BA.4 và BA.5, hai biến thể phụ của chủng Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi đầu năm nay, nhanh chóng thống trị số ca nhiễm ở nước này và bắt đầu lan sang các nước khác. Đến tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa hai biến thể BA.4 và BA.5 vào danh sách cần theo dõi. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) phân loại BA.4 và BA.5 là các “biến thể cần quan tâm”.
Người dân TP New York (Mỹ) vẫn bị bắt buộc đeo khẩu trang ở một số địa điểm công cộng để phòng dịch, kể cả tàu điện ngầm, ngày 17-6. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Tốc độ lây lan đáng ngại của BA.4 và BA.5
Theo thông tin Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO - TS Maria Van Kerkhove đưa ra ngày 11-5 thì hai biến thể BA.4 và BA.5 đã xuất hiện ở 16 nước. Một tháng rưỡi sau đó (ngày 29-6), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết BA.4 và BA.5 đã lan ra 110 nước và khiến số ca nhiễm tăng báo động.
Tại nhiều nước châu Âu, số ca nhiễm tăng mạnh trong hai tuần gần đây.
Chẳng hạn Pháp ngày 15-6 ghi nhận 569 ca nhiễm/triệu dân thì đến ngày 29-6 con số này đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 1.262 ca nhiễm/triệu dân. Ý cũng tăng hơn gấp đôi, từ 403 ca nhiễm/triệu dân lên 1.004 ca nhiễm/triệu dân. Đức tăng từ 742 ca nhiễm/triệu dân lên 1.034 ca nhiễm/triệu dân… Dù chưa thống kê cụ thể số người nhiễm BA.4 và BA.5 nhưng các nước châu Âu này cho rằng chính hai biến thể này là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng mạnh, theo tờ Guardian.
Trong khi đó, theo số liệu Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cập nhật đến ngày 21-6, hai biến thể BA.4 và BA.5 lần lượt chiếm 22% và 39% tổng số ca nhiễm.
Còn tại Mỹ, số liệu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cập nhật ngày 25-6 cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 lần lượt chiếm 15,7% và 36,6% tổng số ca nhiễm. Đáng nói, tốc độ lây lan của hai biến thể này tại Mỹ rất nhanh. Tuần đầu tiên của tháng 5, BA.4 và BA.5 chiếm khoảng 1% tổng số ca nhiễm ở Mỹ nhưng chỉ bảy tuần sau con số này đã lên đến 52%. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) quan ngại rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 nữa vào mùa thu và mùa đông năm nay vì đà lây lan nhanh của các biến thể, khả năng miễn dịch vaccine giảm, người dân ở trong nhà nhiều hơn.
Trước nguy cơ dịch có thể bùng tiếp vào mùa đông năm nay, chính phủ Mỹ đã quyết định chi 3,2 tỉ USD để mua 105 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, trong đó một phần lớn là vaccine phiên bản cập nhật, để tiêm bổ sung cho dân.
Không thể lơ là vaccine
Dù có cấu tạo gần giống BA.2 - biến thể gây ra làn sóng Omicron ở hầu hết các nước vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, BA.4 và BA.5 có những đột biến nguy hiểm, như có khả năng bám vào tế bào vật chủ cao và né tránh kháng thể tốt hơn. Đặc tính lây lan mạnh của BA.4 và BA.5 khiến các nhà chức trách y tế lo rằng số ca nhập viện và tử vong sẽ tăng tỉ lệ thuận với số ca nhiễm.
Theo chuyên san khoa học Nature, nhiều nghiên cứu cho thấy các kháng thể tạo ra nhờ tiêm vaccine ít hiệu quả trong việc chống các biến thể BA.4 và BA.5, so với chống các biến thể trước đó của chủng Omicron. Do đó, người đã được tiêm hai liều vaccine hay thậm chí được tiêm tăng cường cũng có nguy cơ bệnh trở nặng nếu bị nhiễm. Người có miễn dịch lai, tức là miễn dịch được tạo ra nhờ được tiêm vaccine và nhiễm các chủng COVID-19 trước đó, cũng có thể đối mặt với nguy cơ này.
Trong bối cảnh các loại vaccine hiện tại có khả năng không ngăn được nguy cơ gây bệnh nặng của các biến thể phát sinh từ chủng Omicron, ngày 30-6, FDA Mỹ thúc giục các nhà sản xuất đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm vaccine cập nhật để có thể chống được các biến thể BA.4 và BA.5.
Hai hãng Pfizer và Moderna vaccine đang đẩy nhanh tiến độ phát triển, thử nghiệm phiên bản vaccine nhằm vào BA.4 và BA.5. Theo lãnh đạo bộ phận nghiên cứu vaccine của Pfizer - bà Kathrin Jansen, hãng sẵn sàng ra mắt loại vaccine nhằm vào hai biến thể mới BA.4 và BA.5 vào đầu tháng 10. Còn Chủ tịch hãng Moderna Stephen Hoge cho biết dự kiến hãng sẽ cho ra loại vaccine mới vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 nhưng với điều kiện không yêu cầu dữ liệu lâm sàng, theo báo The New York Times.•
Vẫn cần duy trì tiêm vaccine
Hãng tin Reuters dẫn khuyến cáo của nhiều nhà khoa học rằng nên duy trì tiêm chủng tăng phản ứng miễn dịch, tăng khả năng bảo vệ cơ thể trước không chỉ các biến thể mới đang lưu hành hiện tại mà cả các biến thể trong tương lai.
Theo TS William Schaffner - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế ĐH Vanderbilt (Mỹ), không thể chủ quan với đường đi của COVID-19, vì dịch “đã đánh lừa chúng ta trong một số trường hợp”.