Thực hiện Chỉ thị 10 của TP.HCM về đảm bảo phòng chống dịch ở các chợ tự phát, chợ truyền thống, các địa phương đã thực hiện nghiêm việc này.
Lãnh đạo UBND phường 13 nhắc nhở hộ kinh doanh tự phát
ở đường Nguyễn Xí. Ảnh: N.YÊN
Cương quyết xử phạt sau khi tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, phường không có chợ truyền thống nhưng có sáu khu chợ tự phát hình thành từ lâu.
Khi có chỉ thị, phường đã giăng dây ở các khu chợ này, vận động, giải thích đến người dân. Một số hộ không chấp hành, phường cương quyết lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện vi phạm. “Tính đến nay, việc mua bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường đã được phường chấn chỉnh khoảng 95%, hiệu quả khá cao” - ông Tân nói.
Theo đại diện UBND quận Bình Tân, quận và các phường xử lý mạnh và đến nay các xe đẩy, xe ba gác đến lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán đã giảm hẳn nhưng một số hộ dân được buôn bán ở trong nhà lại có hành vi lấn ra lề đường.
Tại quận 1, Đội Quản lý trật tự đô thị quận đã phối hợp với UBND 10 phường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè theo quy định.
Theo UBND quận 1, thời gian qua việc xử lý chợ tự phát cũng gặp nhiều khó khăn. “Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND TP, UBND quận 1 đã chỉ đạo quyết liệt, buộc dừng các hoạt động kinh doanh tự phát” - đại diện UBND quận 1 nhấn mạnh và khẳng định các hộ đã chấp hành nghiêm, dừng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Qua đó, ba khu vực kinh doanh tự phát quanh các chợ truyền thống Thái Bình, Tân Định, Đa Kao đã dừng kinh doanh mặt hàng thực phẩm, rau củ quả. 12 khu vực kinh doanh tự phát khác có khoảng năm hộ trở lên tại một điểm kinh doanh cũng đã ngưng hoạt động như các hẻm ở đường Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Đình Xu, Phạm Ngũ Lão, Trần Khắc Chân…
Dừng chợ tự phát Theo Chỉ thị 10 của chủ tịch TP.HCM, thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương thực hiện dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát, các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. |
Bình Thạnh tập trung xử lý chợ trên đường Nguyễn Xí
Trên đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh) hình thành khu chợ tự phát rất đông người mua bán. Phường 13 đã tập trung liên tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu việc tụ tập, mua bán tại khu chợ này.
Phường đã giăng dây ở vỉa hè để hạn chế người qua lại khu vực. Một số gian hàng như rau củ, thịt cá còn hoạt động được đưa vào bên trong cách lòng đường khoảng 4 m, lượng người mua hàng cũng giảm so với thời gian trước.
Ông Đặng Hồng Chuyên, Phó Chủ tịch UBND phường 13, cho hay phường đã treo sáu băng rôn tại chợ trên đường Nguyễn Xí và Bình Lợi. Từ ngày 20-6, bắt đầu khoảng 5 giờ sáng, các cán bộ phường gồm trật tự đô thị và cán bộ địa chính có mặt tại chợ tự phát này nhắc nhở, xử lý các trường hợp tụ tập, buôn bán và tuyên truyền cho người dân. Sau đó, đoàn kiểm tra lồng vào các tuyến hẻm nhỏ xung quanh để xử lý dứt điểm. “Việc này thực hiện từ 5 giờ đến 10 giờ và từ 14 giờ đến 18 giờ mỗi ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật” - ông Chuyên thông tin.
UBND phường yêu cầu người dân cho hết hàng hóa vào trong và có giăng dây, khoảng cách giữa người mua và người bán đảm bảo cách nhau 3 m. Thứ hai là duy trì không cho tập trung đông người.
Gò Vấp: Kiểm tra, đánh giá theo bộ tiêu chí các chợ truyền thống, siêu thị
Ở quận Gò Vấp có bảy chợ truyền thống, tám siêu thị tổng hợp và 198 cửa hàng tiện ích đang hoạt động.
Theo ghi nhận, sau khi dừng hoạt động các khu vực mua bán tự phát, số lượng người dân đến mua hàng tại các siêu thị, chợ truyền thống tăng cao.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận đã tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị.
Đồng thời Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận cũng yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện ích và Ban quản lý các chợ truyền thống triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp và nâng cao mức độ thực hiện nhằm siết chặt công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết từ nhiều ngày trước, tổ công tác thuộc UBND các phường đã đồng loạt ra quân nghiêm túc trong việc thực hiện Chỉ thị 10.
Đến nay người dân đã ngưng việc tụ họp tại các chợ tự phát. “Quận đã làm rất nghiêm túc, chợ tự phát cơ bản đã xử lý xong, lập lại trật tự và thông thoáng” - ông Dũng cho hay.
Ở quận 12, việc họp chợ tự phát ở khu vực chợ Cây Sộp (phường Tân Hưng Thuận) trước đây sôi động, giờ vắng vẻ vì lực lượng chức năng đã chốt chặn, hạn chế các phương tiện, người dân ra vào tuyến đường này để chấm dứt việc họp chợ.
Ông Phan Cường, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, cho biết: “Vào các giờ cao điểm, chúng tôi chốt chặn hai đầu đường để hạn chế người dân vào buôn bán. Song song với đó là tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành” - ông Cường nói.•
Chợ truyền thống ở Thủ Đức giăng dây, khai báo y tế Những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch ở chợ, ra quân dẹp chợ tự phát. Nhiều khu chợ đã áp dụng việc khai báo y tế bằng cách quét mã QR đối với người dùng điện thoại thông minh, khai báo y tế trên giấy khi ra vào chợ. Phường Hiệp Bình Phước đã lập nhiều tổ công tác đi kiểm tra, dẹp các điểm buôn bán tự phát trên địa bàn. Phường cũng tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người bán để họ chủ động tạm ngưng buôn bán trong thời điểm này. Với các khu chợ truyền thống, phường chủ trương phân luồng người ra vào để đảm bảo việc giãn cách. Mỗi chốt ra vào chợ đều có bảo vệ ghi thông tin, thực hiện khai báo y tế, kiểm tra việc thực hiện 5K. Các tiểu thương trong chợ giăng dây để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người mua và người bán. Tương tự, khu chợ Bắc Ninh, chợ Tăng Nhơn Phú A, khu chợ truyền thống cũng đã đóng bớt các kiốt để hạn chế việc đông người. Tại phường Hiệp Bình Chánh, hiện UBND phường đã cho đóng cửa khu chợ trên đường Hiệp Bình, chợ Đại Đoàn Kết và các điểm tự phát trên đường số 6... THANH TUYỀN |