Ông Nguyễn Đức Chung - cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội - được giảm 3 năm tù nhờ gia đình nộp đủ 25 tỉ đồng khắc phục hậu quả trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định - Ảnh: DANH TRỌNG
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính trung ương hoặc VKSND tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa.
Ông Trí cho rằng cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa nhân văn và thuyết phục.
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với kiến nghị này và cho rằng cần có quy định cụ thể để người dân hiểu rằng không có nghĩa "ăn không được trả lại là xong".
- Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao):
Tránh "hy sinh đời bố củng cố đời con"
Kiến nghị của viện trưởng VKSND tối cao liên quan đến việc ưu tiên thu hồi tài sản, giảm xử lý hình sự rất đáng được xem xét và cần có sự phân hóa việc bồi thường, hoàn trả của các chủ thể vi phạm được thực hiện vào lúc nào. Kiến nghị này cũng thể hiện sự thay đổi về nhận thức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thực tế, ngay khi thảo luận xây dựng Bộ luật hình sự năm 2015, tôi đã nêu rõ quan điểm đối với tội phạm tham nhũng quan trọng là phải có biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.
Cụ thể, để thực hiện được điều đó thì việc nhận thức, tự nguyện khắc phục hậu quả từ phía người có hành vi tham nhũng là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, để khuyến khích được điều này thì việc trả hay nộp lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát cần có ý nghĩa về mặt pháp lý hình sự theo 4 mức.
Trong đó, mức 1: Nếu tham nhũng nhưng khi vụ án chưa được phát hiện mà người có hành vi này đã trả, nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng thì cần xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức 2: Khi đã bị phát hiện, đang điều tra mà trả lại tài sản tham nhũng thì có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt như có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay phạt án treo.
Mức 3: Nếu trong quá trình xét xử mà người có hành vi tham nhũng bồi thường, trả lại một phần hay toàn bộ số tiền tham nhũng thì có thể được giảm nhẹ hình phạt.
Mức 4: Nếu khi tòa kết án rồi mà người có hành vi tham nhũng nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng có thể được cân nhắc giảm án, tha tù.
Không ít nước trên thế giới đều thực hiện như vậy và nếu làm theo 4 mức khuyến khích này thì sẽ là cơ hội để thu hồi tài sản tham nhũng được lớn hơn, tránh tình trạng như dân gian vẫn nói là "hy sinh đời bố củng cố đời con".
- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp):
Cần tránh dư luận nói "huề cả làng"
Trong các vụ án tham nhũng, việc thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Với những bị can, người tham nhũng ăn năn hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát thì việc xem xét giảm nhẹ hình phạt là cần thiết.
Tuy nhiên, anh đã tham nhũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ trả tiền lại rồi không truy cứu dễ bị dư luận nói là "huề cả làng". Chưa kể là trong tình huống bị phát hiện phải trả lại, nếu không bị phát hiện có thể chiếm đoạt toàn bộ số tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Với kiến nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nên nếu muốn làm thì phải sửa các quy định của pháp luật. Do đó, các cấp thẩm quyền cần nghiên cứu thật kỹ, để cho ý kiến, sau đó trình Quốc hội xem xét chỉnh sửa pháp luật, song phải tính toán phù hợp vào từng trường hợp vụ án cụ thể chứ không thể đưa tất cả các vụ án như nhau.
- Ông Phạm Trọng Đạt (nguyên cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ):
Có thể cho khắc phục tùy vụ án cụ thể
Việc thu hồi tài sản rất quan trọng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, để thu hồi được cao cần có những biện pháp để khuyến khích họ tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng, thất thoát.
Kiến nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí, theo tôi hiểu, chính nhằm mục đích có những biện pháp quy định cụ thể trong luật pháp để khuyến khích những người vi phạm nộp toàn bộ tài sản tham nhũng đồng thời thể hiện rõ sự khoan hồng của pháp luật.
Thực tế, nhiều người phạm tội ở những tội không phải nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng nhận thức ra sai phạm của mình, tự nguyện nộp và khắc phục hậu quả nhưng không có những mức cụ thể quy định trong pháp luật thì rất khó để khuyến khích họ giao nộp tài sản tham nhũng.
Chúng ta xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe chung nhưng không có nghĩa cái gì cũng đưa vào xử lý hình sự, bắt bỏ tù. Với những vụ việc, vụ án trong hoàn cảnh cụ thể, nếu thấy cần thiết, phù hợp, không thuộc diện nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì có thể tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả, làm lại cuộc đời.
Còn đưa họ vào tù, họ phải chấp nhận nhưng sẽ không còn con đường nào khác để lập công chuộc tội, vực dậy.
TTO - Ông Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương chủ trương nghiên cứu, làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Xem thêm: mth.15400342210702202-ob-iod-hnis-ih-hnart-ed-oas-mal-neit-ial-art-gnuhn-maht-ob-nac/nv.ertiout