Theo hãng tin Bloomberg, quan điểm Bitcoin có thể thay thế vàng đang dần chiếm ưu thế tại quốc gia cuồng kim loại quý này nhất thế giới: Ấn Độ.
Số liệu của Chainalysis cho thấy số vàng sở hữu bởi các hộ gia đình tại Ấn Độ đạt hơn 25.000 tấn nhưng số tiền đầu tư trong dân vào tiền số cũng tăng chẳng kém, từ 200 triệu USD lên gần 40 tỷ USD trong năm vừa qua. Thậm chí xu thế này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương nước này có những động thái siết chặt kiểm soát cũng như đề nghị cấm giao dịch tiền số.
Cô Richi Sood là một nhà khởi nghiệp 32 tuổi tại Ấn Độ và đã chuyển đầu tư từ vàng sang tiền số. Kể từ tháng 12/2020, cô đã chi hơn 1 triệu Rupee, tương đương 13.400 USD cho Bitcoin, Dogecoin và Ether. Một phần trong số tiền này là cô đi vay mượn từ chính cha mình.
Nhờ may mắn, cô Sood đã kịp bắt đáy và kiếm lời một khoản tiền lớn trước những biến động của thị trường Bitcoin, qua đó đủ tiền vốn đầu tư cho dự án startup giáo dục Study Mate India của mình.
"Tôi thà đổ tiền vào Bitcoin hơn là vàng. Tiền số biến động hơn vàng hay bất động sản và lợi nhuận ngắn hạn của nó cũng nhiều hơn", cô Sood nói.
Dòng vốn đổ vào thị trường tiền số hàng tháng tăng nhanh tại Ấn Độ (tỷ USD)
Câu chuyện của cô Sood chỉ là một trong số ngày càng nhiều trường hợp ở Ấn Độ. Theo Bloomberg, hiện có hơn 15 triệu người tại quốc gia này đang giao dịch tiền số, cao hơn rất nhiều so với chỉ 2,3 triệu người tại Anh. Phần lớn người chơi là giới trẻ trong độ tuổi 18-35.
Đồng quan điểm, báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy những người dưới 34 tuổi tại Ấn Độ có ít hứng thú với vàng hơn những kênh đầu tư khác.
"Họ nhận ra rằng việc đầu tư sinh lời với tiền số nhanh hơn vàng bởi tiến trình khá đơn giản. Bạn lên mạng, mua tiền số mà chẳng phải chứng nhận bất cứ thứ gì như khi đầu tư vàng", nhà sáng lập Sandeep Goenka của ZebPay nhận định.
Dẫu vậy, rủi ro về pháp lý cũng đang đe dọa đến cơn khát tiền số tại Ấn Độ. Năm 2020, Tòa án tối cao Ấn Độ đã bác bỏ quy định ban hành năm 2018 về việc cấm ngân hàng giao dịch tiền số, qua đó làm tăng giá thị trường. Thế nhưng chính phủ Ấn Độ lại chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ họ ủng hộ kênh đầu cơ này.
Thậm chí, ngân hàng trung ương nước này còn bày tỏ lo ngại với thị trường đầu cơ quá biến động này. Họ đã đề xuất một dự luật mới cấm giao dịch nhưng hiện vẫn chưa được thông qua.
"Tôi không chắc chuyện gì sẽ diễn ra nhưng tôi thích mạo hiểm và sẵn sàng đầu cơ với rủi ro cấm giao dịch từ chính phủ", cô Sood nhận định về rủi ro trên.
Trái với sự tự tin của Sood, nhiều nhà đầu cơ tiền số không muốn tiết lộ số tiền họ đã bỏ vào thị trường vì sợ cơ quan thuế cũng như các quan chức sờ gáy. Một nhà đầu cơ giấu tên nói với hãng tin Bloomberg rằng anh ta đã chi hơn 1 triệu USD vào thị trường nhưng không dám công khai vì sợ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nhà đầu cơ giấu tên này cho biết anh ta đã chuẩn bị chuyển tài sản sang Singapore nhằm lách luật nếu quy định về cấm giao dịch hay đánh thuế vào tiền số được thông qua.
Mặc dù thị trường tiền số hiện nay vẫn còn khá nhỏ bé so với thị trường vàng nhưng rõ ràng đà tăng trưởng của nó đang ngày một mạnh mẽ với khả năng sinh lời nhanh không khác gì đánh bạc. Số liệu của CoinGeko cho thấy tổng giá trị giao dịch mỗi phiên của 4 sàn tiền số lớn nhất Ấn Độ đã tăng từ 10,6 triệu USD lên 102 triệu USD trong 1 năm qua.
Trong khi đó, Chainalysis cho biết tổng giá trị thị trường tiền số của Ấn Độ hiện đã đạt tới 40 tỷ USD và đang có xu hướng vượt Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý trong mảng này.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.99620539082601202-nioctib-iohc-gnas-neyuhc-ed-gnav-em-mad-ob-ut-od-na-nad-iougn/nv.zibefac