Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội thực thi tín dụng chính sách đã tạo nên bước chuyển mạnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
“Gần 600 ngàn lượt khách hàng đã được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với doanh số hơn 10,73 ngàn tỷ đồng, đưa hộ nghèo giảm chỉ còn 9.492 hộ, chiếm tỷ lệ 2,82%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,91% cuối năm 2020. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Thái Nguyên trong gần 18 năm qua“, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Quang Thịnh cho biết.
Nhìn lại gần 6 năm qua, hiệu quả của việc chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH để cho vay người nghèo và đối tượng chính sách có thể thấy rất rõ. Tính đến cuối tháng 3, con số này đạt lên tới 139.344 triệu đồng tăng 4,847 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40 là 28.588 triệu đồng (năm 2014). Trong đó, vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh là 72.507 triệu đồng; vốn ngân sách cấp huyện (9/9 đơn vị): 66.837 triệu đồng. Đặc biệt, tỉnh đã huy động các doanh nghiệp chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn với tổng đầu tư 9.539 triệu đồng...
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội thực thi tín dụng chính sách đã tạo nên bước chuyển mạnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến thời điểm 31/12/2020 đạt 3.610.477 triệu đồng, tăng 3.431.084 triệu đồng và gấp 20 lần so với đầu năm 2003. Từ 3 chương trình tín dụng triển khai tại thời điểm đầu năm 2003, đến nay Chi nhánh đã triển khai thêm 14 chương trình tín dụng chính sách mới. Đến 31/3/2021, tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách đạt 3.676.371 triệu đồng, tăng 21 lần so với đầu năm 2003; doanh số cho vay đạt 10.737.778 triệu đồng với 578.110 lượt khách hàng được vay vốn. Đến ngày 31/3/2021, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của chi nhánh chỉ chiếm tỷ lệ 0,063%/tổng dư nợ.Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 20,57% xuống còn 7,06%; giai đoạn 2016-2020 giảm từ 13,4% xuống còn 2,82%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh (GRDP) bình quân từ 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tối thiểu 100 triệu đồng; 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%/năm so với chuẩn mới.
Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quang Thịnh cho biết, hiện NHCSXH đã nâng mức vay nhiều chương trình, đặt mục tiêu dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10% trở lên, đến năm 2025 dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng, cung ứng đến 100% các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để thoát nghèo bền vững. Chính quyền các cấp tỉnh, huyện đã ngày càng quan tâm ngân sách địa phương qua NHCSXH, ngay trong quý 1/2021, đã có 21,2 tỷ đồng để ủy thác qua NHCSXH tiếp tục cho vay giải quyết việc làm cũng như giảm nghèo bền vững vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2020. Tuy nhiên, trong cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh vốn do Trung ương chuyển về vẫn chiếm chủ yếu. Vốn ngân sách địa phương mới chỉ chiếm tỷ trọng 3,7%/tổng nguồn vốn thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH là 10%.
Tại buổi làm việc mới đây với Tỉnh ủy Thái Nguyên, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, thành viên ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phân tích: “Đây chính là nguyên nhân khiến nguồn vốn của NHCSXH chưa đáp ứng được nhu cầu cho vay chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và giải quyết việc làm tại địa phương theo Chỉ thị số 40”. Vì vậy, ông đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dành nguồn lực để ủy thác qua NHCSXH tỉnh, giúp việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời cũng đề nghị, tỉnh quan tâm, bố trí quỹ đất mới hoặc bổ sung thêm diện tích cho NHCSXH tỉnh để có được trụ sở làm việc đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải mong muốn NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong việc giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các huyện, thành, thị. Bà cũng nhất trí về mặt chủ trương các ý kiến đề xuất của NHCSXH và giao UBND tỉnh quan tâm, rà soát, tạo điều kiện tốt nhất để cả hoạt động của NHCSXH cũng như chất lượng tín dụng đều được đảm bảo. Đây sẽ là tiền đề mới cho việc mở rộng hơn nữa tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thái Nguyên, góp phần đưa kinh tế tỉnh từng bước tiến vững chắc trên con đường hướng tới trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
“Tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” - là giải pháp quyết định sự thắng lợi toàn diện, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Lê Quang Tiến khẳng định.
Xem thêm: odl.969429-couc-oav-gnuc-gnouhp-aid-av-gnou-gnurt-ihk-hcas-hnihc-gnud-nit/et-hnik/nv.gnodoal