Hình minh họa: WBUR.ORG
Thiếu thuốc và vật tư y tế ở hầu hết cơ sở y tế, từ trạm y tế đến các bệnh viện tuyến cuối, từ các loại thông thường nhất cho đến các loại đặc biệt. Chuyện gì đang xảy ra?
"Có tiền cũng không mua được thuốc", câu nói cám cảnh nhưng gần như phản ánh đầy đủ thực trạng thiếu thuốc điều trị hiện nay. Từ vụ thiếu kháng nọc độc rắn cạp nia khiến bé gái 4 tuổi chết tức tưởi, hàng loạt loại thuốc khác cũng được liệt kê thiếu như kháng sinh, gây nghiện, hướng thần, tim mạch, cao huyết áp, nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền, thải ghép, đồng vị phóng xạ... Đặc biệt, mới nhất là thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, vốn đang dấy lên nhiều lo ngại bởi dịch đang bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam.
Cũng chỉ vì thiếu thuốc, nhiều năm nay người bệnh ung thư phải chịu không biết bao nhiêu tốn kém cất công đi khắp nơi, hoặc bay ra nước ngoài để được chụp PET/CT (chẩn đoán ung thư). Có không ít người mất hẳn thời gian vàng điều trị, hoặc mãi ra đi khi không thể chờ đợi ngày được chụp.
Không chỉ thuốc, tình trạng thiếu vật tư y tế cũng đang "bó tay, bó gối" nhân viên y tế khi điều trị bệnh. Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện công ở TP.HCM kể có người thân đi nội soi, song đồng nghiệp khuyên nên đưa ra ngoài làm với giá 3 - 4 triệu đồng, bởi cả cái găng tay bệnh viện cũng không còn.
Thiếu vật tư cũng gián tiếp khiến hàng loạt cỗ máy phẫu thuật bằng robot trị giá hàng triệu đô "trùm mền". Bác sĩ không phát triển được chuyên môn kỹ thuật, người bệnh vì thế cũng mất đi cơ hội được điều trị bệnh tối ưu.
Hậu quả của việc này càng trở nên báo động, khi con số khảo sát của Bộ Y tế mới đây cho thấy có đến 28/34 sở y tế thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc tại đơn vị; 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất cho xét nghiệm.
Đặc biệt có đến 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu trong phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm...
Đã có nhiều cuộc họp khẩn với sự "nóng ruột" của người đứng đầu Chính phủ; có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan được Bộ Y tế đưa ra, kèm theo đó là nhiều giải pháp được quán triệt. Nhưng trước khi chờ có sự thay đổi căn bản của hệ thống y tế trong việc giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ điều trị từ sớm, từ xa; các bộ ngành liên quan cần xắn tay cùng ngành y tế giải quyết ngay những điều vốn dĩ bình thường nhất như người bệnh có viên thuốc để uống, bác sĩ có đôi găng tay để phẫu thuật.
Cần phải dẹp bỏ ngay tâm lý "sợ trách nhiệm, sợ sai, sợ thanh tra kiểm tra", từ đó "không dám làm, không dám mua sắm" của nhiều cán bộ và địa phương bằng cơ chế thật rõ ràng. Có như vậy, người bệnh sẽ bớt đi thời gian chờ đợi, bệnh viện bớt phải kêu than và bác sĩ sẽ có đủ "vũ khí" để toàn tâm thực hiện trọng trách cao cả của mình là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
TTO - Gia hạn các hợp đầu trúng thầu trước đây từ 6 tháng đến 1 năm và xác định thế nào là "tình huống cấp bách" là 2 vấn đề được giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc chiều 30-6.
Xem thêm: mth.23114537010702202-ohc-eht-gnohk-hneb-iougn/nv.ertiout