Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đang nỗ lực tự cứu mình bằng các phương thức sản xuất mới và nâng cao năng suất lao động.
Chìa khóa tăng trưởng trong tình hình mới
Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn giấy in nhiệt Athena Việt Nam - cho biết: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Song hành với đó, việc ổn định, sắp xếp lại doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
"Nhân sự giảm 50% (luân phiên làm việc), nhưng để tồn tại, thì năng suất lao động phải tăng lên mới đáp ứng được yêu cầu. Nếu nhân sự giảm, năng suất giảm, khách hàng giảm, doanh nghiệp sẽ bên bờ vực phá sản" - ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phương thức sản xuất, quản lý nhân sự cũng như chuỗi cung ứng thương mại đã thay đổi rất nhiều để thích nghi với tình hình mới, thì vấn đề cải tiến năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động một lần nữa trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì năng suất lao động là một trong những yếu tố.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, để thực hiện được những mục tiêu, khát vọng tăng trưởng thì chìa khóa chính là nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
Để đạt được điều này, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện năng suất lao động trong những năm gần đây, nhờ đó năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể.
Thực tế cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra khoảng 5%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).
“Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể.
Theo đó, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động”- TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến.
Cần rút ngắn khoảng cách với các nước
Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, để tăng trưởng, cần phải tăng năng suất lao động. Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao nhưng mức tăng này vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đánh giá năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 vẫn thấp hơn 7 lần so với Malaysia, thấp hơn 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và thấp hơn 26 lần so với Singapore.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) - cũng đề xuất cần có một phong trào tăng trưởng năng suất một cách cương quyết, bởi hiện tại năng suất tuyệt đối của ngành công nghiệp đầu tàu của Việt Nam là chế biến, chế tạo không có sự tăng trưởng vượt bậc.
Để giúp doanh nghiệp cải thiện vấn đề năng suất lao động, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - cho rằng: Hiện nay, doanh nghiệp đổi mới về khoa học công nghệ rất nhanh, nhưng đổi mới về tư duy, năng lực của cán bộ vận hành công nghệ không theo kịp. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền để đầu tư công nghệ, nhưng hệ thống quản lý không theo kịp vì thế vận hành không hiệu quả.
Trong khi đó, năng suất lao động quyết định năng lực cạnh tranh cũng như tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Chính vì vậy, cần gỡ được nút thắt giữa năng lực của cán bộ vận hành và công nghệ được trang bị.