vĐồng tin tức tài chính 365

Người Sài Gòn xưa lần đầu tiếp cận điện ảnh thế nào?

2021-06-28 14:01
Người Sài Gòn xưa lần đầu tiếp cận điện ảnh thế nào? - Ảnh 1.

Bản tin về Hát hình máy đăng trên tuần báo Nam Kỳ ra ngày 6-10-1898 - Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại

Cùng với việc kho tư liệu lưu trữ của Pháp được giới thiệu rộng rãi, chúng tôi có dịp tìm được các số báo Nam Kỳ từng phát hành tại Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ và đọc được những bản tin, thông tin thú vị quanh những ngày đầu nghệ thuật điện ảnh hiện diện tại Việt Nam.

Như một nhân duyên đặc biệt, chỉ 3 năm sau khi điện ảnh xuất hiện trên thế giới, loại hình nghệ thuật này đã có mặt tại Sài Gòn.

Sài Gòn - nơi chứng kiến buổi đầu điện ảnh tại Việt Nam

Dấu mốc về buổi đầu nghệ thuật điện ảnh hiện diện tại Việt Nam từng được các nhà nghiên cứu nhắc đến. Cụ thể là tại Sài Gòn vào tháng 10-1898 đã xuất hiện một buổi chiếu phim câm, mà ngôn ngữ lúc bấy giờ gọi là "hát hình máy", có bán vé cho người dân, vé có chia theo thứ hạng...

Thông tin này được nhà nghiên cứu điện ảnh Sâm Thương(1) cho biết ông dựa theo tuần báo Nam Kỳ số ra ngày 6-10-1898, có đăng mẩu tin về hát hình máy trong mục Tạp vụ. Dù vậy, tác giả Sâm Thương cho biết ông sử dụng tư liệu này từ thư viện cá nhân của giáo sư Nguyễn Văn Trung.

Và có lẽ do nhiều điều kiện bất tiện của lịch sử, những người đề cập đến thông tin này chưa đưa ra được bản chụp các nội dung trên từ tờ Nam Kỳ như một "điều kiện đủ" cho dấu mốc có tầm quan trọng khi phải xác định: thời điểm đầu tiên nghệ thuật điện ảnh xuất hiện ở Việt Nam là lúc nào?

Theo quan điểm xem loại hình phim câm (hát hình máy) ra mắt tại Sài Gòn là sự hiện diện của điện ảnh thế giới tại Việt Nam, thì có thể căn cứ vào thông tin của tuần báo Nam Kỳ để khẳng định: điện ảnh đã xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10-1898.

Số báo Nam Kỳ ra ngày 6-10-1898 có bản tin giới thiệu về buổi "hát hình máy" lúc bấy giờ.

Theo đó, tiêu đề bản tin là "Hát hình máy", được giới thiệu sẽ diễn ra tại "Rond-point boulevard Charner (tục kêu là bồn kèn thứ ba) ở Saigon". Chương trình diễn ra hằng đêm: "Tối bữa nay và mỗi buổi tối đúng 9 giờ. Ông D’Arc có hát hình nộm ngộ quá sức".

Có vẻ đây là chương trình chiếu phim lưu động, bởi ngay cuối bản tin trên Nam Kỳ số ra ngày 6-10-1898 đó có dòng thông báo: "Qua tuần tới, rạp hát này sẽ dời vô Chợ Lớn".

Người Sài Gòn xưa lần đầu tiếp cận điện ảnh thế nào? - Ảnh 2.

Rạp chiếu phim Casino tại số 30 đại lộ Bonnard (nay là đường Lê Lợi) là một trong những rạp phim đầu tiên tại Sài Gòn, được biết đến từ năm 1915 - Ảnh: manhhai/flickr

Giành nhau mua vé coi "hát hình máy"

Có một điều chưa được tác giả Sâm Thương nhắc đến, thật ra chương trình chiếu phim câm - hát hình máy này được giới thiệu không chỉ 1 mà liên tục tại 4 số báo Nam Kỳ (ra các ngày: 6-10, 13-10, 20-10 và 27-10).

Nhờ đó, ngày nay ta được đọc lại những dòng cảm nghĩ mà báo Nam Kỳ trích đăng từ những người đã đến xem chương trình. Có lẽ đây cũng là một thao tác nghiệp vụ của báo chí lúc bấy giờ, nhưng ý nghĩa đáng kể của việc này là ghi lại được những ý kiến của người dân bản xứ khi lần đầu thụ hưởng sản phẩm điện ảnh:

"Cách ít ngày rày, ta có dắt vợ con ta đi coi một bữa hát hình... Thật khi thấy mấy cái hình nhỏ nhỏ đó nó đi, nó nói chuyện, đầu ngó qua ngó lại, còn hai tay múa lia múa lịa, ai nấy cũng đều tưởng là hình sống". (Nam Kỳ, số ra ngày 20-10-1898).

"Khi mới vào coi, không ai rõ là đồ máy, mà thấy những hình nhỏ nhỏ, chạy vô chạy ra, nhảy múa hát xướng như vậy, thì tưởng là con người ta, chớ không dè là hình máy bao giờ". (Nam Kỳ, số ra ngày 27-10-1898).

Không chỉ thế, với thông tin ở số báo trước cho biết chương trình sẽ dời từ bồn kèn Sài Gòn vào Chợ Lớn, thì số báo sau (20-10) đăng ngay ý kiến mô tả cảnh tượng rạp hát tại Chợ Lớn:

"Từ hôm rạp hát hình nầy dời vô Chợ Lớn tới nay, thì đắt quá chừng, thiên hạ đi coi chật như nêm, tối bữa nào cũng có nhiều người giành xé nhau mà mua giấy đặng vào coi, kẻo hết chỗ ngồi".

Có lẽ, đây là những mô tả đầu tiên và hiếm hoi về quang cảnh người Sài Gòn đi xem phim, vào năm 1898 - cách thời điểm ra đời của điện ảnh thế giới chỉ 3 năm(2).

Và tại số Nam Kỳ ra ngày 27-10 có dòng thông báo: "Bữa chúa nhựt 30 Octobre này, sẽ hát một bữa sau rốt". 

Như vậy, đến đây chúng ta hẵng tạm biết đến chương trình chiếu phim câm lưu động của ông D’Arc tại Sài Gòn chấm dứt vào ngày 30-10-1898, còn thông tin về ông D’Arc và những chuyện xung quanh hoạt động chiếu phim của ông này ở xứ Nam Kỳ lúc bấy giờ, có lẽ còn chờ thêm những phát hiện khác.

Mặc dù "hát hình máy" hoàn toàn là loại hình giải trí mới lạ, cung cách tổ chức công chiếu và bán vé lúc bấy giờ đã tỏ ra chuyên nghiệp: có bố trí phòng riêng cho nhóm khán giả 4 người, các ghế theo thứ hạng nhất, nhì, ba với giá vé cụ thể: buồng (4 chỗ ngồi): 5 đô la; ghế bực nhứt: 1 đô la; ghế bực nhì: 0,50 đô la; ghế bực ba: 0,30 đô la.

(1) Sâm Thương - "Điện ảnh du nhập vào Việt Nam từ bao giờ?", Điện Ảnh TP.HCM số 63, ngày 20-9-1989

(2) Bộ phim La Sortie des usines Lumière do anh em Lumière thực hiện và công chiếu lần đầu tiên ngày 28-12-1895 tại quán Salon Indien du Grand Café ở Paris thường được xem như bộ phim đầu tiên của điện ảnh.

Ngắm ‘hòn ngọc Viễn Đông’ Sài Gòn đầu thế kỷ 20 qua những bức ảnh quýNgắm ‘hòn ngọc Viễn Đông’ Sài Gòn đầu thế kỷ 20 qua những bức ảnh quý

TTO - Bến Nhà Rồng, dinh Xã Tây, dinh Thống Nhất, đường Catinat, công xưởng đóng tàu Ba Son, Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà, Tòa án nhân dân thành phố, cầu Bình Lợi, phụ nữ Nam Kỳ xưa đẹp như thế nào ở đầu thế kỷ 20?

Xem thêm: mth.39431020182601202-oan-eht-hna-neid-nac-peit-uad-nal-aux-nog-ias-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người Sài Gòn xưa lần đầu tiếp cận điện ảnh thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools