộ các vấn đề pháp lý, hợp đồng và cả chuyện định cư". Shark Hưng phản pháo ngay: "Không phải, đó chỉ là đối tác hay công ty bên ngoài cung cấp dịch vụ luật cho các bạn".
Founder Nguyễn Lê Phú Thịnh
Founder của VNG Education 21 cố gắng đưa ra những thông tin khác để chứng minh mình cũng có lợi thế: "Trong năm 2020, Chính phủ Đức đã chấp nhận cấp một loại visa đặc biệt cho những lao động nghề: chỉ cần có chứng chứng chỉ B1 và A2, lao động Việt Nam có thể sang Đức làm việc.
Chúng tôi cũng chọn phương pháp giáo dục tập trung khi đào tạo tiếng Đức. Tức học viên của chúng tôi sẽ ăn ngủ nghĩ trong một không gian tập trung như quân đội, để có thể dành 100% tâm sức cho việc học tiếng Đức; chứ không ngày học 2 tiếng như các công ty khác, rồi học viên về nhà thích thì học không thì thôi. Cái này cũng để trả lời câu hỏi phía trên của Shark Liên".
Shark Hưng lại quan tâm đến số tiền mà 2 founder đã bỏ vào dự án, thực góp là như thế nào. Số vốn mà 2 nhà sáng lập này định bỏ ra lúc đầu là 10 tỷ đồng. Nếu Shark vào 3 tỷ cho 10% thì họ cũng sẽ vào 3 tỷ cho 10%. 80% còn lại chưa vào. "Khi hết thời hạn 90 ngày, tụi em sẽ ráng xoay xở để đủ tiền góp vốn".
Theo thông tin đăng ký, thì VNG Education 21 được thành lập vào ngày 7/5/2021, đại diện pháp luật là Đào Thị Thùy Dung. Tức là lúc lên gọi vốn trên chương trình Shark Tank, có thể họ mới hơn 1 tháng tuổi, 2 founder chưa bỏ tiền ra để nộp số vốn cần thiết thành lập công ty cho Nhà nước.
Sau khi căn vặn startup, Shark Hưng kết luận: "Xuất khẩu lao động rất khó ở câu trung gian và thủ tục pháp lý; thị trường Đức và châu Âu càng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các em còn là người mới của thị trường, lại chưa làm được gì cả, nên tôi từ chối đầu tư".
Thành công thuyết phục 3 Shark nhờ nhắc đến sự kiện ‘lao động Việt tử vong trong container sang Anh’ cũng như kế hoạch kinh doanh ‘tráng lệ’
Sau khi Shark Phú và Hưng chính thức rời deal, Shark Louis mới tham gia: "Anh sống ở Mỹ nhiều và cũng hay qua Đức, quỹ của anh niêm yết ở thị trường Đức và cũng làm việc với chính quyền ở các thành phố Đức về vấn đề công nghệ. Nên nếu có deal công nghệ liên quan đến nước Đức sẽ quan tâm ngay. Còn về lĩnh vực lao động, bên anh cũng đang hướng đến thị trường Đức và Mỹ.
Tuy nhiên, startup của các em vẫn còn quá non và xanh, rất early-stage, đi kêu gọi vốn quá sớm, cũng như chưa chứng minh được sự khác biệt của mình mới đối thủ trên thị trường. Vậy các em cần phải thuyết phục anh trong khoảng vài phút, vì sao anh nên đầu tư cho các em?".
Vì thị trường quá tiềm năng, cả Shark Louis - Liên - Bình chấp nhận đặt cược vào VNG Education 21.
Phú Thịnh bình tĩnh nhấn mạnh lại thêm lần nữa: "Công ty em ra đời sau sự kiện ‘lao động Việt mất mạng vì qua Anh trong container’ vừa qua. Ngoài kia, nhu cầu xuất khẩu lao động sang châu Âu là rất lớn, đến nỗi người sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để được đổi đời.
Chúng em muốn đưa cho người ta một con đường đi chính chống và hiệu quả hơn. Chúng em muốn đưa ra những cơ hội tốt cho những bạn trẻ chưa vào hoặc không thể vào đại học, nhân lực công nghệ cao bị mất việc do đại dịch. Nếu thành công sang Đức lao động, tức các bạn trẻ sẽ được đảm bảo tương lai, kinh tế Việt Nam cũng sẽ bền vững hơn".
Về kế hoạch kinh doanh: trong năm 2021, mục tiêu của VNG Education 21 là sẽ có 2.000 hồ sơ ứng viên. Cũng trong năm 2021, startup này sẽ đào tạo và hỗ trợ cho 200 hồ sơ thành công xuất khẩu sang Đức. Mỗi hồ sơ, doanh nghiệp sẽ thu 10.000 euro: trong đó, 7.000 euro cho phí dịch vụ, 3.000 euro là thù lao; VNG Education 21 sẽ có 2.000 euro lợi nhuận/10.000 euro thu về.
Như thế, trong năm 2021, VNG Education 21 sẽ có 400.000 euro lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả chi phí. Trong năm 2022, startup này sẽ đưa sang Đức nốt 1.800 hồ sơ còn lại, thu về lợi nhuận 3,6 triệu euro. Trong 500 đơn hàng đang có, 2/3 thuộc về ngành điều dưỡng.
Đánh giá về kế hoạch này, cả Shark Bình và Liên đều nhận định đây là ‘bức tranh quá đẹp’ và ‘hoành tráng’. "Tôi thích ý tưởng của các bạn. Nhưng các bạn cũng phải cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu mà mình đưa ra, chúng tôi mới đầu tư".
Shark Louis cũng xiêu lòng: "Đây đúng là một thị trường hấp dẫn. Trong khi ở các nước phát triển, dân số từ khoảng 60% đến 70% rất nhiều, không như ở Việt Nam. Những nước đó, nhu cầu nhập khẩu lao động chăm sóc người già như y tá – điều dưỡng rất cao. Hiện tại, Philippines đang chiếm thị phần khủng khiếp ở mảng này, vì họ nói được tiếng Anh mặc dù tiếng Đức vẫn chưa tốt".
Cuối cùng, Shark Bình – Louis – Liên đồng ý đi chung ở deal này. Shark Bình đề nghị cho Shark Liên 17%, còn ông và Shark Louis mỗi người 16%; tổng là 49% cho 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hội ý, 2 founder của VNG Education 21 không đồng ý với tỷ lệ này, mà muốn một đề nghị khác: 3 tỷ cho 30%, tức mỗi Shark xuống 1 tỷ cho 10%.
Shark Bình không chịu và đưa ra con số khác: 3 tỷ cho 45%, tức mỗi Shark có 15%. 2 founder Phú Thịnh và Khánh Lâm chấp nhận mức giá này, rồi cả 2 bên chốt deal.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị