vĐồng tin tức tài chính 365

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuê

2021-06-30 13:09
Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuê - Ảnh 1.

Nước giếng cổ Bá Lễ là nguồn sống của ông Nổi từ trước tới nay - Ảnh: B.D.

Ngay cả khi cuộc sống đã đủ đầy, nước máy, nước bình xài không hết nhưng nhiều người dân ở phố cổ Hội An vẫn có một thói quen rất lạ lùng: uống nước giếng cổ Bá Lễ. Cũng nhờ thói quen ấy mà hàng chục năm nay những gia đình nghèo có nguồn sống từ cái nghề cũng chẳng nơi đâu có: gánh nước thuê.

Ai nước đây!

Buổi sáng giữa mùa dịch, các con phố đi bộ trong phố cổ Hội An tĩnh lặng như tờ. Bỗng tiếng loẹt quẹt nặng nề từ bàn chân một người đàn ông dáng vẻ khốn khổ, lam lũ chà xuống mặt đường. Người đàn ông này vừa đi vừa gánh đôi quang gánh nặng quặt trên vai rồi đảo cái đầu qua những dãy nhà cổ nằm san sát bên nhau: Ai nước Bá Lễ không?

Tiếng cọt kẹt của cánh cửa gỗ ở căn nhà cổ trên phố Nguyễn Thái Học bật ra. Một người phụ nữ ló đầu khỏi ô cửa sổ, nói vọng ra đường: "Cho tui một gánh nước". 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - người vừa mua gánh nước - nói rằng mấy chục năm nay cả nhà bà toàn nấu cơm, nấu đồ ăn, làm các món ăn truyền thống của người xứ Quảng như cao lầu, mì Quảng bằng nguồn nước từ giếng cổ Bá Lễ. 

Giếng cổ nổi tiếng bậc nhất Hội An, có từ thế kỷ thứ 10 cho tới nay vẫn chưa một lần cạn, là nguồn nước tự nhiên quen dùng mà cho tới nay dù không thiếu nước sạch nhưng người dân vẫn không bỏ được. Hai "mối ruột" đổ nước cho bà Trang mấy chục năm nay là ông Quốc "khùng" nhà trong phố cổ và một người sống ở bên huyện Duy Xuyên là ông Huỳnh Ngọc Nổi.

8h sáng, trong khoảnh sân ximăng chừng 10m2 của giếng cổ Bá Lễ, một người đàn ông đạp chiếc xe rách bươm, phía sau buộc một thanh gỗ đeo lủng lẳng hai thùng nhựa cũng vừa tới. Người này dựng chân chống xe ngay trước miệng giếng, lục từ trong góc tường một cây chổi nhỏ rồi hì hụi quét dọn, làm sạch đống lá vừa rơi xuống quanh khu giếng. 

Đó là ông Huỳnh Ngọc Nổi, 54 tuổi, nhà ở thôn 3 xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Tính tới nay, ông Nổi đã tròn 41 năm sống bằng nghề đổ nước thuê cho bà con phố cổ.

Gánh cuộc đời trĩu nặng trên đôi vai

Ở giếng cổ Bá Lễ chúng tôi biết không riêng ông Nổi làm nghề đổ nước thuê. Nhưng một vài người tranh thủ lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập, nhiều người sắm hẳn cả thùng lớn, chạy xe máy lấy nước rồi đổ cho các mối lớn. 

Duy chỉ có ông Nổi là người vẫn coi giếng cổ là nơi mưu sinh suốt cả cuộc đời. Mấy chục năm nay, chưa một ngày đôi quanh gánh và vòng xe đạp của ông thôi cọc cạch trên những con phố đi bộ.

Ông Nổi cho biết ông được một bà mẹ ở bên kia sông Thu Bồn nhận về làm con nuôi từ nhỏ. Để nuôi ông và mấy anh em, lúc còn sống mẹ ông thường đi bộ qua phố cổ rồi múc nước giếng bán cho từng gia đình. Năm lên 13 tuổi, ông bắt đầu theo mẹ ra phố gánh nước rồi gắn bó cho tới nay.

Ông Nổi lôi từ trong túi áo danh sách tên, địa chỉ nhà hàng, các gia đình mà ông đổ nước hằng ngày. Các địa chỉ đó ông lui tới suốt mấy chục năm nay, thuộc làu từng thành viên trong các gia đình mà ông đổ nước thuê, nhưng ông phải ghi chép lại để "ghi sổ nợ". 

Ông nói đa phần khi đến đổ nước, chủ nhà đều trả tiền tại chỗ, nhưng có nhiều chủ nhà không sẵn tiền lẻ hoặc cứ đổ đều đặn rồi tới tháng lấy.

Phố cổ Hội An bé bằng lòng bàn tay, nơi xa nhất cũng chỉ đi chưa tới 2 cây số nên mọi người trong phố cổ ông đều biết và họ cũng nhẵn mặt ông. Mỗi sáng ông đạp xe tới giếng cổ rồi quét dọn khuôn viên, thắp que hương ở góc bàn thờ đặt kế bên. 

Để múc được nước, ông Nổi phải dùng gàu kéo bằng dây thừng. Nước từ đáy giếng ở độ sâu chừng 10m, sóng sánh và trong lành được lấy lên rồi đổ thẳng vào một màng vải lọc cặn đặt ở đầu miệng chiếc can. 

Ông Nổi múc cho tới lúc cả hai chiếc can nhựa đầy nước rồi móc lên thanh gỗ đặt sau yên xe. Những mẻ nước như vậy sẽ được đổ tới các gia đình có nhu cầu.

Ông Nổi cho biết mấy chục năm nay gánh nước của ông đã nuôi sống cả gia đình. Nếu như một gánh nước gánh quặt vai, mất rất nhiều sức lực để bán tới nhà người dùng thì tiền công ông nhận lại cũng được rất ít. 

Mỗi can nước 40 lít, chủ nhà hàng, các gia đình sẽ trả cho ông 5.000 đồng. Mỗi lượt đi ông đổ được 2 chiếc can, tổng cộng nhận được số tiền 10.000 đồng. 

Ở những ngày dịch giã, "người khôn của khó" như thế này, thật khó để nói rằng những can nước ngọt có thể là một nghề và giúp nuôi sống một gia đình. Nhưng ông bảo rằng so với các công việc như đi phụ hồ, chạy xe ôm… thì nghề đổ nước của ông vẫn "nhẹ cái thân" hơn.

Ngoài đôi quang gánh đổ nước hằng ngày, mấy chục năm nay "cần câu cơm" gắn với nghề của ông Nổi mỗi ngày là chiếc xe đạp được sắm từ năm ông 27 tuổi. Ông kể trước đây ông đi bộ để đổ nước, nhưng dành dụm được 100.000 đồng thì sắm chiếc xe đạp của Pháp rồi về mưu sinh từ đó tới nay. 

Năm nay ông Nổi 54 tuổi thì chiếc xe đạp cũng gắn với ông một nửa thời gian trên cuộc đời. 

"Nó quá già yếu, đạp cứ run lên bần bật và hư hỏng liên miên nhưng hư cái gì tui thay cái đó. Giờ phần xe gốc chỉ còn lại bộ khung nhưng cũng lung lay, nứt vỡ rất nhiều lần rồi, tui lại đi hàn lại. Cứ hở chỗ nào thì hàn chỗ đó, tui bết sơn vào để xe bớt tét gỉ" - ông Nổi nói về chiếc xe gắn liền với can nước phận đời.

Riêng ông Quốc có một danh sách chừng 15 gia đình, chủ nhà hàng thường xuyên nhận đổ nước. Công việc của ông chỉ loanh quanh nửa buổi sáng là xong và chừng ấy thời gian cũng giúp ông kiếm được khoảng 100.000 đồng.

Thời gian còn lại, ông về loanh quanh ở nhà, vợ thì đi làm thuê. Hai con lớn đã tự lập được, khoản tiền hai vợ chồng kiếm được mỗi ngày cũng đủ đắp đổi.

Ông bảo trước khi dịch COVID-19, du lịch Hội An rất đông đúc nên các nhà hàng ăn uống kêu đổ nước liên tục. Có ngày ông gánh hết cả hơi, kiếm được vài ba trăm ngàn. Nhưng nay dịch giã, nhà hàng đóng cửa, chỉ còn lại chừng 10 hộ gia đình gọi nước để ăn uống hằng ngày. 

Thấy ông khổ, nhiều bà con mỗi khi trả tiền thường cho thêm...

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuê - Ảnh 2.

Ông Nổi ra phố đổ nước mưu sinh - Ảnh: B.D.

Gánh nước thuê đi vào Kỷ lục Việt Nam

Gánh nước thuê ở Hội An được coi là một nghề hẳn hoi và từng có rất nhiều gia đình sống dựa vào nghề lạ lùng này. Thói quen uống nước giếng cổ từ mạch nước ngầm tự nhiên của người Hội An gốc đã giúp nghề này tồn tại, người làm đa phần là các gia đình không có công việc ổn định, cuộc sống khó khăn.

Tất cả người gánh nước đều lấy nguồn từ giếng cổ Bá Lễ. Do thu nhập thấp, lại vất vả nên tới nay ngoài ông Nổi thì chỉ còn một vài người duy trì nghề, tuy nhiên họ đi đổ nước không thường xuyên.

Năm 2014, tổ chức Kỷ lục Việt Nam từng ghi nhận một người gánh nước ở giếng cổ Bá Lễ là người gánh nước thuê lâu đời nhất Việt Nam. Người này là cụ Nguyễn Đường (hiện đã qua đời, nhà kế bên giếng cổ Bá Lễ) - gánh nước thuê từ năm 1975 tới năm 2018, năm 2019 cụ Đường qua đời ở tuổi 90.

Khi cụ Đường mất, con trai của cụ là ông Nguyễn Quốc tiếp tục kế nghiệp, thay cha gánh nước đi đổ cho người dân trong phố cổ hằng ngày.

Mỗi ngày chạy cả 20km, những người chạy dây keo (bện thừng) như vận động viên chạy bộ bởi sự dẻo dai và bền bỉ. Kiếm tiền nhờ chạy, tưởng đùa mà là nghề kiếm tiền thật.

Kỳ tới: Kiếm tiền nhờ … chạy dây

Người giữ nghề gánh nước ở Hội AnNgười giữ nghề gánh nước ở Hội An

TTO - Phố cổ Hội An có câu chuyện một người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam được xác lập Kỷ lục Việt Nam vào năm 2014. Cứ ngỡ rằng cái nghề đầy thân phận ấy sẽ chẳng có ai nối nghiệp, nhưng nay lại có một truyền nhân.

Xem thêm: mth.65250900003601202-euht-coun-hnag-ehgn-1-yk-ial-tos-noc-meih-ehgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuê”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools