Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 vừa chính thức ban hành, với nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Một trong những yêu cầu mà nghị quyết đặt ra đó là kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp... sử dụng đất không đúng mục đích; nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái.
Thực tế thời gian qua, câu chuyện quản lý đất đai lỏng lẻo khiến đất bị bỏ hoang không phải là mới, nhưng vẫn luôn là vấn đề nóng, được gọi là "điểm đen" trong quản lý đất đai. Ước tính cả nước có trên 3.200 dự án với diện tích lên tới trên 85.200 ha đã được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng nhưng chủ đầu tư các dự án đã chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng trong nhiều năm, thậm chí có nơi là vài chục năm. Đất đã ngủ yên trong hoang hoá hoặc sử dụng sai mục đích.
Hệ lụy mà ai cũng thấy đó là cuộc sống của người dân trong vùng dự án bị đảo lộn, mà người dân tự gọi là "cuộc sống treo" trong chính "các dự án treo".
"Cuộc sống treo" trong các "quy hoạch, dự án treo"
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh hay còn gọi là khu cư dân Mả Lạng, quận 1, TP Hồ Chí Minh từng được biết đến như một khu "ổ chuột" giữa lòng thành phố bởi tính phức tạp và là tụ điểm của nhiều tệ nạn xã hội.
Tại khu cư dân này có những căn nhà cũng tới gần 10m2 nhưng có đến 2 - 3 thế hệ với gần chục con người chen chúc sinh sống. Đa phần người dân ở đây là dân lao động như: Chạy xe ôm, phụ hồ, bán vé số… xen lẫn đó là những người đã sống ở đây cả 3 - 4 thế hệ.
Với suy nghĩ dù diện tích nhỏ nhưng xây lên cao thì gia đình vẫn ở đủ. Còn nếu đền bù thì số tiền đền bù sẽ không mua nổi một căn chung cư tái định cư ở bất cứ thành phố nào tại thời điểm này nên không ai muốn chuyển đi.
Khu cư dân Mả Lạng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Năm 2000, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và là một trong những chiến lược đột phá của thành phố trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư nhưng sau đó không đủ khả năng thực hiện.
Năm 2007, thành phố tiếp tục chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Và sau gần 20 năm vẫn cứ thế, thỉnh thoảng người dân cũng thấy cán bộ phường, cán bộ quận đến thông kê, đo đạc rồi lại đi về.
Đất bỏ hoang sau cổ phần hóa
Tại Hà Nội vẫn còn tới hơn 400 dự án treo lâu năm mà loay hoay mãi vẫn chưa thể thu hồi. Hàng nghìn mét vuông, thậm chí nhiều ha đất ở các khu trung tâm kinh tế đang bị những ông chủ sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nước bỏ rơi, bỏ hoang.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện công tác thống kê mới chỉ dừng ở diện tích đất giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý. Còn vấn đề sử dụng ra sao, hiệu quả trên diện tích đất như thế nào vẫn chưa có con số đầy đủ. Chính việc này cũng đẫn tới tình trạng khó khăn trong quản lý, xử phạt và thu hồi các khu đất sử dụng sai mục đích.
Hơn 2.200 m3 đất vàng tại phố Lò Đúc - trung tâm Hà Nội là khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm nay cả khu đất chỉ toàn cây dại, nhà xưởng bị bỏ hoang, hoen rỉ. Đất vàng nhưng không thể đẻ ra vàng, thậm chí nó trở thành nơi xả thải của những người thiếu ý thức, bất chấp những tấm biển cấm được dựng suốt dọc suốt tuyến phố.
Trong quá trình làm việc, Kiển toán Nhà nước đã ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bằng nhiều thủ đoạn như bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá hay cố tình buông lỏng quản lý.
Ðáng chú ý còn xuất hiện tình trạng "tư nhân hóa" đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo "quy trình tắt", không công khai và không qua đấu giá.
Tại Hà Nội vẫn còn tới hơn 400 dự án treo lâu năm mà loay hoay mãi vẫn chưa thể thu hồi.
Việc thu hồi các dự án "treo", bỏ hoang là không hề dễ dàng nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó chấm dứt tình trạng thu hồi nhỏ giọt và tạo thêm dư địa cho phát triển từ những tài nguyên đã bỏ phí lâu năm.
Nghị quyết 18 đã đề ra những định hướng quan trọng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, để mỗi "tấc đất, tấc vàng" thực sự đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã có những phân tích và bình luận liên quan đến các vấn đề trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!