Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau bài phát biểu tại buổi lễ nhậm chức của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS
Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc vào mùa hè năm 1997 để trở thành một đặc khu hành chính của đại lục dưới nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Tuy nhiên, các nước phương Tây nhiều lần bày tỏ quan ngại sau khi Bắc Kinh công bố luật an ninh quốc gia mới vào năm 2020. Mới nhất, ngày 29-5, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Trung Quốc đã không đáp ứng các cam kết bàn giao.
Phía Trung Quốc đại lục và Hong Kong bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng luật an ninh quốc gia phục vụ mục đích "khôi phục trật tự" để thành phố có thể phát triển thịnh vượng.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 1-7, ông Tập khẳng định nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" đã thành công dưới "quyền tài phán toàn diện" của Trung Quốc.
"Đối với hệ thống tốt như thế này, không có lý do gì để thay đổi nó. Hệ thống này phải được duy trì lâu dài", ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: "Sau khi trải qua mưa gió, mọi người đều đau lòng nhận thấy rằng Hong Kong không nên hỗn loạn và tuyệt đối không được trở nên hỗn loạn một lần nữa. Sự phát triển của Hong Kong không thể bị chững lại một lần nữa và mọi sự can thiệp phải được loại bỏ".
Ông Tập nói thêm Trung Quốc sẽ ủng hộ vai trò của Hong Kong như một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế.
Theo truyền thông, ông Tập không tham dự các buổi lễ chào cờ truyền thống vào ngày 1-7 và được cho đã trở về Thâm Quyến để qua đêm, sau khi đến Hong Kong ngày 30-6.
Đây là chuyến thăm Hong Kong đầu tiên của ông Tập kể từ năm 2017, khi ông dự lễ tuyên thệ nhậm chức của nhà lãnh đạo Hong Kong trước đây, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Thời điểm đó, ông Tập đã ở lại thành phố trong suốt chuyến đi.
TTO - Lễ kỷ niệm 25 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc; Ba Lan lên án hành vi phá hoại các ngôi mộ; Nga sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phân bón cho các nước thân thiện... là một số tin thế giới đáng chú ý sáng 1-7.