Liên tiếp đón 3 đợt dịch COVID-19 từ đầu năm 2021, không chỉ người lao động các ngành du lịch - dịch vụ mà đến nông dân cũng dần cạn sức. Bởi, việc tiêu thụ nông sản đang bị ảnh hưởng lớn. Không có du khách, không có sự lưu thông hàng hoá trong xã hội, từ trái ớt đặc sản đến hàng nghìn hécta mía vào vụ nhưng không có đầu ra.
Ùn ứ nông sản
Cuối tháng 6, những cánh đồng mía bạt ngàn, xanh mướt mắt của xã Hoà Bắc huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, thay vì phấn khởi như mọi năm thì người nông dân đang “như trên đống lửa” bởi chẳng có bóng dáng thương lái nào đến hỏi mua.
“Du khách không có, chợ búa cho đến cộng đồng cũng thực hiện giãn cách nên nhu cầu tiêu thụ nước mía bị giảm mạnh.
Bên cạnh đó, do bị ảnh hưởng bởi vụ lụt cuối năm 2020, cây mía năm nay cũng cho chất lượng thấp hơn, nhiều thương lái đòi ép giá” - anh Nguyễn Dũng, người dân xã Hoà Bắc cho hay.
Trước thực tế đó, các hội đoàn thể của xã Hoà Bắc đã kêu gọi người dân thành phố chung tay giải cứu hàng nghìn tấn mía bằng cách mua nước mía đóng chai với giá 20.000-25.000 đồng/chai tuỳ theo địa điểm gửi hàng.
“Bằng cách ép nước mía đóng chai, ship hàng đến tận nơi, hy vọng người dân thành phố sẽ tiêu thụ mía giúp bà con nông dân. Từ hôm qua đến giờ, chúng tôi đã nhận nhiều đơn đặt hàng. Dù xa hay gần, chúng tôi cũng cố gắng chuyển đến tận nơi bởi đầu ra của cây mía đang quá khó khăn” - Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoà Bắc chia sẻ.
Trước đó, hồi giữa tháng 5, từ quả ớt Bồ Bản đến hơn 10 tấn bí đao của xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang cũng đã phải nhờ đến sự trợ giúp, giải cứu của người dân thành phố. Thời điểm đó, giá ớt đặc sản của người nông dân Đà Nẵng giảm 10 lần so với lúc cao điểm nhưng không ai thu mua.
Nông dân cần được hỗ trợ
Ông Nguyễn Tiến Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong - cho biết, với hương vị đặc biệt của trái ớt Bồ Bản, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện Hoà Vang và Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố đã phối hợp xây dựng mô hình ớt xanh tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong với diện tích 1,3ha. Hiện có 20 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình này. Cây ớt khi được quy hoạch trồng sẽ cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, nguồn tiêu thụ của sản phẩm vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Vụ mùa vừa qua, khi cây ớt “kêu cứu”, một doanh nghiệp đã kết nối giúp tiêu thụ 1 tấn ớt xanh Bồ Bản cho nông dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoà Vang cho rằng: “Đó cũng chỉ là sự liên kết bộc phát trong một số thời điểm nhằm hỗ trợ cho người dân chứ chưa phải là kênh tiêu thụ lâu dài. Không chỉ có cây mía, quả ớt hay trái bí đao mà nhiều sản phẩm nông nghiệp tại huyện Hoà Vang đang gặp khó khăn suốt những năm qua nhưng chưa có giải pháp triệt để”.
Cụ thể, năm 2020, người chăn nuôi đối diện với dịch tả lợn Châu Phi, cuối năm thì người trồng trọt gặp lũ lụt, mùa màng mất trắng. Rồi liên tiếp dịch bệnh COVID-19 ập đến, nguồn khách du lịch không có và việc lưu thông hàng hoá bị ùn ứ khiến nông sản không có đầu ra.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố hỗ trợ cho người nông dân về cây giống, con giống để tái đàn, tái nuôi trồng sản xuất. Tuy nhiên, một phần cũng do dịch bệnh khó khăn nên đến nay, người nông dân vẫn chưa nhận được nhiều. Việc tìm đầu ra bền vững, lâu dài cho nông sản cũng là dấu hỏi lớn nhiều năm qua” - ông Vân cho hay.
Trong khi đó, năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo của Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, việc duy trì sản xuất nông lâm nghiệp là một trong những yếu tố giúp kinh tế thành phố ổn định. Tuy nhiên, dường như giữ dịch bệnh, người nông dân vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoà Vang kiến nghị, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, người nông dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn và nhiều nông sản sẽ gặp tình trạng ùn ứ. “Chúng tôi hy vọng những chính sách nào thành phố đã muốn hỗ trợ người dân nông dân thì cần triển khai ngay để người dân yên tâm bám trụ với nghề” - ông Vân nói.
Xem thêm: odl.791529-ort-oh-nac-nad-gnon-u-nu-nas-gnon-gnan-ad/et-hnik/nv.gnodoal