Chiều 30.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra về công tác cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế.
Báo cáo với Phó thủ tướng, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu những khó khăn trong công tác mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế.
Về thuốc, Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ thiếu thuốc biệt dược, thuốc hiếm mà còn thiếu cả thuốc cấp cứu, thuốc rẻ tiền do không có người đấu thầu. Nếu lấy thuốc sử dụng năm trước để lập kế hoạch cho năm sau như 2 năm dịch vừa qua thì năm nay mua sẽ thiếu. Hoặc với những thuốc hiếm mua về nhưng không có ca bệnh sử dụng (do bệnh nhân mất) thì bị xem là lãng phí. Với các nước, họ có kho dự trữ quốc gia, nếu thuốc hiếm quá hạn thì không tính vào lãng phí. Những thuốc được mua 20% theo hợp đồng thầu cũ thì chỉ dùng vài ngày là hết.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, thứ trưởng Bộ Y tế tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 30.6 duy tính |
Còn trang thiết bị y tế, khi mua sắm thì phải dựa vào định mức chung cho các bệnh viện trên toàn quốc. Nếu như bệnh viện căn cứ theo số ca chụp chiếu hàng ngày để mua sắm thì máy CT scanner của bệnh viện mua sẽ lên vài chục máy, điều này dẫn đến khó khăn.
Ngoài ra, thời gian gần đây bệnh viện chào giá trên cổng thông tin điện tử thì hầu như các thiết bị nhà thầu không chào giá hoặc chào không đủ báo giá cạnh tranh để lập kế hoạch mua sắm.
“Máy CT scanner chúng tôi chụp với số lượng rất lớn, với 1 bóng đèn máy CT thì chỗ khác xài 1 năm chưa hư, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy xài 3 tháng là hư. Nhưng khi mua thì phải mua bóng đèn đồng bộ với máy, nếu vậy thì dính chỉ định thầu, còn không mua đồng bộ thì xem như máy trùm mền. Chuyện này giống như máy mượn, máy đặt nhưng đấu thầu hóa chất”, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Mặt khác, lý do thiếu thuốc, vật tư y tế một phần cũng là do bệnh nhân các tỉnh chuyển lên nhiều. Như stent bệnh viện mua dự trù 6 tháng nhưng chỉ 2 tháng thì hết.
Từ thực trạng trên, TS-BS Nguyễn Tri Thức đề xuất Phó thủ tướng, Bộ Y tế 2 việc: Thứ nhất cho bệnh viện kéo dài hợp đồng đấu thầu rộng rãi thêm 6 tháng hoặc 1 năm đối với thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, một số thiết bị, vệ sinh công nghiệp, suất ăn đã hết hạn trong vòng 1 năm… để giải quyết kịp thời nhu cầu cho bệnh nhân. Thứ 2, trong luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu trong tình huống cấp bách, như vậy rõ định nghĩa như thế nào là tình huống cấp bách? Nên chăng giao cho cấp ủy cùng cấp để xác định tình trạng khẩn cấp và được phép chỉ định thầu hay không?
Bệnh nhân BHYT phải ra ngoài mua thuốc duy tính |
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện các bệnh nhân đang thiếu thuốc, vật tư tiêu hao thì các Bệnh viện Chợ Rẫy phải xây dựng danh mục thuốc, số lượng để mua sắm. Còn vật tư tiêu hao thì bệnh viện căn cứ vào nhu cầu để xây dựng chủng loại, số lượng để mua. Đấy là trách nhiệm của bệnh viện, và cứ tháng 10 năm trước thì lập kế hoạch cho năm sau.Còn về trang thiết bị y tế thì căn cứ vào định mức của Bộ Y tế để lập kế hoạch mua sắm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng cảm với bệnh viện trong tình hình hiện nay. Ông yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện thuộc Bộ kiến nghị, sau đó Bộ Y tế trình nghị quyết trong tình trạng khẩn cấp thiếu thuốc, vật tư, trong đó đưa ra thực trạng, giải pháp, thời gian thực hiện, trình Chính phủ thì sẽ được đồng ý.
Theo Phó thủ tướng, Bộ Y tế cần mạnh dạn trong phạm vi trách nhiệm. Cần thực hiện mua sắm thuốc một cách khoa học, hiệu quả, tiết kiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Với máy móc thì quy định rõ ràng để mua sắm, khai thác hiệu quả.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị nội dung trình bày trước 63 tỉnh, thành trong họp Chính phủ sắp tới. Theo đó, nội dung thứ nhất là nói rõ về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị; thứ hai là thực trạng cán bộ y tế bỏ việc; thứ 3 tâm tư nguyện vọng và thu nhập của cán bộ y tế. Ngoài ra là nội dung phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc xin Covid-19, các giải pháp khắc phục tình trạng như trên.