Mỹ cùng với Ukraine và 30 nước đồng minh đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên mang tên Sea Breeze (tạm dịch là “Gió biển”) tại Biển Đen bất chấp sự phản đối của Nga, hãng tin Al Jazeera cho hay.
Ngày 28-6, cuộc tập trận Sea Breeze năm 2021 đã bắt đầu với sự tham gia của 32 nước - số lượng lớn nhất kể từ khi hoạt động thường niên này được khởi động năm 1997. Cuộc tập trận sẽ kéo dài tới ngày 10-7.
Quân đội Mỹ cho biết các nước sẽ cử khoảng 5.000 quân, 32 tàu hải quân, 40 máy bay và 18 nhóm binh sĩ phục vụ các nhiệm vụ lặn và nhiệm vụ đặc biệt tới tham gia tập trận Sea Breeze năm nay. Trong số này có hai tàu khu trục USS Ross của Hải quân Mỹ và HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh.
Xe tăng của quân đội Ukraine tham gia lễ khai mạc cuộc tập trận Sea Breeze năm 2021. Ảnh: REUTERS
Đại úy Hải quân Mỹ Kyle Gantt nhấn mạnh rằng số lượng kỷ lục các nước tham gia tập trận Sea Breeze cho thấy cam kết chung về việc đảm bảo quyền tự do tiếp cận các vùng biển quốc tế.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) một lần nữa làm dậy sóng Biển Đen. Hôm 23-6, tàu khu trục HMS Defender bị Nga cáo buộc tiến vào khu vực 3 km bên trong lãnh hải của bán đảo Crimea.
Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã bắn cảnh cáo và “thả bom ngăn chặn” tàu chiến Anh, trong khi phía London bác bỏ thông tin tàu HMS Defender bị trúng đạn. Nga và Anh đã có những bình luận chỉ trích nhau gay gắt sau sự cố này, trong khi Mỹ và các đồng minh khác của London gần như không có bình luận gì.
Chỉ vài giờ trước khi sự cố liên quan tới tàu HMS Defender xảy ra, Đại sứ quán Nga tại Washington đã kêu gọi hủy bỏ cuộc tập trận Sea Breeze năm nay.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ trong lễ khai mạc cuộc tập trận Sea Breeze năm 2021. Ảnh: REUTERS
Đại sứ quán Nga cáo buộc rằng “quy mô và bản chất gây hấn một cách rõ ràng của cuộc tập trận quân sự Sea Breeze không cách nào phù hợp với nhu cầu an ninh thực tế tại khu vực Biển Đen”. Phía Nga cũng cho rằng cuộc tập trận này sẽ “tăng rủi ro xảy ra các sự cố ngoài ý muốn” và cổ vũ cho điều mà Moscow goi là “tham vọng quân phiệt” của Kiev.
Ukraine nói rằng mục tiêu chính của cuộc tập trận là để lực lượng nước này tích lũy kinh nghiệm trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và các chiến dịch an ninh đa quốc gia.
Sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã tăng cao sau cuộc đảo chính ở Kiev hồi năm 2013-2014, trao quyền lực vào tay các lực lượng chính trị thể hiện rõ mong muốn đưa Ukraine gia nhập vào cộng đồng phương Tây.
Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý của người dân địa phương, bất chấp cuộc bỏ phiếu không được Ukraine và phương Tây công nhận. Moscow còn bị cáo buộc hậu thuẫn cho các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Trong năm nay, căng thẳng tại biên giới trên đất liền giữa hai nước đã có lúc tưởng chừng đã bước tới miệng hố chiến tranh. Moscow cáo buộc Ukraine và phương Tây gia tăng lực lượng gần biên giới Nga nên điều một lượng lớn quân tới các khu vực gần Ukraine. Ngược lại, Kiev và phương Tây cáo buộc hành vi điều binh của Nga là gây hấn.