Đối với nhiều người trên thế giới, món khoai tây chiên có lẽ chẳng có gì xa lạ. Thế nhưng hiếm người biết rằng vào những năm 1700, khoai tây là thức ăn dành cho lợn và đến chó cũng chẳng thèm ăn. Thậm chí Giáo hội còn gọi chúng là "táo quỷ" và cấm trồng.
Tuy nhiên chính nhờ khoai tây mà hàng loạt đế quốc, từ đế chế Inca cổ xưa đến nước Phổ, rồi vua Napoleon đã thành công trong việc cải cách nền kinh tế, tạo nên bộ mặt hoàn toàn mới tại Châu Âu. Có thể nói rằng khoai tây là tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ I của nhân loại khi giúp gia tăng dân số và chống nghèo đói.
Ngày nay, khoai tây chiên được cho là một trong những biểu tượng của sự thịnh vượng với các chuỗi hàng ăn nhanh và cả một cộng đồng yêu thích chúng. Khoai tây hiện là loại nông sản được trồng phổ biến nhiều thứ 5 trên thế giới.
Hành trình vượt Đại Tây Dương của báu vật xứ Inca
Khởi nguồn của khoai tây có lẽ bắt đầu từ 13.000 năm trước ở Nam Mỹ tại những vùng núi thuộc dãy Andes, phía nam Peru và đông bắc Bolivia ngày nay. Đây là dãy núi dài nhất thế giới với một dải 8.850km dọc bờ Thái Bình Dương ở Nam Mỹ với nhiều núi lửa còn hoạt động, tạo nên những vụ phun trào, động đất và lũ quét thường xuyên.
Với khí hậu như vậy, khu vực này dường như chẳng có loài cây nào sống nổi. Nhiệt độ dao động từ 0-24 độ C trong vài tiếng còn không khí quá loãng để giữ nhiệt. Thế nhưng những người Inca lại phát hiện khoai tây từ đây để biến chúng thành cây lương thực chính. Thậm chí họ còn phát minh ra cách bảo quản khoai tây lâu dài hàng năm trời mà không sợ ngộ độc hay mất dinh dưỡng.
Nhờ khoai tây, người Inca đảm bảo được an ninh lương thực cũng như sự sinh sôi của tộc đàn, qua đó cho phép họ chinh phạt, thôn tính các bộ lạc xung quanh vốn chỉ quen ăn ngô để xây dựng nên đế chế của mình.
Dẫu vậy, thời cực thịnh của đế chế Inca bắt đầu lụi tàn khi người Châu Âu bắt đầu khám phá ra Châu Mỹ ở thế kỷ 16. Hàng loạt những đợt dịch bệnh, mất mùa khiến đế chế này sụp đổ.
Năm 1532, người Tây Ban Nha đổ bộ lên bờ biển Peru, cướp bóc đốt phá đế chế Inca vốn đã lụi tàn, cướp đầy thuyền vàng bạc châu báu cũng như vứt ở xó thuyền vài củ khoai tây, thứ mà họ gọi là "nấm cục" thời đó.
Vượt Đại Tây Dương, chuyến thuyền chở đầy vàng bạc đã đem về cho Tây Ban Nha lượng của cải lớn, nhưng ít ai biết rằng thứ quý giá nhất lại thuộc về những củ "nấm cục" lăn lóc góc thuyền.
Ban đầu người Châu Âu chẳng mấy mặn mà với khoai tây. Chúng được trồng thử tại Tây Ban Nha vào năm 1570 sau các đợt cướp bóc Nam Mỹ nhưng do không biết cách thu hoạch lẫn chế biến, chúng chỉ được dùng làm thức ăn cho lợn.
Nguyên nhân chính là người dân thường thu hoạch khi khoai tây đã mọc mầm, nghĩa là nó đã có độc, dẫn đến những vụ ngộ độc đáng tiếc.
Frederick Đại Đế của nước Phổ khuyến khích người dân trồng khoai tây
Ngoài ra, khoai tây có thể cắt lát để làm giống trồng mới chứ không cần hạt như những loại khác, điều mà nông dân Châu Âu chưa từng thấy trước đây và họ đặt cho khoai tây cái tên mới: "táo quỷ".
Thời kỳ đó, khoai tây không được nhắc đến trong Kinh thánh nên Giáo hội cho rằng Thượng đế không muốn con người ăn khoai tây. Trong khi đó nhiều nhà thực vật học lại ngộ nhận khoai tây là loài có độc, cộng thêm với việc không biết chế biến khiến chúng trở thành thứ thực phẩm hạ đẳng bị cấm gieo trồng.
Đến cuối thập niên 1600, khoai tây đã xuất hiện tại nhiều nước Châu Âu nhưng chẳng ai thèm ngó tới. Sự xấu xí của vỏ ngoài và vô vị trong cách chế biến khiến khoai tây chỉ được coi là thứ cây hoang trồng trong các khu vườn dược liệu.
Cho đến tận thời điểm này, nạn đói vẫn hoành hành tại Châu Âu và người dân đơn giản là chẳng thể tự nuôi sống bản thân với năng suất nông nghiệp quá thấp.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi Frederick Đại Đế của nước Phổ nhận ra tiềm năng của khoai tây chống lại nạn đói.
Vũ khí chiến tranh
Năm 1756, vua Frederick ban hành đạo luật Kartoffelbefehl yêu cầu mọi người trồng khoai tây khi đã tìm ra phương pháp thu hoạch và chế biến đúng cách để không ngộ độc. Vậy nhưng quan điểm về khoai tây là thứ hạ đẳng đã in sâu vào người nông dân nên chẳng ai muốn trồng, thậm chí người dân còn chẳng thèm dùng chúng cho lợn hay chó ăn vì sợ ngộ độc.
Nhằm thay đổi suy nghĩ của người dân, vua Frederick cho trồng khoai tây hàng loạt tại các trang trại hoàng gia ở Berlin rồi cho lính canh phòng xung quanh. Hiểu được tâm lý dân chúng rằng thứ gì hoàng gia trồng và canh giữ chắc quý nên điều này đã thu hút được sự chú ý của người dân. Thế rồi mọi người bắt đầu quan tâm đến khoai tây vì chúng được giá.
Dần dần, khoai tây được chấp nhận và trở thành lương thực cứu sống người dân Phổ qua các cuộc chiến tranh. Với đặc tính dễ trồng, dễ bảo quản, giàu năng lượng và có sản lượng cao, khoai tây chính là vũ khí nuôi sống quân đội Phổ, giúp vua Frederick chiến thắng liên quân Áo Pháp trong cuộc chiến 7 năm (1756-1763), đưa quốc gia này trở thành cường quốc tại Châu Âu.
Khi quân Pháp thảm bại trước Phổ trong chiến tranh 7 năm, một người tù binh tên Antoine Augustin Parmentier đã bị bắt giữ và bất đắc dĩ phải ăn khoai tây trong trại giam, vốn là thứ đồ ăn cho lợn ở Pháp.
Khoai tây là một vũ khí quan trọng giúp làm nên chiến thắng của Napoleon
Thế nhưng ông chợt nhận ra khoai tây không hề độc như như ngộ nhận của người dân Pháp và đây lại chính là thứ vũ khí tối thượng giúp quân Phổ chiến thắng trong chiến tranh.
Trở về Pháp sau 3 năm ăn khoai tây trên đất Phổ, ông Parmentier bắt đầu truyền bá khoai tây. Chính ông là người đã xuất bản cẩm nang nấu nướng khoai tây vào năm 1794, bao gồm món khoai tây chiến nổi tiếng sau này.
Vậy là từ quốc gia diễn ra nạn đói liên miên, người dân đã dần tự cung tự cấp được lương thực để tiến tới cuộc Cách mạng năm 1789 của tầng lớp tư bản lật đổ chế độ chuyên chế và sau đó là cuộc chiến tranh Napoleon (1803-1815).
Ngay sau khi lên nắm quyền, Napoleon đã khuyến khích người dân trồng khoai tây, qua đó khiến sản lượng loại cây lương thực này tăng 15% nhằm phục vụ cho chiến tranh. Các đồng minh và kẻ thù của Napoleon khi đó đều nhận ra tác dụng của khoai tây để rồi chúng trở thành thực phẩm chính của người Châu Âu sau đó.
Cuộc cách mạng lương thực
Theo các nhà sử học, khoai tây đã tạo nên một cuộc cách mạng nông nghiệp, chấm dứt nạn đói hoành hành nhiều năm tại Châu Âu. Giờ đây người nông dân có thể tự cung tự cấp với khoai tây và 1 con bò. Nhờ Vitamin C trong khoai tây mà chúng chấm dứt được bệnh scurvy từng lan tràn trên khắp lục địa.
Kể từ khi đảm bảo được an ninh lương thực, dân số tại Châu Âu bùng nổ kéo theo hàng loạt những cải cách và phát triển khác. Nhờ khoai tây mà người nghèo nhất ở đây cũng có thể sinh tồn được. Nông dân không cần đầu tư quá nhiều vốn, không cần giống và thậm chí trẻ em cũng có thể trồng hay thu hoạch khoai tây.
Trong khoảng đầu thế kỷ 18-đầu thể kỷ 20, dân số Châu Âu đã nhảy vọt từ 126 triệu lên 300 triệu người. Nơi nào trồng nhiều khoai tây là nơi đó có tăng trưởng dân số mạnh nhất và điều đáng ngạc nhiên là nó không hề kéo theo đói nghèo. Có chăng người dân chỉ bị dồn đến các thành thị do quá trình đô thị hóa nhanh.
Cũng chính nhờ sự tăng trưởng dân số và đô thị hóa nhanh này đã thúc đẩy nhu cầu công nghiệp hoá, bành trướng lãnh thổ và chiến tranh, tạo nên hàng loạt những cuộc cách mạng công nghệ cũng như biến động địa chính trị của thế giới sau này.
Vậy là từ một loại cây đến chó lợn cũng chẳng thèm ăn, khoai tây đã trở thành động lực cho sự biến đổi và phát triển của toàn Châu Âu cũng như thế giới.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị