23h đêm nay (29-6), tuyển Anh sẽ chạm trán Đức ở vòng 1/8 Euro 2020 trên sân nhà Wembley.
Trong lịch sử đối đầu, tuyển Anh có 46 năm không thắng Đức trên sân nhà Wembley. Người Anh cũng nhận 3 trận thua đau đớn trước người Đức ở hai giải đấu lớn. Đó là hai trận bán kết World Cup 1990 và bán kết Euro 1996 đều trên chấm luân lưu nghiệt ngã, trận còn lại Anh thua Đức 1-4 ở vòng 1/8 World Cup 2010.
Matthaus an ủi Chris Waddle sau trận bán kết World Cup 1990. ẢNH: BOB THOMAS
Các nhà tâm lý học thể thao hàng đầu khẳng định tiếng nói của lịch sử rất có sức nặng và tuyển Anh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lịch sử rất khó để vượt qua trước người Đức. Với những trận thua khó phai trước người Đức, Tam sư chưa bao giờ sẵn sàng viết lại lịch sử.
Các nhà tâm lý học nhấn mạnh tuyển Anh phải đối mặt với áp lực gia tăng đó vào đêm nay. Các chuyên gia cho rằng, bất chấp các cầu thủ Anh những ngày gần đây xếp hàng dài lên tiếng họ bước vào trận đấu với thái độ không sợ hãi và không nghĩ gì về những gì xảy ra trước đó thì lịch sử là có thật và nó rất nặng nề.
Các thành viên hiện tại của tuyển Anh không trực tiếp trải qua nỗi đau thất bại trước Đức ở bán kết World Cup 1990, bán kết Euro 1996 hay vòng 1/8 World Cup 2010 nhưng họ vẫn chịu nhiều ảnh hưởng.
Lukas Podolski ăn mừng bàn thắng vào lưới Anh trong trận Đức thắng 4-1 ở World Cup 2010. ẢNH: AP
Người Anh chưa bao giờ làm việc nhiều hơn cùng các cầu thủ để đối phó với những thời điểm chịu áp lực lớn, bao gồm cả các trận đấu với đối thủ truyền kiếp Đức và đêm nay người xem sẽ được chứng kiến tuyển Anh chuẩn bị cho trận gặp Đức thế nào.
Nhà tâm lý học thể thao Martin Perry, người từng làm việc với các VĐV Olympic, VĐV golf, cơ thủ bida và cầu thủ bóng đá cho biết, “Điều không ngoan cần phải làm là giải quyết ngay vấn đề. Bạn phải giải quyết ngay vì nó vẫn tồn tại.
World Cup 90 và Euro 96, Anh có những trận thua đau đớn trên chấm phạt đền. Họ có vẻ như chết lâm sàng và họ bỏ lỡ penalty trong tình trạng “chấn thương”. Đó là “chấn thương” của sự thất bại và họ bắt đầu trở lại cuộc sống với nỗi đau của riêng mình. Nó giống như văn học dân gian. Đó là một câu chuyện mà cha mẹ bạn kể lại, nó ngấm vào tâm trí trong vô thức”.
HLV hiện tại của tuyển Anh, Southgate sút hỏng penalty trong trận bán kết Euro 1996 thua Đức ngay tại thánh địa Wembley.
Perry nói rằng, trước hết các cầu thủ phải suy ngẫm tất cả về lịch sử đối đầu giữa Anh và Đức, họ không chỉ nên nghĩ đến điều tồi tệ.
Perry, nhà tâm lý học từng giúp cầu thủ Aaron Ramsey và tay golf Colin Montgomerie đạt được phong độ cao nhất hiến kế cho tuyển Anh vượt qua ám ảnh, “Để có góc nhìn về Anh và Đức, bạn hãy quay trở lại năm 1966. Đó là chiến thắng vĩ đại nhất từng có của chúng tôi trước Đức tại Wembley (chung kết World Cup 1966 Anh thắng Đức 4-2 trong hiệp phụ).
Vì vậy, chúng tôi thực sự đang kể câu chuyện gì vậy? Có phải chúng tôi chỉ luôn kể về những trận thua trên loạt luân lưu trước Đức? Hay là trận đánh bại Đức 5-1 ở Munich. Bạn phải kể một câu chuyện phù hợp.
Có quan niệm rằng Đức luôn mang đến tin xấu cho Anh vì những điều xảy ra ở World Cup 1990 và Euro 1996 hay 1,2 trận đấu khác. Nhưng hãy nhìn vào năm 1966 hay trận Anh thắng Đức 5-1 và những trận khác”.
Anh vô địch World Cup 1966 sau khi hạ Đức 4-2 trong trận chung kết. ẢNH: BETTMANN ARCHIVE
Sau trận chung kết World Cup 1966, Đức đã đánh bại Anh 3 lần ở các trận knock out hai giải đấu lớn World Cup và Euro, trong đó có 2 lần sau loạt sút luân lưu định mệnh.
Thủ môn đội trưởng tuyển Đức, Manuel Neuer tuyên bố vào tuần trước, “Wembley là nơi phù hợp với chúng tôi”. Neuer có lí do chính đáng với tuyên bố đó bởi Đức đã trải qua chuỗi 46 năm bất bại trên sân Wembley trước Anh, kéo dài từ năm 1975 đến nay.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi trang web chính thức giải vô địch bóng đá Đức Bundesliga đã có bài báo với tựa đề, “5 lý do Đức sẽ đánh bại Anh”. Mặc dù lịch sử vẫn còn ám ảnh lớn nhưng bây giờ là lúc để người Anh thay đổi nó.
Các cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" bóng đá Anh ăn mừng chiến thắng 5-1 trước Đức. ẢNH: AP
Perry lạc quan cho biết, “Bạn có thể viết lại lịch sử. Khi Stuart Pearce ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha ở Euro 96 (trong loạt sút luân lưu ở tứ kết), đó là sự chuộc lỗi của anh ấy (sút hỏng quả phạt đền quyết định trong trận thua Đức ở bán kết World Cup 1990). Anh ấy đã viết lại lịch sử cho cá nhân mình.
Có một thái độ mà bạn cần phải đanh thép nói, “OK, nếu đó là những gì lịch sử nói với chúng ta, chúng ta phải viết lại nó”. Thái độ và suy nghĩ mà bạn phải có để viết lại lịch sử là gì? Đó là việc bạn phải đưa ra câu trả lời vào đêm nay.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với mọi cầu thủ về trách nhiệm của họ? Nếu bạn muốn viết lại lịch sử, đây là những gì bạn làm với Harry Kane, đây là những gì bạn cần làm với Jordan Henderson. Vì vậy, nhiệm vụ của họ rất rõ ràng”.
Jordan Henderson, Marcus Rashford, Jordan Pickford và Declan Rice đều đã xuất hiện trước ống kính truyền thông tuyên bố “câu thần chú” tuyển Anh không sợ hãi Đức. Tiền vệ Rice là người gần nhất lặp lại lời thoại này trong cuộc họp báo trước trận đấu hôm qua.
Rice nói, “Thật sự thì có gì để phải sợ. Rõ ràng họ có những cầu thủ tuyệt vời nhưng đây chỉ là một trận bóng đá”.
Vẻ mặt đầy tâm trạng của Paul Gascoigne trong loạt sút luân lưu giữa Anh và Đức ở bán kết World Cup 1990. ẢNH: GETTY
Thái độ của các cầu thủ phản ánh công việc khó khăn được đặt ra phía sau hậu trường để giúp họ đối phó với tình huống này. HLV Gareth Southgate và các cộng sự của ông biết chính xác điều gì đang xảy ra. Bản thân Southgate có một kỷ niệm khó quên với người Đức khi chính ông là cầu thủ sút hỏng phạt đền khiến Anh thua Đức ở bán kết Euro 1996.
Tiến sĩ David Fletcher, nhà tâm lý học thể thao trường đại học Loughborough chia sẻ, “Các cầu thủ đang nói những điều đúng đắn nhưng tôi tin rằng đây là một bài kiểm tra với các cầu thủ Anh”.
Fletcher nói rằng lịch sử thảm họa của Anh trước Đức trong các giải đấu sẽ khiến người hâm mộ của họ lo lắng hơn.
Rice và các cầu thủ Anh liệu đã chuẩn bị tâm lý vững vàng đá với Đức? ẢNH: AP
Fletcher cho biết, “Nó tạo ra áp lực và kỳ vọng rất lớn. Nói chung, các cầu thủ rất giỏi trong việc thi đấu dưới áp lực nhưng những trận đấu như thế này lại tăng thêm độ khó.
Không thể tránh khỏi việc sẽ có những khoảnh khắc họ sống trong áp lực và điều đó chỉ xuất hiện vài lần trong sự nghiệp của họ. Nhưng đây chính là điều hấp dẫn của thể thao”.
Lãnh đạo của tuyển Anh đã chuẩn bị cho tình huống này trong nhiều năm. Họ nói về chúng, về thứ văn hóa họ muốn tạo ra và đưa một số điều nhất định vào chương trình đào tạo, huấn luyện. Đây là bài test để xem những điều tuyển Anh đã làm có hoạt động hay không”.
Fletcher lí giải thêm, “Sai lầm quan trọng mà mọi người mắc phải trong thể thao là họ thay đổi thói quen của mình. Điều quan trọng là giữ nguyên tắc và thói quen của mình. Thường thì sau 48 giờ, các dây thần kinh bắt đầu khởi động lại khiến cầu thủ hoặc HLV thay đổi”.
Người Đức bình tĩnh đón chờ trận đại chiến với Anh. ẢNH: DAILY MAIL
Đáng lo ngại là khi người Anh vật lộn với những ám ảnh trong quá khứ thì người Đức lại tỏ ra điềm tĩnh như mọi khi. Sau khi Đức hòa kịch tính Hungary 2-2 để giành vị trí thứ 2 bảng F gặp Anh ở vòng 1/8 Euro 2020, tờ Bild (Đức) đã tóm tắt tình hình của tuyển Đức.
“Chúng tôi được chơi trên sân vận động yêu thích, một sân cổ điển. Nhưng chúng ta cần phải tốt hơn, tốt hơn nữa. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên cũ kỹ trước tuyển Anh, những người vô hại cho đến lúc này”.
Đối đầu ở Anh - Đức tại Wembley 1975: Anh 2-0 Đức (Giao hữu) 1982: Anh 1-2 Đức (Giao hữu) 1991: Anh 0-1 Đức (Giao hữu) 1996: Anh 1-1 Đức (5-6 trên loại luân lưu; bán kết Euro 96) 2000: Anh 0-1 Đức (vòng loại World Cup 2002) 2007: Anh 1-2 Đức (Giao hữu) 3 trận thua đau đớn của Anh trước Đức 1990: Bán kết FIFA World Cup, Sân Stadio delle Alpi, Turin (Ý) Tây Đức 1-1 Anh (4-3 trên loạt sút luân lưu) 1996: Bán kết Euro 96, Wembley (London, Anh) Đức 1-1 Anh (6-5 trên loạt sút luân lưu) 2010: Vòng 1/8 World Cup, Sân Bang Free, Bloemfontein (Nam Phi) Đức 4-1 Anh |