Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính riêng trong tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ.
Thủy sản cao cấp có thể là một hướng đi mới
Trao đổi với Người Đưa tin, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO đánh giá, một trong những khó khăn các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay là tình trạng lạm phát và thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu.
“Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu tôm tháng 6 chỉ tăng trưởng 7%, đạt mức 450 triệu USD”, bà Hằng nhận định.
Tính cả 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm vẫn tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị kim ngạch 2,3 tỷ USD. Đây vẫn là một mặt hàng chủ lực của xuất khẩu thủy sản, chiếm 40% tỷ trọng toàn ngành.
Để dàn trải rủi ro, ứng phó với tình hình thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn giải pháp an toàn là chế biến sâu, tăng tỷ lệ tôm thành phẩm nhằm tăng giá trị để xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Nhìn chung, toàn ngành vẫn đạt tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2022 khi xuất khẩu tôm chân trắng tăng 17%, tôm tươi và đông lạnh tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Một thay đổi đáng chú ý, có thể là hướng đi mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu đó là mặt hàng thủy sản cao cấp, tôm hùm đạt mức tăng trưởng kỷ lục, chưa từng có từ trước tới nay, 130 triệu USD, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tôm sú cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 300 triệu USD, tăng 20%.
“Đây có thể là một gợi mở cho các doanh nghiệp tham khảo”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trong “nguy” có “cơ”
Chiến sự tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các cảng của Ukraine ở Biển Đen vẫn đang bị phong tỏa, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhiều ngành nghề kinh tế thế giới lâm vào bất ổn nhưng lại đem đến “vận may” cho cá tra Việt Nam.
Việc “trả đũa” các lệnh trừng phạt kinh tế qua lại giữa Mỹ và các đồng minh với Nga đã khiến nguồn cung cá thịt trắng vào các thị trường này gần như tê liệt. Các nhà hàng cạn kiệt nguồn cung, buộc phải chuyển sang sử dụng cá tra. Chính điều này đã khiến thị phần cá tra Việt Nam tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2022.
Các thị trường như Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ ghi nhận mức nhập khẩu cá tra tăng hai con số, từ 45 đến 90%. Xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha tăng gần 3 lần, đột biến nhất là thị trường Anh khi ghi nhận mức tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tháng 6, xuất khẩu cá tra tăng trưởng 54%, đạt 220 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 1,4 tỷ USD. Con số này đã đưa cá tra chiếm ¼ kim ngạch xuất khẩu toàn nghành thủy sản.
Một mặt hàng thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng nữa phải kể đến đó là cá ngừ, chủ lực là cá ngừ loin, cắt khúc đông lạnh. Kim ngạch tháng 6 đạt trên 91 triệu USD đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm của mặt hàng này đạt 553 triệu USD, tăng 56% . Trong con số hơn nửa tỷ USD trên, cá ngừ loin, cắt khúc đông lạnh chiếm đến hơn 68%, đạt giá trị 377 triệu USD, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng điểm cho cá ngừ Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận mức tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, do hạn chế từ “thẻ vàng” IUU, thị trường EU chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, 9%.
Xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) tăng 34% trong tháng 6, đạt trên 68 triệu USD. Như vậy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành hàng này đem về 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu bạch tuộc tăng 12%, đạt giá trị 147 triệu USD, mực tăng 45%, đạt 197 triệu USD>
Các mặt hàng thủy sản còn lại như cua ghẹ và các loại cá khác đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 11 đến 54% so với cùng kỳ năm 2021.