Dù trải qua đợt giảm giá mạnh, hàng hóa nguyên liệu vẫn được giới đầu tư đặt cược
Chánh Tài
(KTSG Online) - Giá cả của nhiều loại hàng hóa nguyên liệu từ đồng cho đến gỗ xẻ rời xa các mức đỉnh trong thời kỳ dịch bệnh, giúp giải tỏa các mối lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng mạnh. Nhưng giới đầu tư vẫn lạc quan đặt cược vào chúng vì họ cho rằng chúng vẫn đang rẻ.
Dù giảm trong thời gian gần đây, giá gỗ xẻ ở Mỹ vẫn đang cao gấp hai lần so với cùng kỳ các năm trước nhờ nhu cầu xây sửa nhà tăng mạnh. Ảnh: Bloomberg |
Giá cả hàng hóa hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều năm
Đồng đã giảm giá 10% so với mức giá kỷ lục thiết lập hồi tháng 3. Trong khi đó, các hợp đồng bắp và đậu nành tương lại cũng giảm lần lượt 13% và 19% so với đỉnh giá của chúng trong tháng 5. Trong tháng này, giá thịt heo ở Mỹ cũng giảm đến 17%.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell gần đây cho rằng cơn tăng giá theo hình vòng cung của gỗ xẻ cho thấy chi phí các vật liệu cao ngất ngưỡng khi nền kinh tế tái mở cửa là do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và các yếu tố khác dự kiến sẽ không kéo dài lâu vì các nền kinh tế trên thế giới đang dần nới lỏng các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Dù hạ nhiệt, giá đồng, các mặt hàng nông sản và thịt heo vẫn đang neo ở mức cao trong nhiều năm. Trong khi đó, giá dầu thô và khí đốt đang tăng dựng đứng lên mức cao nhất kể từ năm 2018. |
Giá gỗ xẻ tương lai ở Mỹ đã giảm 54% sau khi tăng gấp hơn 4 lần so với mức giá trung bình của chúng của những năm trước đại dịch. Dù giảm trong thời gian gần đây, giá gỗ xẻ ở Mỹ vẫn đang cao gấp hai lần so với cùng kỳ các năm trước.
“Cách đây ít tháng, mọi người đồng tình cho rằng giá cả hàng hóa chỉ có tăng. Nhưng gần đây, diễn biến của thị trường nhắc nhở chúng ta rằng giá cả hàng hóa sẽ không tăng theo một đường thẳng”, Richard Dunbar, Giám đốc bộ phận nghiên cứu đa tài sản (multiasset research) ở Cônh ty Aberdeen Standard Investments, nói.
Đà tăng của giá cả hàng hóa phát đi các tín hiệu mâu thuẫn đối với giới đầu tư. Một mặt, giá cả hàng hóa tăng, dẫn đến giá các sản phẩm tiêu dùng cũng tăng, được nhìn nhận như là mối đe dọa với đà phục hồi kinh tế. Mặt khác, giới đầu tư cũng chạy đua mua các hợp đồng kỳ hạn trên thị trường hàng hóa để được hưởng lợi từ sự tăng giá nhanh chóng, giúp bảo vệ danh mục đâu tư của họ trước đà tăng của lạm phát.
Giới đầu tư có nhiều lý do để đặt cược lớn vào thị trương hàng hóa. Đó là năng lực sản xuất hàng hóa hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực khai khoáng, do thiếu đầu tư trong nhiều năm, ngân sách chi tiêu dồi dào của người tiêu dùng phương Tây nhờ tiền tiết kiệm tăng thêm trong thời kỳ dịch nệnh, các khoản chi tiêu khổng lồ của các chính phủ, chẳng hạn Trung Quốc mua vét hàng hóa của thế giới để dự trữ và chính phủ Mỹ đang thúc đẩy dự luật chi tiêu xây dựng hạ tầng trị giá gần 1.000 tỉ đô la.
Giá đồng đã giảm 10% so với mức kỷ lục được thiết lập hồi tháng 3 sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ cung ứng đồng từ kho dữ trự ra thị trường. Ảnh: Smallcaps |
Giá cả hàng hóa đang rẻ hơn chứng khoán
Thị trường hóa hóa nguyên liệu thường tăng trưởng tốt hơn nhiều so với các lớp tài sản khác trong thời kỳ lạm phát cao. Hàng hóa cũng đang rẻ hơn so với thị trường chứng khoán nếu xét theo lịch sử, theo các nhà nghiên cứu ở Ngân hàng Deutsche Bank. Thị trường chứng khoán của các nền kinh tế lớn tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong một thập kỷ qua nhờ tầm ảnh hưởng vượt trội của cổ phiếu các tập đoàn công nghệ khổng lồ.
“Hàng hóa là lớp tài sản bị thất sủng trong hơn 10 năm qua. Chỉ cần được giới đầu tư dành một ít sự quan tâm trở lại, điều này cũng gây ra tác động rất lớn về giá cả”, Jim Reid, nhà chiến lược ở Ngân hàng Deutsche Bank, nói.
Matt Fine, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở Công ty Third Avenue Management đã mua vào cổ phiếu của các công ty khai thác quặng đồng và các công ty dịch vụ dầu khí
Giải thích lý do mua cổ phiếu của các công ty khai thác quặng đồng, Fine cho biết nhu cầu đồng đang tăng nhưng nguồn cung đang thiếu và mất đến 10 năm để phát triển một mỏ đồng mới. Một trong những khoản đầu tư lớn của Third Avenue Management là cổ phiếu của Công ty chế biến gỗ Interfor (Canada). Công ty này kiến được mứ lợi nhuận kỷ lục kể từ mùa hè năm ngoái nhờ giá bán gỗ xẻ cao. Cổ phiếu của Interfor đã tăng 174% trong năm qua, cao hơn nhiều so với mức tăng 39% của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.
Giới phân tích đang khuyên các nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng hóa. Công ty chứng khoán BofA Securities đề xuất mua vào cổ phiếu của các công ty khoan dầu khí, khai khoáng, chế biến gỗ trên Sàn giao dịch chứng khoán Toronto (Canada) vì giá vẫn còn tương đối rẻ.
Ngân hàng Goldman Sachs khuyến nghị mua cổ phiếu của 5 công ty lớn trong chuỗi cung ứng khí đốt bao gồm Công ty khai thác khí đốt EQT, Công ty vận hành đường ống dẫn khí Targa Resources, Công ty xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng Cheniere Energy. Giá khí tự nhiên tương lai ở Mỹ đã tăng hơn 30% kể từ tháng 3 và tăng hơn gấp 3 so với cách đây 1 năm. Trong khi đó, giá khí tự nhiên ở châu Âu cũng tăng vọt lên mức cao trong nhiêu 2 năm khi nguồn khí dự trữ trên thế giới tiêu hao nhanh hơn so với nguồn cung mới đưa ra trên thị trường.
Trung Quốc, nước mua 60% tài nguyên của thế giới, có thể yếu tố là rủi ro cho những nhà đầu tư đang đặt cược vào thị trường hàng hóa. Nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đã thúc đẩy giá bắp, đậu nành, khí tự nhiên, than, đồng, kẽm lên các mức cao gần đây. Nhưng nước này đang triển khai các biện pháp để bình ổn giá cả hàng hóa, bao gồm các nỗ lực nhằm hạn chế hoạt động đầu tư hàng hóa ở trong nước. Đầu tháng này, Bắc Kinh mở kho dự trữ đồng, kẽm và nhôm để cung ứng cho thị trường nhằm hạ nhiệt giá cả. Động thái đó đã khiến giá đồng rớt khỏi mức cao lỷ lục và giới phân tích tin rằng Tring Quốc sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tương tự để kiểm soát giá cả các hàng hóa khác. “Nguồn cung đôi khi có thể xuất hiện từ những nơi bất ngờ. Mọi người nghĩ rằng phải mất 5 năm để nguồn cung mới tăng thêm ở mức đáng kể nhưng hóa ra, điều đó chỉ mất 5 phút”, Richard Dunbar, Giám đốc bộ phận nghiên cứu đa tài sản (multiasset research) ở Cônh ty Aberdeen Standard Investments, nói. |
Theo Wall Street Journal