Singapore ‘đau đầu’ với kế hoạch tái mở cửa biên giới
Lê Linh
(KTSG Online) - Singapore được xem là “ngọn hải đăng toàn cầu” về sự cởi mở và kết nối nhưng hiện tại nước này vẫn đang bế tắc trong việc vạch ra con đường vượt qua đại dịch Covid-19 khi các quan chức lo ngại rằng, bất kỳ sự nới lỏng biên giới đáng kể nào cũng đều sẽ ảnh hưởng đến thành công mà họ khó khăn lắm mới giành được trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.
Vẫn thận trọng với kế hoạch tái mở cửa
Nhìn chung, Singapore đã khống chế tốt dịch Covid-19 với chỉ 36 ca tử vong trong xuyên suốt đại dịch so với hàng nghìn người tử vong ở những nước khác.
Nhờ được tiếp cận với các vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA có hiệu quả cao, một phần lớn dân số tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, Singapore lên kế hoạch sẽ tiêm mũi vaccine Covid-19 lần đầu cho hầu hết dân số vào cuối tháng 7 sau khi tiếp nhận được nhiều nguồn cung hơn.
Một khu vực công cộng tạm thời đóng cửa do dịch Covid-19 ở Singapore vào ngày 25-6. Ảnh: AFP |
Các quan chức chính phủ Singapore đã thận trọng hơn về triển vọng mở cửa trở lại và cho biết họ đang vạch ra một lộ trình, lộ trình này sẽ chuyển trọng tâm kiểm soát dịch bệnh từ số lượng ca nhiễm hàng ngày sang số ca nhập viện và coi Covid-19 là bệnh dịch, thay vì đại dịch. Tuy nhiên, ngay cả khi trung tâm tài chính đối thủ Hồng Kông thúc đẩy việc nới lỏng đi lại và các hạn chế khác đối với người dân đã được tiêm, Singapore vẫn chưa nói rõ con đường tái mở cửa biên giới với một mốc thời gian chi tiết.
Sự bế tắc của Singapore đang gây ra căng thẳng. Các doanh nghiệp, người dân và thậm chí cả các bác sĩ đều đang thúc đẩy chính phủ hành động mạnh mẽ hơn. Một số bác sĩ ở Singapore cho biết hệ thống y tế của nước này có thể ứng phó nếu bất kỳ động thái mở cửa biên giới nào dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm. Trong đợt bùng phát dịch mới nhất ở Singapore, số ca nhiễm chuyển sang các triệu chứng nặng ít hơn so với những lần trước nhờ vào sự bảo vệ của vaccine Covid-19.
Jeremy Lim, Phó Giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết: “Singapore không thể cứ đóng cửa như vậy. Biên giới mở và thương mại là mạch máu của chúng ta. Tất cả phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà hoạch định chính sách. Họ cần cảm nhận được rằng mọi người đang trở nên mệt mỏi và thất vọng".
Con đường thoát ra thời kỳ dịch bệnh Covid-19 của Singapore đang được theo dõi chặt chẽ vì nước này có thể là một khuôn mẫu tiềm năng để các khu vực khác đã khống chế được dịch bệnh, đã tiêm chủng vaccine Covid-19 cho cộng đồng của của họ, mong muốn tái gia nhập thế giới.
Hiện tại, số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị ở Singapore là 144 người, thấp hơn nhiều so với năm ngoái, có lúc các bệnh viện điều trị hơn 1.800 bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AFP |
Những nước khác như Trung Quốc và Úc vẫn đóng cửa biên giới dù đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 ở trong nước. Tuy nhiên, hai nước này nền kinh tế lại nghiêng về thị trường nội địa nhiều hơn, cho phép họ tiếp tục đóng cửa biên giới trong thời gian dài hơn.
Singapore đang đối mặt với thất thu lớn từ ngành du lịch, vốn mang về 20 tỉ đô la trong năm 2019 và rủi ro tổn thương danh tiếng là trung tâm thương mại quốc tế khi cộng đồng người nước ngoài ở đảo quốc này đang ngày càng mệt mỏi vì các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các sự kiện lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Giải đua xe Công thức 1 ban đêm, dự kiến tổ chức vào cuối năm nay ở Singapore, đã bị hủy bỏ.
Tình thế nan giải của Singapore cho thấy sự chuyển tiếp khó khăn mà các chính phủ phải chèo lái để đưa đất nước thoát ra khỏi kỷ nguyên Covid-19. Ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao như Israel cũng thỉnh thoảng tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội hoặc trì hoãn tái mở cửa biên giới vì biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, có nguồn gốc từ Ấn Độ, đang lây lan nhanh.
Muốn xem Covid-19 là bệnh dịch thông thường
Singapore đang bắt đầu có sự thay đổi trong cách mà các quan chức chính phủ nói về Covid-19, chuyển từ lập trường xem Covid-19 như là mối đe dọa ở cấp độ có thể gây khủng hoảng sang việc xem đây như là một bệnh dịch, thậm chí một căn bệnh thông thường.
Một số quan chức chính phủ Singapore đang thúc đẩy ý tưởng rằng đất nước phải sống chung với virus SARS-CoV-2. Trong một bài xã luận đăng trên một tờ báo địa phương hồi tuần trước, 3 bộ trưởng của Singapore nói rằng họ muốn xem đại dịch Covid-19 như là điều gì đó ít đe dọa hơn, chẳng hạn như bệnh cúm mùa hay bệnh thủy đậu.
Trong một cuộc họp báo gần đây, họ cũng nói về việc thay thế biện pháp cách ly bằng cách xét nghiệm nghiêm ngặt hơn đối với du khách đã được tiêm chủng.
Trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nhất với sự xuất hiện của biến thể Delta, Singapore vẫn chưa chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày vượt quá con số 50. Hôm 29-6, Singapore ghi nhận 10 ca nhiễm mới, gồm 5 ca trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh. Hiện tại, số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị ở Singapore chỉ là 144 người, thấp hơn nhiều so với năm ngoái, có lúc các bệnh viện điều trị hơn 1.800 bệnh nhân Covid-19. Jeremy Lim, Phó Giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng quyết định tái mở cửa biên giới cần phải căn cứ vào việc liệu hệ thống y tế của Singapore có thể ứng phó với số ca nhiễm gia tăng hay không. Ông cho rằng hiện nay, các bệnh viện ở Singapore có thể ứng phó. |
Một ca nhiễm đơn lẻ không còn đáng báo động như trước đây, khi tiêm chủng vaccine Covid-19 chưa được triển khai rộng rãi, Dale Fisher, bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Đại học Singapore, nói. Ông cho biết nếu một người nhiễm Covid-19 nhưng tất cả đồng nghiệp và hầu hết thành viên gia đình của họ đã được tiêm chủng, thì chỉ có một số ít người bị lây bệnh và có thể không ai trong số họ xuất hiện các triệu chứng nặng.
Donald Low, Giáo sư ở Viện Chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho rằng để thúc đẩy quan điểm xem Covid-19 như là một bệnh dịch, điều quan trọng là phải tăng niềm tin của người dân đối với vaccine Covid-19. Ông cũng cho rằng Singapore nên giảm thời gian cách ly ở mức lớn hơn so với Hông Kông, nơi đã giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày so với 15 ngày đối với du khách nước ngoài đã được tiêm chủng.
Viết trên Facebook, Bộ trưởng Y tế Singapore, Ong Ye Kung cho biết các biện pháp phong tỏa đột ngột sẽ không xảy ra một lần nữa khi mà năng lực xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tỷ lệ tiêm chủng ở Singapore đều đã cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, chính phủ Singapore dường như vẫn lo ngại về việc mở cửa biên giới sớm. Singapore đặt mục tiêu đến ngày Quốc khánh (8-9), 2/3 dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Bộ trưởng Ong Ye Kung nói rằng, đến lúc đó, Singapore sẽ có một số biện pháp nới lỏng biên giới. Tuy nhiên, ông cho rằng ngay cả khi 2/3 dân số được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine thì vẫn chưa đủ để tự tin mở cửa biên giới hoàn toàn. Để bảo vệ người già và ngăn chặn biến thể Delta lây lan, tỷ lệ tiêm chủng cần đẩy lên mức hơn 2/3 dân số.
Sự nghi ngại của Singapore có thể bắt nguồn từ thực tế đang diễn ra, hầu hết người dân Singapore chưa nhiễm Covod-19, do vậy thiếu kháng thể, chứ không giống như Mỹ, Israel hay các nước châu Âu, những nơi dịch bệnh bùng lên dữ dội trước khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai.
Áp lực chính trị
Một yếu tố khác khiến Singapore trì hoãn mở cửa biên giới có thể là áp lực chính trị. Đảng cầm quyền Hành động nhân dân (PAC) muốn ngăn ngừa việc lặp lại sai lầm trong cách xử lý cơn bùng phát dịch bệnh ở các khu ký túc xá của công nhân nhập cư hồi năm ngoái, khiến hàng chục ngàn người bị lây nhiễm Covid-19.
Những tháng sau đó, đảng PAC hứng chiu thất bại chính trị hiếm hoi trong cuộc bầu cử quốc hội khi phe đối lập giành được số ghế kỷ lục, dù đảng PAC vẫn kiểm soát 83/93 ghế.
Cả Bộ trưởng Tài chính, Lawrence Wong lẫn Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung đều có mặt trong tổ chuyên trách ứng phó dịch bệnh Covid-19. Cả hai đang chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng Singapore, vốn chưa có người kế nhiệm rõ ràng.
Tầm nhìn giúp Singapore thoát ra khỏi đại dịch Covid-19 một cách an toàn có thể yếu tố quyết định ai sẽ giành ghế thủ tướng.
Eugene Tan, Phó Giáo sư ngành Luật ở Đại học Quản lý Singapore nhận định, trên một số khía cạnh, sự chuyển tiếp quyền lực của Singapore đang làm phức tạp thêm thông điệp của chính phủ. Ông cho rằng dù có sự đồng thuận về cách ứng phó đại dịch Covid-19, nội bộ chính phủ Singapore dường như vẫn bất động về tốc độ tái mở cửa nền kinh tế, biên giới và nới lỏng biện pháp giản cách xã hội.
Ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ tài chính của chính phủ, nhiều doanh nghiệp Singapore vẫn đang chịu tổn thương. Lim Jialiang, chủ của Công ty phân phối bia Watering Hole cho biết các nhà hàng phải sử dụng nguồn tiền dự trữ để duy trì hoạt động khi các biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt hồi tháng 5.
Jialiang nói: “Tốt nhất, chính phủ nên thông báo tiến trình tái mở cửa rõ ràng vì đến lúc đó, chúng tôi mới có thể lên hoạch kinh doanh và dự báo nhu cầu”
Theo Bloomberg
Xem thêm: lmth.ioig-neib-auc-om-iat-hcaoh-ek-iov-uad-uad-eropagnis/268713/nv.semitnogiaseht.www