Ở Việt Nam, từ người già đến con nít đều biết đến nước tăng lực Red Bull; nói nó là thương hiệu nước giải khát ‘quốc dân’ cũng chẳng có gì quá đáng. Tuy nhiên, sự thật là chẳng mấy người Việt biết công ty mẹ đứng đằng sau Red Bull.
Các sản phẩm của TCP Group đang bán tại thị trường Việt Nam.
Đầu thập niên 1960, doanh nhân gốc Hoa tên Chaleo Yoovidhya sống tại Bangkok đã thành lập công ty tên TC Pharmaceuticals (TCP) và năm 1976, sản phẩm đầu tiên mà họ bán là nước tăng lực với biểu tượng trâu cơ bắp đặc biệt của vùng Đông Nam Á – Krating Daeng (tương đương với tên tiếng Anh red gaur – trâu rừng đỏ).
Năm 1984, Chaleo Yoovidhya hợp tác với Dietrich Mateschitz – nhân viên bán hàng người Áo đang làm việc cho 1 công ty Đức, để phát triển loại nước tăng lực mà mình đang có.
Năm 1987, cả hai bắt đầu xuất khẩu nước tăng lực này dưới cái tên Reb Bull ra nước ngoài (đã có một chút thay đổi để phù hợp hơn với khẩu vị người phương Tây dưới sự cố vấn của Dietrich). Sau đó, mỗi bên bỏ ra 500.000 USD cho 49% cổ phần công ty chung tên Red Bull GMbH, 2% còn lại thuộc về Chalerm – con trai của Chaleo.
Vào thời điểm mà ‘cha đẻ’ Red Bull - Chaleo Yoovidhya mất năm 2012, ông thọ 88 tuổi và là người giàu thứ 3 Thái Lan với tổng tài sản khoảng 5 tỷ USD.
Hiện tại, ngoài phụ trách phân phối Red Bull ở khu vực châu Á, TCP Group đã ra mắt thêm 9 thương hiệu chính với 6 dòng sản phẩm. TCP Group hiện đang bán hàng vào 15 thị trường gồm: 9 nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Israel, HongKong, Đài Loan, Mông Cổ, Nepal.
Với 5 công ty con và các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan; TCP Group không chỉ tự mình xây dựng được chuỗi cung ứng – từ đầu vào lẫn đầu ra, cho các sản phẩm của mình, mà còn có thể OEM cho các đối tác khác.
Năm 2012, Red Bull GMbH bán 9,8 tỷ lon nước tăng lực ở 27 quốc gia tại châu Âu và 171 quốc gia trên thế giới; họ chiếm 38% thị phần nước tăng lực của thế giới trong năm 2019. Theo một thống kê vào năm 2021, Dietrich Mateschitz có tổng tài sản 24,5 tỷ USD.
TCP GROUP CÓ THỊ PHẦN NẰM TRONG TOP 3 Ở THỊ TRƯỜNG NƯỚC TĂNG LỰC TẠI VIỆT NAM
Trong tất cả, Việt Nam là một thị trường đặc biệt quan trọng với TCP Group. Do là hàng xóm, những lon tăng lực Reb Bull xâm nhập vào thị trường Việt Nam từ rất sớm – năm 2000, khi mà thị trường này vẫn còn đang rất sơ khai và không có bất cứ đối thủ cạnh tranh đáng kể nào. Vậy nên, họ nhanh chóng trở thành lựa chọn đầu tiên và duy nhất của người Việt trong 10 năm đầu tiên đến đây.
Trong 5 năm trở lại đây, thị trường nước tăng lực Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tay chơi mới vừa giàu có vừa trẻ trung, đã khiến TCP Group cảm thấy nguy cơ. Năm 2018, TCP chính thức mở văn phòng tại Việt Nam và đây cũng là văn phòng quốc tế đầu tiên của họ. Cùng với đó, họ đã đầu tư 120 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 3 năm (2018-2020) nhằm phát triển lĩnh vực nghiên cứu thị trường, bán hàng, phát triển sản phẩm và phân phối.
Năm 2017, sau bao năm chỉ bán độc mỗi thương hiệu Red Bull, TCP quyết định mang Warrior đến Việt Nam và chính thức ra mắt vị nho vào năm 2018. Tháng 3/2022, TCP ra mắt thêm Red Bull – vị cà phê ủ lạnh, sau nhiều năm nghiên cứu khẩu vị của người tiêu dùng Việt.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Huân - Tổng giám đốc TCP Việt Nam, mặc dù 2 sản phẩm mới của TCP được các đối tác phân phối chào đón nhiệt liệt hay Warrior bán rất tốt trên kênh online và khiến vị nho – màu tím trở thành hương sắc phổ biến hơn trên thị trường; song cả hai vẫn gặp rất nhiều khó khăn và không thể chiếm lĩnh thị trường như Red Bull vị truyền thống.
Hiện tại, thị phần nước tăng lực của TCP tại Việt Nam đang nằm trong top 3 và Red Bull vẫn là thương hiệu top 1 của thị trường.
"Tôi không thể nói chính xác doanh thu của TCP Group tại thị trường Việt Nam, chỉ có thể tiết lộ rằng: nó nằm trong top 3 thị trường có doanh thu cao nhất của chúng tôi", Tổng Giám đốc Saravoot Yoovidhya của TCP Group tiết lộ.
Nguyễn Thanh Huân - Tổng giám đốc TCP Việt Nam
TCP SẼ ĐẦU TƯ THÊM 340 TRIỆU USD ĐỂ TIẾP TỤC MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Cũng theo ông Saravoot Yoovidhya, với tổng kế hoạch đầu tư lên đến 340 triệu USD, tập đoàn TCP tiếp tục mở rộng tại thị trường Thái Lan và các thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất tại các thị trường nước ngoài, đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu hàng năm lên 2.5 tỷ USD trong vòng 3 năm (2022 – 2024).
Tập đoàn cũng đặt mục tiêu tăng cường chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ trong quản lý và phân tích dữ liệu, sản xuất thông minh, quản lý dữ liệu đa kênh đa tầng cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự phát triển cùng dòng chảy của công nghệ.
Trong 3 năm tới, Tập đoàn TCP đặt kế hoạch ra mắt 10 sản phẩm mới gắn với thương hiệu "Krating Daeng" hoặc "Red Bull" tại các thị trường, cải tiến hương vị sản phẩm lẫn hình ảnh thương hiệu theo hơi hướng hiện đại.
Ngoài ra, với định vị là "Ngôi Nhà Của Những Thương hiệu Chất lượng" (House of Great Brands), TCP cũng sẽ cho ra mắt thêm nhiều thương hiệu mới tại các thị trường toàn cầu - đặc biệt tại châu Á và phát triển ít nhất 5 sản phẩm mới trên cơ sở nghiên cứu, phân tích nhằm đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, họ còn đầu tư nhiều cho các hoạt động vì môi trường. Tập đoàn đang đặt ra mục tiêu về trung hòa carbon trong tất cả các hoạt động vận hành tại Thái Lan và các thị trường quốc tế trước năm 2050. Từ đây đến năm 2024, TCP hướng đến sản xuất bao bì tái chế 100%. Họ đang làm việc cùng các đối tác, tổ chức môi trường toàn cầu, hỗ trợ thu gom và đưa vào chu trình tái chế các bao bì đã qua sử dụng như chai thuỷ tinh, lon nhôm và chai nhựa.
TCP Group có rất nhiều hoạt động cộng đồng tại Việt Nam - như hoạt động tuyển chọn các tài năng bóng đá trẻ hợp tác với HAGL.
Đối với Quản lý bền vững tài nguyên nước, Tập đoàn TCP đặt mục tiêu cung cấp nước cho môi trường và cộng đồng nhiều hơn lượng nước mình sử dụng vào năm 2030. Tập đoàn sẽ hợp tác cùng các đối tác tại ba quốc gia đặt nhà máy gồm Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, nhằm bảo vệ bền vững nguồn nước tại đây.
"Với TCP Group, Việt Nam luôn là một trong những thị trường cực kỳ quan trọng. Đầu tiên, thị trường nước tăng lực của Việt Nam lớn và tiềm năng top đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh – là nền kinh tế hiếm hoi có GDP dương trong 2 năm Covid vừa qua và quay trở lại cũng rất nhanh.
Thứ ba, Việt Nam đang nằm trong giai đoạn dân số ‘vàng’; người Việt cũng khá hào phóng khi chấp nhận bỏ ra tới 20% tổng thu nhập gia đình cho tiêu dùng. Cuối cùng, có vẻ lạm phát vẫn chưa ảnh hưởng lên người tiêu dùng Việt nhiều lắm", Tổng Giám đốc TCP Group bày tỏ.
Một phần trong số tiền 340 triệu USD kia sẽ được Tập đoàn này đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất – phân phối, nghiên cứu thị trường tại Việt Nam.
Covid-19 cũng khiến các kênh phân phối tại Việt Nam và các thị trường khác có sự xáo trộn lớn, cả kênh online và offline đều có sự thay đổi nhất định. Trong Covid-19, có những lúc kênh offline đứng im và chỉ có kênh online hoạt động. Những tưởng, online sẽ là kênh phân phối chủ lực sau Covid-19 khi người tiêu dùng có tập quán mới; nhưng sự thật không phải như vậy, dường như mọi thứ quay trở lại như cũ.
"Vậy nên, TCP phải ngồi để đánh giá lại mô hình phân phối nào là phù hợp và hiệu quả với bản thân. Chúng ta phải dịch chuyển và thay đổi như thế nào để phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường? Hơn nữa, mô hình phân phối thích hợp với nước này chưa chắc thích hợp với nước kia. TCP cần tìm ra một mô hình riêng phù hợp với thị trường Việt Nam", ông Saravoot Yoovidhya khẳng định.
http://tintuc.vdong.vn/07/1410066.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế