Lạm phát và lãi suất tăng nhanh đã khiến đà lao dốc kéo dài hàng tháng trời, khiến gần như ngóc ngách nào của thị trường cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số S&P 500 đã giảm 21% từ đầu năm tính đến ngày 30/6, ghi nhận diễn biến tồi tệ nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 1970, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data. Trái phiếu hạng đầu tư – được theo dõi bởi quỹ ETF iShares Core U.S. Aggregate Bond, mất 11% và có 6 tháng đầu năm tệ nhất trong lịch sử.
Cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi cũng sụt giảm mạnh do tăng trưởng giảm tốc. Ngoài ra, tiền số cũng chìm trong cơn bán tháo, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như các quỹ phòng hộ chịu thiệt hại nặng nề. Hàng hóa là loại tài sản duy nhất tăng giá trong nửa đầu năm nay. Giá dầu tăng vượt 100 USD/thùng và giá xăng tại Mỹ cũng đạt kỷ lục khi giảm nhập khẩu từ Nga.
Hiện tại, nhà đầu tư dường như chỉ đồng tình về một điều: Tương lai vẫn còn nhiều biến động. Nguyên nhân là bởi các NHTW từ Mỹ đến Ấn Độ, New Zealand có kế hoạch tiếp tục nâng lãi suất để kìm cương lạm phát. Những động thái như vậy có thể kéo tụt đà tăng trưởng và đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái, tạo biến động cho thị trường.
Mọi loại tài sản từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến Bitcoin đều rớt giá trong năm nay.
Katie Nixon – CIO của Northern Trust Wealth Management, cho biết: "Rủi ro lớn nhất bây giờ là lạm phát và Fed." Nixon nói thêm, bà sẽ theo dõi sát sao các số liệu kinh tế để đánh giá tốc độ điều chỉnh lãi suất ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế trong vài tháng tới.
Công ty của bà vẫn tiếp tục "bám trụ" với cổ phiếu Mỹ, đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại chứ không suy thoái. Northern Trust Wealth Management cũng đầu tư vào các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên để tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát kéo dài hơn dự kiến.
Tin tốt lành cho nhà đầu tư là thị trường không phải lúc nào cũng có diễn biến tiêu cực sau nửa đầu năm biến động. Trên thực tế, những gì diễn ra trong lịch sử lại cho thấy điều ngược lại. Khi S&P 500 giảm ít nhất 15% trong 6 tháng đầu năm, tương tự như các năm 1932, 1939, 1940, 1962 và 1970, chỉ số này lại tăng trung bình 24% trong nửa cuối năm, theo Dow Jones Market Data.
Một lý do khiến thị trường "quay đầu" sau những đợt lao dốc mạnh đó là nhà đầu tư nắm lấy cơ hội để bắt đáy. Theo cuộc khảo sát của Bank of America, các nhà quản lý quỹ hiện nắm giữ khối lượng tiền mặt cao hơn mức trung bình trong khi nắm giữ ít cổ phiếu hơn mức trung bình, do bi quan về triển vọng kinh tế. Những yếu tố trên, cộng với việc thị trường đang ở tình trạng "quá bán" (oversold) sẽ tạo cơ hội lớn cho đợt phục hồi trong thời gian tới.
Song, ngay cả những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội mua vào trong thời điểm gần đây cũng cho biết họ đang tập trung vào những công ty cụ thể, thay vì mua một cách "dễ dãi". Họ cho biết môi trường kinh tế hiện tại – với lạm phát cao, chi phí đi vay tăng và tăng trưởng dự kiến chậm lại, khiến nhiều lĩnh vực có thành tích kém vượt trội.
Diễn biến của S&P 500 trong thời điểm nửa đầu năm.
Các nhà kinh tế được WSJ khảo sát hồi tháng 6 cho biết họ dự đoán khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 44%, trong khi hồi tháng 1 là 18%.
Ngoài ra, dựa vào những động thái trước đây, Fed cũng khó có thể thực hiện đợt "soft landing". Theo nghiên cứu của Fed St. Louis về các chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ những năm 1980, Mỹ đã rơi vào suy thoái 4 lần trong 6 lần Fed bắt đầu tăng lãi suất.
Lauren Goodwin – nhà kinh tế và chiến lược gia danh mục đầu tư tại New York Life Investments, cho hay: "Con đường để Fed thực hiện đợt soft landing không chỉ chật chội mà còn quanh co và gập ghềnh."
Bà nói thêm, dù chi tiêu hộ gia đình và bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp tương đối vững chắc, nhưng nền kinh tế khó tránh được suy thoái vào năm tới. Bà nhận định: "Môi trường hiện tại có lẽ đã khiến nhiều hộ gia đình cảm thấy rằng suy thoái đã xảy ra."
Những yếu tố bi quan như vậy đã khiến nhà đầu tư rơi vào tình thế khó khăn. Nền kinh tế không suy thoái, nhưng nhiều người dự báo viễn cảnh tiêu cực đó sẽ xảy ra vào năm tới hoặc sau đó. Các khoản đầu tư truyền thống mà nhiều nhà đầu tư thường tìm đến trong đợt bán tháo, như tiền mặt, các MMF hay trái phiếu chính phủ, lại không tăng giá tốt trong năm nay do ảnh hưởng của lạm phát.
Các nhà đầu tư cho biết, phần lớn triển vọng của họ trong thời gian còn lại của năm phụ thuộc vào việc Fed sẽ kiềm chế lạm phát nhanh như thế nào và cuối cùng nền kinh tế sẽ giảm tốc đến mức nào.
Amber Fairbanks – giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Mirova US, cho biết: "Rất nhiều điều không chắc chắn vẫn còn đó và tôi nghĩ rằng tình trạng này được thể hiện trong sự biến động của thị trường."
Tham khảo WSJ
http://tintuc.vdong.vn/07/1408579.htm