Một lựa chọn đến từ người dân
Danh Đức
(KTSG Online) - Ngày thứ Hai, 28-6-2021, có một thông tin đáng chú ý: người dân TPHCM được hỏi ý kiến về một vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến mình. Chính quyền thành phố quyết định lấy ý kiến phụ huynh xem có đồng ý hay không cho con thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 vào ngày 7 và 8-7 tới.
Chiều hôm đó, 28-6, phiếu khảo sát lấy ý kiến phụ huynh được Sở Giáo dục và Đào tạo phát đi với 3 lựa chọn: yên tâm và đồng ý cho con thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 đợt 1; không yên tâm nhưng vẫn đồng ý; không yên tâm và không đồng ý.
Động thái này được đưa ra để sở có cơ sở xem xét toàn diện khi quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh.
Việc chính quyền hỏi ý kiến người dân trở thành một nội dung được quan tâm, bởi chạm đến một vấn đề rất quan trọng đồng thời cũng nan giải, giữa chuyện học hành thi cử lẫn chuyện phải bảo vệ sự an toàn của con em mình trong bối cảnh dịch bệnh lây lan. Mặt khác, việc này cũng tạo ra những băn khoăn đối với một số người chưa quen được hỏi và cho ý kiến. Một phụ huynh học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận 4 đã nhắn tin hỏi cô giáo chủ nhiệm lớp con mình: "Có bắt buộc phải cho ý kiến không cô?”.
Một cô giáo kể với một phụ huynh khác rằng cô và các thầy cô khác cũng bị tràn ngập bởi những câu hỏi tương tự và lúng túng trong trả lời. Một phụ huynh nhắn tin cho các phụ huynh trong nhóm “Chúng ta hãy suy nghĩ đâu là lợi ích nhất cho con cái chúng ta mà chọn”. Và người mẹ đó viết với các phụ huynh khác: "Tôi chọn lựa giải pháp bảo vệ con tôi”.
Âu cũng là một cơ hội thực hành điều mà các định chế quốc tế như WB, UNDP, IMF… đang làm việc với Việt Nam đã gợi ý và nhắc tới từ lâu: dân chủ cơ sở. “Báo cáo phát triển Việt Nam 2010” được công bố như là báo cáo chung của các nhà tài trợ tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 3 (ngày 4-12-2009) tại Hà Nội, đã dành nhiều thời giờ cho câu chuyện dân chủ cơ sở này.
Những trường hợp nghiên cứu được đưa ra làm minh họa như: “ Hộ gia đình cho ý kiến về kế hoạch và ngân sách xã trong thời kỳ 2006-2008” (tr.35, sđd), “Sự tham gia của hộ gia đình vào quá trình ra quyết định và giám sát các công trình cơ sở hạ tầng ở các xã thuộc Chương trình 135 ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Bình Phước và Sóc Trăng” (tr.36, sđd), “Tiếng nói của người dân và cán bộ xã: Đâu là những khó khăn trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở?" (tr.37,sđd)…
Từ Báo cáo năm 2009 đó sau này hàng năm đã có những khảo sát trong chiều hướng này, tỉ như các “đánh giá mức độ hài lòng” tại nhiều tỉnh thành, cơ quan đơn vị, ngay cả các bệnh viện cũng có làm. Tất nhiên, làm như thế nào lại là chuyện khác, tôi năm nào cũng được hỏi ý kiến bởi một bệnh viện đang theo khám bảo hiểm y tế nên cũng hiểu chút ít!
Thế cho nên, việc hỏi ý kiến hơn 89.200 phụ huyng học sinh về việc có nên tổ chức hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là một điều rất đáng, cần ghi nhớ. Càng đáng nhớ khi việc này diễn ra trong một tình hình cực kỳ nguy nan: tối hôm 28-6, tại thành phố này có đến 560 điểm bị phong tỏa.
Một thành phố có đến 560 điểm phong tỏa không phải là chuyện bình thường, cũng không phải là tai ách mà các tỉnh, thành khác phải gánh tương tự, nên không thể đánh đồng tất cả các tỉnh, thành như nhau - lý lẽ thông thường cũng như lý lẽ dịch tễ học là như thế.
Những ý kiến của các phụ huynh và cả của các học sinh trong cuộc, những công dân thành phố này, cho thấy sự lo ngại lớn là dường nào.
Một số phụ huynh và học sinh đặt câu hỏi: Sao không xét học bạ công nhận tốt nghiệp mà phải bắt các cháu thi trong tình hinh quá căng thẳng hiện nay? Một số ý kiến được nêu ra như:
- Đề nghị cho tốt nghiệp hết. Bây giờ tình hình dịch bệnh ngày càng nhiều liệu có ai đảm bảo được 100% sức khỏe của chúng em. Xin hãy đặt mình vào hoàn cảnh mà chúng em đang chịu. Em muốn được sống để học tập chứ không phải cược cả mạng sống của mình vào một thời điểm như lúc này.
- Đề nghị xét tốt nghiệp theo hình thức xét học bạ (như tuyển sinh đại học) hoặc tổ chức thi online?
- Bây giờ ngành y tế còn đang mệt mỏi với việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố. Dồn thêm áp lực lấy mẫu 100.000 người nữa thì quá căng cho hệ thống y tế. Dời lại kỳ sau có mất mát gì đâu mà thách thức quá nhiều rủi ro.
- Đề nghị hoãn thi tốt nghiệp vì từ giờ đến tháng 9 còn hai tháng nữa. Thi trễ một tháng cũng không sao và năm học mới khai giảng muộn một tháng cũng không sao. An toàn là trên hết.
Thiết tưởng, khi đã biết rõ rằng tỷ lệ tốt nghiệp cả nước năm 2020 đạt 98,34%, cao hơn khoảng 4% so với năm 2019, thì liệu có cần tổ chức một kỳ thi cũng đem lại một kết quả tương tự? Còn làm sao tuyển sinh đại học, các trường đã quen xét tuyển theo học bạ rồi.
Trong lúc mà sáng nay chính quyền thành phố đang khẩn cấp lo chuyện “xét nghiệm toàn thành phố tìm F0” với những câu hỏi nhức đầu như “Lấy 500.000 mẫu/ngày sao cho an toàn?"(*), thiết tưởng nên để cho thành phố này, cả chính quyền và dân chúng lo chuyện sống còn trước đã!
Không nhiệm vụ nào lịch sử cho bằng nhiệm vụ này. Nếu không, tai họa này sẽ được ghi vào lịch sử với mọi nguyên nhân, tác nhân, tên người ra quyết định. Còn nếu tập trung chống dịch là trên hết thành công, lịch sử cũng sẽ ghi lại đầy đủ họ và tên cùng số quyết định!
Cám ơn thành phố đã tham khảo ý kiến các phụ huynh!
(*) https://tuoitre.vn/tp-hcm-xet-nghiem-tam-soat-covid-19-500-000-mau-ngay-sao-cho-an-toan-20210629084733377.htm
Đọc thêm:
Xem thêm: lmth.nad-iougn-ut-ned-nohc-aul-tom/238713/nv.semitnogiaseht.www