Theo tờ South China Morning Post ngày 28-6, Indonesia và Mỹ đã khởi công xây dựng một trung tâm đào tạo hàng hải mới trị giá 3,5 triệu USD ở nơi giao nhau chiến lược giữa Biển Đông và eo biển Malacca.
Binh sĩ Indonesia. Ảnh: AFP
Động thái này đã tái khẳng định vị thế của Mỹ là đối tác quốc phòng hàng đầu của Indonesia trong bối cảnh Washington đang đối đầu với Bắc Kinh để giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Trung tâm đào tạo sẽ thuộc quyền sở hữu cũng như hoạt động dưới sự điều hành của Cơ quan An ninh Hàng hải của Indonesia (hay còn gọi là Bakamla). Đây là một trong những cơ quan có nhiệm vụ giám sát vùng lãnh hải rộng lớn và vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Cơ quan cấp cao hơn của Bakamla là Bộ Điều phối các Vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh.
"Nỗ lực không ngừng của Mỹ"
Theo Chuẩn Đô đốc Hải quân Tatit Eko Witjaksono đến từ Trung tâm Hợp tác Quốc tế của quân đội Indonesia, Bakamla sẽ sử dụng trung tâm để "nâng cao năng lực nhân sự trong việc ứng phó với những thách thức về đảm bảo an ninh và an toàn trên biển".
Trong một tuyên bố đăng trên trang US Indo-Pacific ngày 25-6, Đại sứ Mỹ tại Jakarta - ông Sung Y Kim cam kết tiếp tục hỗ trợ "vai trò hàng đầu của Indonesia trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực bằng cách chống tội phạm trong nước và xuyên quốc gia".
Ông Kim cho biết thêm rằng Mỹ đã cung cấp thiết bị, hỗ trợ, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Bakamla kể từ khi thành lập vào năm 2014 như một phần của "nỗ lực không ngừng của Mỹ" nhằm hợp tác với Indonesia để chống tội phạm xuyên quốc gia.
Theo ông Gilang Kembara, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Indonesia, việc thành lập trung tâm đào tạo nhấn mạnh vị thế của Mỹ là đối tác quốc phòng và an ninh lâu đời nhất của Indonesia.
Ông Gilang cho biết Washington không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn hỗ trợ đáng kể cho Jakarta trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc xây dựng trung tâm đào tạo, đào tạo các lực lượng vũ trang và hỗ trợ Bakamla thực thi pháp luật hàng hải.
"Hải quân Indonesia đang tăng cường chức năng cảnh sát của mình thông qua việc trao quyền cho Bakamla làm cơ quan thực thi pháp luật hàng hải chính của đất nước. Với tư cách là một cơ quan chính phủ mới, Bakamla cần được đào tạo nguồn lực nhiều hơn cũng như huy động được nhiều tiền hơn để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng chính của mình" - ông Gilang nhận định.
Theo ông Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore, trung tâm đào tạo mới cho thấy Indonesia sẽ hoan nghênh hỗ trợ nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau như tài trợ, hỗ trợ đào tạo và trong trường hợp này là phát triển cơ sở hạ tầng.
"Tôi không coi ý định của Jakarta là gì khác ngoài việc tìm kiếm lợi ích từ sự hỗ trợ xây dựng năng lực từ các bên bên ngoài, đặc biệt là trong trường hợp này là Mỹ" - ông nói.
Vị trí Indonesia trong cạnh tranh Mỹ - Trung
Giống như các nước láng giềng Đông Nam Á, Indonesia cũng bị cuốn vào giữa cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Indonesia đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với cả hai cường quốc mà không từ bỏ bebas aktif (sự tự do và năng động) trong chính sách đối ngoại vốn quy định nước này phải duy trì sự trung lập và không liên minh.
"Có vẻ như mặc dù phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng Indonesia sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh" - chuyên gia Koh nhận định.
Thời gian gần đây có nhiều cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Indonesia, nổi bật là cuộc diễn tập quân sự Reconex 21-II kéo dài nhiều ngày giữa Thủy quân lục chiến hai nước trên đảo Java. Trong cuộc tập trận, lính thủy đánh bộ Indonesia và Mỹ tham gia vào các chiến thuật tác chiến đô thị và tác chiến đô thị, cùng những chiến thuật khác.
Trung Quốc cũng đã cố gắng tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh với Indonesia thông qua việc hỗ trợ các hoạt động trục vớt tàu ngầm Indonesia KRI Nanggala bị chìm. Song, những sáng kiến này tiếp tục tụt hậu so với những sáng kiến với Mỹ, theo ông Koh.