Các tình nguyện viên làm biểu tượng trái tim ấm áp tình thân - Ảnh: FB cư dân Ehome 3
Đây là phần đầu bài thơ dài 50 câu của tác giả Mai Lý, cư dân chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM).
Nhiều người mới đọc đã hết hồn, đến khi đọc hết bài lại cười ngặt nghẽo. Hóa ra thời gian dài chung cư bị phong tỏa, tác giả Mai Lý "tức cảnh sinh tình" làm thơ tả buổi tối làm "chuyện ấy", tức lấy mẫu xét nghiệm, còn "cái đó" chính là que lấy mẫu.
Mẹ ơi, xin mẹ chớ buồn/ Chúng con sẽ về khi Sài Gòn hết dịch.
Tác giả MAI LÝ đã lạc quan gửi cho mẹ mấy vần thơ từ chung cư Ehome 3.
Phập phồng theo còi hụ xe cứu thương
Nguy cơ dịch COVID-19 đe dọa chung cư Ehome 3 bắt đầu rõ nét từ tối 30-5, khi block A6 đầu tiên trong 14 block chung cư bị cách ly do có ca dương tính. Lúc đó, nhiều cư dân vẫn nghĩ bụng: "Mới có một block bị cách ly mà, không phải là block của mình".
Nào dè những gì sắp xảy ra cứ như vệt dầu loang. Tối 5-6, đến hai block A3 và A4 bị cách ly. Sang ngày 7-6, quán cóc bán cà phê đối diện chung cư có ca dương tính, rồi nguyên dãy nhà dân có quán cóc cà phê bị cách ly. Ngày 12-6, thêm hai block A1và A2 bị giăng dây.
Cư dân bắt đầu rúng động. Toàn bộ dân 9 block chưa bị cách ly đều được lấy mẫu xét nghiệm gộp. Tiếng chuông điện thoại bấy giờ cứ như "chuông nguyện hồn ai". Nếu mẫu gộp nghi nhiễm, nhân viên y tế sẽ gọi điện cho những người trong mẫu gộp để lấy mẫu cá nhân.
Những ngày đó, cứ chiều đến là cư dân chung cư thấp thỏm canh xe cấp cứu. Ngày nào xe cũng chạy vào đón các ca F0 và F1. Mọi người ngóng xem xe quẹo vào cổng chung cư hay dừng ở khu vực nhà dân đối diện.
Nếu xe vào chung cư thì dừng lại trước block nào, "hốt" bao nhiêu người đi cách ly. Những người nhanh tay vội ra ban công chụp ảnh rồi đăng lên Facebook "bình loạn". Tội nghiệp, thần hồn nát thần tính, hôm nọ xe cứu thương vào chở người đi khám bệnh định kỳ bị hiểu lầm là chở người đi cách ly.
Rồi ngày phong tỏa toàn chung cư đã đến hôm 13-6 và "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Loa kêu gọi cư dân không ra khỏi căn hộ và chỉ ra ngoài để đổ rác hay xuống sảnh lấy nhu yếu phẩm. Chung cư vắng lặng khác thường.
Trên những con đường nội bộ rợp bóng cây chỉ còn xe của đội vận chuyển hàng qua lại. Một chốt chặn được lập ở đầu block A9 cách cổng chính mươi bước.
Ban đầu, nhu yếu phẩm từ chốt được vận chuyển đến sảnh, nhưng về sau đường tiếp tế ngày càng lùi xa. Lần đầu tiên vào ngày 20-6, điểm nhận nhu yếu phẩm lùi ra đầu con lộ cách chung cư khoảng 100m.
Trong lúc tình hình nhốn nháo, cư dân lại phàn nàn: "Mọi người ơi, có biết nhà nào hát karaoke không? Đang muốn trầm cảm mà mấy anh chị hát hoài luôn...". Lần thứ hai vào trưa 21-6, điểm nhận nhu yếu phẩm tiếp tục dời ra tuốt bờ sông gần bến phà Phú Định bởi bốn bề chung cư đều là phạm vi phong tỏa.
Cư dân kháo nhau xui nhất có lẽ là block A6. Block này vừa hết thời gian cách ly thì cả chung cư bị phong tỏa, tính ra đến ngày 26-6 đã 28 ngày bị "cấm túc" và không biết thời gian tới còn bao nhiêu ngày.
Rau củ quả được chuyển từ ngoài vào đến sảnh chung cư - Ảnh: FB cư dân Ehome 3
Những tấm lòng thơm thảo
Trong những ngày phong tỏa, một cư dân đã tâm sự trên Facebook: "... Chúng tôi phải sống và cảm thông với những người không may mắc bệnh. Qua mạng xã hội, chúng tôi động viên nhau yên tâm điều trị cho tốt, động viên những người F1 đi cách ly sớm được trở về và giúp đỡ hằng ngày với những người F2 phải cách ly tại nhà.
Chúng tôi phải sống và chia sẻ khó khăn với nhau. Cổ nhân dạy: "Qua khó khăn mới biết hết lòng người". Nếu như bình thường ai biết nhà nấy, ngày ngày đi làm công việc riêng của mình, lúc này người người như anh em ruột thịt một nhà...".
Với tinh thần "San sẻ yêu thương, cùng nhau vượt qua dịch bệnh", gian hàng 0 đồng được lập ra dưới sảnh mỗi block. Cư dân đã lập ra quỹ bánh mì, quỹ rau củ quả và quỹ hỗ trợ đội bảo vệ, lao công, vệ sinh, kỹ thuật (lực lượng này cũng bị kẹt trong vòng phong tỏa). Mọi người đóng góp tùy tâm.
Công Tuấn, 25 tuổi, đến thăm người anh ở block A8 rồi bị mắc kẹt "vô duyên" lại, đã kể: "Sáng có bánh mì ăn sáng. Trưa hay chiều có rau củ quả nấu canh. Chỉ còn gửi bên ngoài mua thịt, cá là đủ bữa".
Cư dân các block lập nhóm Zalo hoặc dùng các trang Facebook có sẵn để báo tin cho nhau. Nội dung thông báo hết sức dễ thương: "Cả nhà ơi, ai muốn ăn bánh mì thì xuống sảnh lấy nha"; "Có bắp cải, bí đỏ, rau cải ngọt, rau muống, hành lá, dưa chuột, chuối, khoai lang tím ạ. Mời cả nhà mình xuống lấy về nấu ăn ạ!".
Ở block A8, những người phụ trách kêu gọi "anh chị thấy hộ nào còn khó khăn nên chia sẻ để anh chị em trong block cùng hỗ trợ" hay nhẹ nhàng nhắc nhở cư dân tránh lãng phí vì "thấy có bánh mì trong thùng rác".
Cư dân bị phong tỏa nhiều ngày than thở "thèm trà sữa quá!". Lập tức có lời kêu gọi mọi người hạn chế đặt hàng chưa thật cần thiết để đỡ gánh nặng cho đội trung chuyển.
Sinh hoạt cư dân chung cư bị đảo lộn. Những vấn đề bình thường tuy nhỏ nay lại đau đầu như "Giờ em mua thịt heo ở đâu mà người ta có kinh nghiệm giao ở Ehome 3?", làm sao đổi bình nước uống, hết gas làm sao thay bình, mua thuốc chữa bệnh thì sao, rồi mẹ bầu cần viên sắt và Omega3 (DHA)...
Các cư dân đã chia sẻ địa chỉ cung ứng nhu yếu phẩm để mọi người cùng tham khảo, đại loại như: "Hôm qua em mua đồ ở Co.op Food Carina, em thấy các bạn rất dễ thương, giao hàng nhanh và nắm rõ lịch giao nhận của chung cư mình luôn. Khá là hài lòng ạ! Thêm thông tin cho mọi người đặt hàng nhanh gọn hihi".
Cư dân khác đăng ký giúp gia đình có người già, trẻ nhỏ không thể xuống sảnh lấy đồ tiếp tế. Người tình nguyện sẽ mang đồ tiếp tế để trước cửa gia đình đó rồi, như bài hát Knock Three Times, gõ cửa ba cái báo hiệu cho người trong nhà biết. Những ví dụ về tình làng nghĩa xóm mùa dịch không kể hết như:
"Mình có rổ rau tần dày lá mới hái để dưới sảnh A8 ạ. Nhà nào có bé bị ho hay đàm thì lấy về chưng tắc cho bé uống ạ". Các nhà hảo tâm là cư dân chung cư hoặc người ngoài đã hỗ trợ thêm gạo, đậu hũ ăn ngày rằm tháng 5, nước tương, dầu ăn, rau sạch, cháo dinh dưỡng, vitamin dành cho bé từ 5 - 15 tuổi...
Gian hàng 0 đồng ở Ehome 3, mọi người chỉ lấy vừa đủ để nhường nhau - Ảnh: FB cư dân Ehome 3
Đội phản ứng nhanh vận chuyển hàng giúp bà con
Không thể không nhắc đến lực lượng trung chuyển hàng trong thời gian phong tỏa. Ban quản lý chung cư đã tận dụng nguồn nhân lực, vật lực trong chung cư để lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ cư dân ổn định cuộc sống, bảo đảm nhu yếu phẩm hằng ngày.
Tổ phản ứng nhanh gồm 15 tình nguyện viên là cư dân có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, cư trú tại các căn hộ không có F1, F2 và tầng không có F0.
Hiện tổ phản ứng nhanh tự bỏ tiền xăng xe để chở nhu yếu phẩm từ điểm nhận hàng ở bến Phú Định cách chung cư khoảng 500m vào đến các sảnh. Đồ bảo hộ và dụng cụ khử khuẩn được ban quản lý và cư dân hỗ trợ thêm.
Anh em tình nguyện viên bộc bạch trên Facebook: "Chân thành mà nói, khi mình cũng như các anh em trong nhóm đăng ký làm tình nguyện viên trong đội phản ứng nhanh, tụi mình đã xác định được nguy hiểm, nếu như có xảy ra bất kỳ lý do gì (nếu là F0) thì cũng phải chấp nhận vì chúng ta không biết ai là F0 đang ở ngoài kia. Anh chị em trong nhóm đã xác định đi làm vì cái tâm và cũng vì yêu chính các bà con Ehome 3 dễ thương nữa".
Không ai muốn sống trong khu vực phong tỏa, nhưng một lần phong tỏa là một lần trải nghiệm, như một cư dân chung cư Ehome 3 chia sẻ:
"Chưa bao giờ ngôi nhà Ehome 3 lại bình yên đến vắng lặng nhưng vẫn đầy ấm áp yêu thương. Hàng xóm chung tay san sẻ từng ổ bánh mì, cọng rau, cọng hành, trái bầu, trái bí... Phong tỏa đã hạn chế đi lại và gây không ít trở ngại cho mọi người nhưng chúng ta không cô đơn...".
Tư vấn giúp đỡ nhau
Thấy có hàng xóm còn băn khoăn này nọ, một số người chịu khó giải thích thế nào là F0, F1, F2, chi phí cách ly bao nhiêu, muốn gửi đồ cho người cách ly phải làm gì, 10 kinh nghiệm giúp bạn không lo, không đau khi làm "chuyện ấy" (xét nghiệm).
Danh sách bác sĩ, dược sĩ sống cùng chung cư được công bố để mọi người hỏi han khi cấp thiết. Một bà mẹ cần đưa bé đi cấp cứu. Nhờ cư dân hướng dẫn, gia đình đã gọi được xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. Sau đó, bà mẹ đã bõ công viết bài trên Facebook hướng dẫn kinh nghiệm đưa người đi cấp cứu an toàn, nhanh chóng trong thời gian bị phong tỏa.
Xin không nhận hỗ trợ
Tổ phản ứng nhanh tự chi trả chi phí xăng dầu, ăn uống và xin phép không nhận hỗ trợ về tiền bạc cũng như xăng xe vì "nếu quý vị làm như vậy, nhóm chúng mình bị tổn thương lắm và chính quý vị đang giết đi lòng nhiệt huyết, lòng đam mê, lòng tự trọng của chúng tôi. Nếu như quý vị một hai nhất quyết làm thì chỉ còn cách chúng mình rời khỏi nhóm".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Vài chục người tại chung cư Ehome 3, quận Bình Tân đã tình nguyện vận chuyển đồ đạc cho cả chung cư không kể ngày đêm, trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Mọi người dành cho nhau từng bịch gạo, ổ bánh mì thân tình.
Xem thêm: mth.94130650182601202-aot-gnohp-ib-uc-gnuhc-gnort-gnouht-nem-gnouht-hnit-neyuhc/nv.ertiout