Hai mẹ con chị Bích Nhân và Gia Kiệt trở thành tình nguyện viên, hỗ trợ người đến tiêm vắc xin khai báo y tế - Ảnh: Q.L.
Họ đang ngày đêm hỗ trợ đội ngũ y tế khoanh vùng, dập dịch chỉ mong thành phố sớm trở lại bình thường!
Mẹ và con cùng tình nguyện
Điểm tiêm vắc xin tại Trường THCS Chi Lăng (quận 4, TP.HCM) của ngày thứ ba trong đợt tiêm chủng được xem là lớn nhất lịch sử tại TP.HCM khá thoáng, song do người đến tiêm đông nên tình nguyện viên và đội ngũ y tế hơi vất vả. Cánh cổng trường chỉ được he hé mở từng lúc cho khoảng chục người vào rồi lại đóng để đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.
Đón bà con đến tiêm ngay sảnh là hai tình nguyện viên nhanh nhẹn và động tác thoăn thoắt. Ai đã khai báo y tế rồi sẽ được chụp lại màn hình để qua bộ phận tiếp nhận, ai chưa kịp khai báo sẽ được hướng dẫn.
"Chị không có điện thoại hả, đợi chút em khai cho, rồi giờ đọc thông tin cá nhân giúp em đi" - chị Bích Nhân vừa nói vừa thao tác trên chiếc điện thoại của mình giúp một người đến tiêm vắc xin không dùng điện thoại.
"Mình làm công ty bảo hiểm, mấy bữa nay làm việc giãn cách, lên mạng thấy thông tin tuyển tình nguyện viên nên đăng ký đi ngay" - chị Bích Nhân kể. Còn cậu bé đứng bên cạnh, hỏi ra mới biết là con trai lớn của chị, tên Gia Kiệt, học lớp 11 Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Chị kể tiếp: "Lúc mình đăng ký nói cho hai mẹ con cùng đi, ở đâu cũng được, mấy bạn còn e ngại vì nghĩ con mình còn nhỏ mà đến mấy chỗ dịch bệnh chứ đâu biết cháu đã học lớp 11".
Hai mẹ con chị Nhân đã có mặt từ ngày đầu tiên điểm tiêm này được mở. Mỗi sáng, mẹ chở con từ quận 7 qua quận 4, làm thông tầm, đến trước 17h chiều lại chở con về để Kiệt kịp giờ học online.
"Mình cũng chưa từng tham gia tình nguyện lần nào. Có lẽ đây là mùa hè đáng nhớ, có hơi cực chút mà cũng vui" - Kiệt cười.
Luôn miệng nhắc bà con giữ khoảng cách, luôn tay hỗ trợ mọi người khai báo thông tin, rồi nhập liệu, hướng dẫn người đến tiêm xếp hàng trật tự chờ tới lượt... là công việc quen thuộc của các tình nguyện viên tại mỗi điểm tiêm.
Anh Lê Phúc Nguyên (Quận đoàn 4) chia sẻ: "Công việc xem ra không nặng nhọc nhưng làm liên tục, nhiều ngày nên rất thương các bạn tình nguyện viên. Ai cũng nhiệt tình, vui vẻ hết".
Chúng tôi chỉ là một trong nhiều tập thể của thành phố đang tay đan tay, siết chặt tay cùng hành động vì mệnh lệnh trái tim, vì mục tiêu chung, luôn tin yêu và tự hào vì thành phố chúng ta, đó là điều chắc chắn không thay đổi.
Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG (bí thư Thành đoàn TP.HCM)
Mỗi người góp một tay
Chẳng ai muốn phải đi tình nguyện trong trạng thái như vậy là tâm lý chung của các bạn trẻ, nhưng khi đã nhận nhiệm vụ đều làm với quyết tâm hoàn thành cao nhất. Chị Phạm Thị Thảo Linh - phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM - kể nhiều bạn vừa hoàn thành công việc chỗ này, nghe chỗ khác đang cần là chạy xe qua luôn, không nề hà đường xa, quên cả mệt nhọc.
Cũng từ một lời nhờ vả mà ngay lập tức năm cán bộ trẻ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã hình thành đội hỗ trợ đóng gói vắc xin tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Anh Huỳnh Tuấn Khương cho biết để kịp cho các chuyến xe đến nhận vắc xin vào 6h sáng mỗi ngày, các thành viên trong đội thường rời nhà từ lúc 3h30, có mặt tại HCDC lúc 4h30 mới kịp làm nhiệm vụ.
Các bạn cùng một số nhân viên của HCDC sắp xếp, kiểm số lượng và đóng gói vắc xin vào các thùng trữ lạnh chuyên dụng trước khi giao cho các xe chở về điểm tiêm khắp thành phố. "Bình thường các nhân viên của HCDC sẽ lo, do đợt này số lượng lớn và làm gấp trong vài ngày nên tụi mình mới qua hỗ trợ. Mỗi người góp một tay để thành phố chúng ta chiến thắng đại dịch càng nhanh càng tốt" - Tuấn Khương bày tỏ.
Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho biết riêng đội hình hỗ trợ đợt tiêm vắc xin này đã huy động hơn 5.000 bạn trẻ, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ của thành phố làm việc trong nhiều ngày liên tục. Chưa kể trước đó, khi thành phố giãn cách theo chỉ thị 15, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giãn cách theo chỉ thị 16, đã có trên 7.000 bạn trẻ trong những đội hình tình nguyện hỗ trợ rất nhiều việc ở khắp nơi, tập trung cho các điểm nóng về dịch.
Lúc này, khi đội ngũ y tế vừa căng mình lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch, vừa đảm nhiệm tiêm vắc xin, các tình nguyện viên một số nơi còn kiêm luôn làm... tài xế chở nhân viên y tế đến điểm làm nhiệm vụ.
"Chúng tôi nhận lại những lời cảm ơn chân tình của nhân viên y tế khi được các bạn hỗ trợ và chúng tôi biết ơn sự hi sinh của các bạn. Chúng ta cùng sát cánh bên nhau, chung sức chung lòng để mong làn sóng dịch lần này sớm đi qua" - anh Hải chia sẻ.
Trực 24/24 giờ
Có những ngày nhóm quản trị diễn đàn Go Volunteer! gần như trực 24/24 để làm nhiệm vụ. Các bạn là cán bộ chuyên trách của Thành đoàn TP.HCM cùng một số bạn cộng tác viên, được chia thành từng nhóm: hậu cần, nhập liệu, lấy mẫu xét nghiệm, giải cứu nông sản... Khi cần tình nguyện viên của nhóm nào, nhóm đó thông tin liền trên mạng xã hội, theo dõi, cập nhật thông tin báo về, chốt danh sách tình nguyện viên, liên hệ với địa bàn để cử lực lượng xuống kịp thời.
Chị Phạm Thị Thảo Linh cho biết trước khi tình hình dịch phức tạp, nhóm quản trị gần như trực 24/24, hiện tại có đỡ hơn nhưng về đến nhà đã quá khuya là bình thường. "Do điều kiện dịch bệnh, không phải thông tin nào cũng chủ động được nên có khi vừa đăng thông tin lúc 8h là 9h30 cần phải cử lực lượng xuống ngay địa bàn. Chúng tôi luôn nỗ lực để mọi việc vận hành trơn tru, cũng là thuận tiện cho tình nguyện viên và nơi tiếp nhận nhưng chắc cũng có chỗ chưa hiểu ý nhau lắm, chỉ là ai cũng đều rất nỗ lực" - chị Thảo Linh nói.
TTO - Trung ương Đoàn vừa chính thức phát động chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2021 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Xem thêm: mth.56482210282601202-ex-iat-iav-noul-meik-gnas-nas-hcid-gnohc-neyugn-hnit-eh-aum/nv.ertiout