Sri Lanka "chưa bao giờ khủng hoảng tồi tệ đến mức này"
Sri Lanka, quốc gia Nam Á hiện đang đối mặt với khủng hoảng trầm trọng sau khi tuyên bố vỡ nợ, mới đây vừa thông báo sẽ đóng cửa các trường học và chỉ bán xăng dầu cho các dịch vụ thiết yếu, như y tế, tàu hỏa, xe buýt trong vòng 2 tuần kể từ ngày 27/6 đến 10/7, Reuters đưa tin.
Đây là nỗ lực mới nhất của Sri Lanka nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng. Ông Bandula Gunewardena - người phát ngôn của chính phủ Sri Lanka - hôm 27/6 cho biết: "Từ trước tới nay, Sri Lanka chưa bao giờ đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ đến mức này".
Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka hiện ở mức thấp kỷ lục, và quốc gia 22 triệu dân đang phải vật lộn để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Các ngành công nghiệp như may mặc, một ngành đem lại nhiều ngoại tệ ở Sri Lanka, chỉ còn lại nhiên liệu trong khoảng một tuần đến 10 ngày. Theo tính toán của Reuters, các kho dự trữ hiện có của nước này sẽ cạn kiệt chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
Người dân Sri Lanka được khuyến khích làm việc tại nhà khi trường học đóng cửa và nguồn dự trữ nhiên liệu sắp cạn kiệt.
Ảnh: Reuters
Ông W.D. Shelton, một tài xế 67 tuổi lái xe lam tại Sri Lanka cho biết ông đã xếp hàng chờ 4 ngày để mua nhiên liệu.
"Tôi không thể ăn hay ngủ tử tế trong những ngày này", ông Shelton nói, "Chúng tôi không thể kiếm tiền, cũng không thể nuôi gia đình".
Theo Reuters, chính phủ Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ, nhưng nhiều người không thể đợi lâu đến vậy và nhu cầu về hộ chiếu đã tăng vọt.
Anh trai của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã từ chức thủ tướng vào tháng trước sau khi các cuộc đụng độ giữa hai phe ủng hộ và chống chính phủ trở nên bạo lực trên toàn quốc, khiến 9 người chết và khoảng 300 người bị thương.
Trong khi đó, Reuters nhận định rằng tình trạng thiếu nhiên liệu leo thang có thể dẫn đến một làn sóng biểu tình mới.
Sri Lanka cử 2 bộ trưởng sang Nga giữa khủng hoảng
Theo nguồn tin của trang ABC News (Mỹ), Sri Lanka sắp cử hai bộ trưởng tới Nga để đàm phán về dầu mỏ, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu của nước này sắp cạn kiệt.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Washington và các đồng minh dự định cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga do những lệnh trừng phạt và cấm vận. Kể từ sau khi xung đột Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, giá dầu toàn cầu đã tăng vọt khiến một số quốc gia tìm kiếm dầu thô đang được giảm giá mạnh của Nga.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera, hai bộ trưởng này sẽ tới Nga vào đầu tuần tới để tiếp tục các cuộc đàm phán của nước này với Moskva về vấn đề nhập khẩu nhiên liệu trực tiếp và những vấn đề liên quan khác.
Ảnh: Reuters
Sri Lanka hiện vẫn giữ thái độ trung lập về xung đột Ukraine. Tuy nhiên ông Wijesekera cho biết Bộ Ngoại giao và Đại sứ Sri Lanka tại Nga đang thu xếp việc mua nhiên liệu của Nga, vì Sri Lanka "có lợi thế khi mua dầu trực tiếp từ chính phủ Nga hoặc các công ty Nga. Những cuộc đàm phán đang diễn ra".
Tháng trước, Sri Lanka đã mua 99.000 tấn dầu thô của Nga để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này, ông Wijesekera cho biết.
Ông Wijesekera đã kêu gọi người dân không nên đi xếp hàng mua nhiên liệu, vì chính phủ sẽ chỉ phân phối một lượng hạn chế cho một số trạm nhiên liệu nhất định trong tuần tới, cho tới khi lô nhiên liệu tiếp theo được giao đến nước này.
Theo ABC, người dân Sri Lanka đã phải xếp hàng hàng giờ và thậm chí là hàng ngày để có được nhiên liệu. Có những người phải dùng đến than củi hoặc lá cọ để nấu ăn.
Nguồn tin của Reuters cho biết, ngoài nhiên liệu, Sri Lanka đang đối mặt với khả năng cạn kiệt các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là gạo. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka cần khoảng 5 tỷ USD để thanh toán tiền mua hàng nhập khẩu bao gồm nhiên liệu, phân bón và thực phẩm./.
https://soha.vn/quoc-gia-chau-a-khung-hoang-toi-te-chua-tung-co-2-bo-truong-sang-nga-dam-phan-mua-dau-20220628224314209.htm