Sáng nay, 30-6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 3,84%, trong đó nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh, đạt kết quả cao vượt kế hoạch đề ra với trên 24,23 tỷ USD, thặng dư thương mại 3,14 tỷ USD.
Lo ngại COVID-19 ảnh hưởng vựa tôm, cá
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, 6 tháng đầu năm lĩnh vực thủy sản đạt tăng trưởng tích cực, nhưng lo ngại những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều tình huống bất lợi của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19, giá nguyên liệu, vật tư phục vụ cho ngành, cước tàu biển, container rỗng... tăng.
Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh: AH
"Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, anh em báo về cho biết rất lo ngại nếu xuất hiện F1, F0 trong các khu công nghiệp, như vậy thì ảnh hưởng rất lớn vì đây là vùng sản xuất tôm cá lớn của cả nước" - ông Luân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đánh giá: Có lẽ trước mắt chúng ta phải làm quen dần với diễn biến của dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 đã dẫn đến sự bất cân xứng về thị trường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, cơ cấu thị trường Mỹ đã vượt qua thị trường Trung Quốc. Cạnh đó, thị trường trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM, hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hàng hóa, nông sản rất khó tiêu thụ.
"Giải pháp lúc này mà Bộ đã chỉ đạo là làm quen dần với việc xúc tiến tiêu thụ hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử" - ông Toản cho biết.
Với các sản phẩm vào mùa vụ thu hoạch, ông Toản cho hay vừa rồi đã làm việc với ba tỉnh Sơn La, Đồng Tháp, Vĩnh Long với ba nhóm sản phẩm là khoai lang, ớt, xoài.
"Chúng tôi đã làm việc với các Tham tán Việt Nam tại Trung Quốc và hội nghị trực tuyến với các tỉnh để tháo gỡ vấn đề. Riêng với sản phẩm nhãn, từ tháng 7-9, dự kiến có khoảng 100.000 tấn; ớt ở Đồng Tháp có 47.000 tấn; rau trái vụ ở Lào Cai cũng vào tháng 7-8, chúng tôi sẽ bám sát để giải quyết, tháo gỡ".
Thông tin thêm, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết đến nay, giá phân bón vẫn liên tục lập đỉnh cao. Để giải quyết, Cục đã làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh phân bón. Các doanh nghiệp cho biết trong sáu tháng qua đều tăng sản lượng sản xuất phân bón từ 15-30%.
"Chúng tôi đã đàm phán với các đơn vị giảm giá vật tư nguyên liệu đầu vào để không tăng theo giá thị trường, giảm sản lượng xuất khẩu phân bón, lấy số lượng đó để phục vụ nhu cầu trong nước" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Kinh nghiệm từ quả vải Bắc Giang
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt kiến nghị, để khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, ứ đọng nông sản, cần phát huy kinh nghiệm từ trường hợp quả vải ở Bắc Giang.
Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh:V.A
"Nếu Bộ trưởng cho phép thì chúng tôi kiến nghị Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản phối hợp cùng Cục Trồng trọt rà soát đánh giá một số cây trồng chủ lực có diện tích lớn, sản xuất tập trung từ các địa phương. Sau đó có kế hoạch triển khai thông tin kết nối thị trường, cung cấp thông tin để làm sao một số cây ăn quả, giống như quả vải ở Bắc Giang được tiêu thụ tốt, thì dần dần sẽ hạn chế được tình trạng được mùa rớt giá" - ông Cường nói.
Từ câu chuyện giá phân bón tăng cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã xem một số bản tin trên báo chí, phản ánh về tình trạng giá phân bón cao khiến người nông dân gặp khó khăn. Một số người nông dân đã chuyển sang dùng phân hữu cơ, nhờ vậy chi phí đầu vào giảm và giá trị nông sản lại tăng lên.
Về câu chuyện quả vải thiều ở Bắc Giang, Bộ trưởng cho rằng vấn đề không phải tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà là mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững.
"Bộ NN&PTNT cùng các bộ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động. Đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung - cầu. Cạnh đó cần tính toán lại thời vụ, tránh trùng thời vụ với nước mà chúng ta xuất khẩu nông sản qua, thậm chí là những nước thứ ba xuất khẩu sang thị trường đó.
Nếu làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin cung - cầu thì chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch COVID-19" - Bộ trưởng nhấn mạnh.