Các chỉ số chạm đáy tại thị trường chứng khoán Mỹ ngày 30-6 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, chỉ số Dow Jones giảm 0,82%, chỉ số S&P 500 mất 0,88% trong khi Nasdaq giảm 1,33%. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã mất 20,6% giá trị, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1970.
Chứng khoán toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 1,5%, còn chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,95%.
Những lo ngại lan sang các mặt hàng khác với giá dầu thô giảm 3%, dầu Brent giao tháng 9-2022 có giá 109 USD/thùng, trong khi giá dầu tại Mỹ còn 105,7 USD/thùng. Vàng cũng giảm 0,5% xuống 1.807 USD/ounce.
Bất chấp các biện pháp nâng lãi suất mạnh để kiềm chế giá cả kể từ đầu năm đến nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), báo cáo ngày 30-6 của cơ quan thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng không tăng như kỳ vọng trong tháng 5-2022.
Trong khi đó, việc tăng lãi suất và các biện pháp thắt chặt tài chính thổi bùng lo ngại về suy thoái.
"Lạm phát không phải điều chúng ta không cần lo lắng nữa rồi. Nó dự kiến sẽ còn kéo dài", nhà chiến lược đầu tư Sam Stovall tại New York nói.
"Tâm trạng thị trường bị chi phối bởi khả năng suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Điều đó rất tiêu cực", báo Financial Times dẫn lời ông Bastien Drut, chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản CPR có trụ sở ở Paris, nhận định.
Các nhà kinh tế cho rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng lớn và thị trường sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Chuyên gia Jim Reid của Deutsche Bank cho rằng thị trường chứng khoán có thể giảm 35 - 40% so với mốc tháng 1-2022, tức mức giảm hiện tại chỉ mới là "nửa đường".
FED đến nay vẫn tin vào công cụ nâng lãi suất để hạ nhiệt kinh tế, cho rằng nếu không nhanh chóng kiểm soát lạm phát thì kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn khi giá cả tăng vượt kiểm soát. "Quá trình sẽ đau đớn nhưng nỗi đau tệ nhất sẽ là khi không thể xử lý lạm phát và để nó kéo dài", chủ tịch FED Jerome Powell nói.
Tại châu Âu, các chính trị gia mới đây cũng cảnh báo kỷ nguyên của lãi suất thấp và lạm phát vừa phải đã chấm dứt. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ nối gót Mỹ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011 vào tháng 7-2022.
TTO - Trong khi các nhà kinh tế, chuyên gia tin chắc rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở sát mép vực suy thoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông vẫn khẳng định đó không phải điều "không thể tránh khỏi".
Xem thêm: mth.84720719010702202-0791-man-ut-ek-yad-mahc-ym-naohk-gnuhc/nv.ertiout