Thị trường chứng khoán tuần qua hồi phục nhẹ sau ba tuần giảm liên tiếp với thanh khoản tiếp tục dưới mức trung bình. Kết thúc tuần giao dịch từ 27/6 - 1/7, VN-Index tăng 13,42 điểm (+1,13%) lên 1.198,9 điểm, HNX-Index tăng 2,95 điểm (+1,07%) lên 278,88 điểm, UPCoM-Index tăng 1,08 điểm (1,24%) lên 88,18 điểm.
Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 5,4% so với tuần trước đó với 61.226 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,7% xuống 2.562 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 44,9% so với tuần trước đó với 7.115 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 33,4% xuống 335 triệu cổ phiếu.
Thị trường hồi phục nhờ đà tăng tốt của nhóm chứng khoán và ngân hàng. Trong khi đó, giao dịch của nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn theo chiều hướng phân hóa. Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần qua có 54 mã giảm, trong khi số mã tăng nhỉnh hơn với 63 mã.
Cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm bất động sản là KHA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội với mức giảm gần 23,4%. Tuy nhiên, KHA nằm trong diện cổ phiếu có thanh khoản rất thấp.
Cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo gây chú ý nhất nhóm bất động sản khi giảm gần 18% trong tuần giao dịch vừa qua. Trong tuần ITA đã có 3 phiên giảm sàn sau thông tin doanh nghiệp này bị Tòa án mở thủ tục phá sản từ 2018 nhưng không công bố thông tin. Ngày 28/6, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã có công văn nhắc nhở và yêu cầu công ty công bố thông tin này. Theo đó, HoSE yêu cầu công ty xác nhận thông tin và công bố trong vòng 24h kể từ khi nhận được công văn này các quyết định của Tòa án theo quy định cùng những thông tin liên quan đến quá trình xử lý vụ việc trong những năm qua để đảm bảo quyền lợi của cổ đông được tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ phía doanh nghiệp.
Trước đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến (May Dangelas), Chủ tịch HĐQT công ty đã có đơn bày tỏ sự vô lý khi bị Tân Tạo bị tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản vì khoản nợ chưa xác định chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản.
Đa phần các cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh ở tuần từ 27/6 – 1/7 đều có thanh khoản thấp.
Chiều ngược lại, FLC của Tập đoàn FLC gây chú ý khi tăng mạnh hơn 25% chỉ sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của FLC cũng tăng vọt với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 11,45 triệu cổ phiếu/phiên (gấp 2,4 lần tuần trước đó). Mới đây, FLC có văn bản phúc đáp công văn của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) yêu cầu công bố thông tin liên quan đến việc cổ phiếu FLC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 22/6 đến 28/6.
Doanh nghiệp này khẳng định chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến đà tăng giá bất ngờ của cổ phiếu FLC. Bên cạnh đó FLC còn đề xuất nếu HoSE nhận biết được các thông tin, sự kiện nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FLC trong thời gian qua, kính đề nghị HoSE thông tin làm rõ hoặc dẫn nguồn tin cụ thể để tập đoàn được biết và có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính. "Tập đoàn FLC cam kết sẽ công bố, báo cáo đầy đủ thông tin, sự kiện liên quan đến công ty theo quy định", văn bản ghi rõ.
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 (EGM 2022) của FLC vừa thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết , bà Hương Trần Kiều Dung và ông Lã Quý Hiển, đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT. Ba nhân sự mới được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 của FLC là ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm. Trong đó, ông Lê Bá Nguyên đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC. Bà Bùi Hải Huyền giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) tăng 16% từ 5.000 đồng/cp lên 5.800 đồng/cp. Mới đây, Cục thuế TP.HCM quyết định thay đổi số tiền thực hiện cưỡng chế đối với Thuduc House từ 124,87 tỷ đồng thành 79,88 tỷ đồng, giảm 44,99 tỷ đồng. Công ty này cho biết, hiện đang tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính để ưu tiên hoàn tất nộp đủ số tiền thực hiện cưỡng chế là 79,88 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong tháng 7/2022 để Cục thuế TP.HCM tháo gỡ các biện pháp cưỡng chế hóa đơn và tài khoản nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh của công ty. Mặc khác, đối với số tiền lãi chậm trả phát sinh theo các Quyết định 5438/QĐ-CT, 5439/QĐ-CT, 66/QĐ-CT và 2152/QĐ-CT do chưa thống nhất được cách tính giữa các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên sau khi làm việc và trao đổi, Cục thuế TP.HCM sẽ chỉ theo dõi số tiền lãi phát sinh trên hệ thống nhưng không thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với số tiền lãi chưa thống nhất trên và đợi kết luận cuối cùng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh linh kiện điện từ giai đoạn 2017 - 2019 của Thuduc House.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản là XDH của CTCP Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội với 40%. Tuy nhiên, trong tuần XDH chỉ có duy nhất một phiên xuất hiện giao dịch khớp lệnh vào ngày 27/6 với 100 đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản có yếu tố đầu cơ như BII của CTCP Louis Land, LDG của CTCP Đầu tư LDG… cũng tăng khá tốt trong tuần giao dịch từ 27/6 - 1/7.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, sự phân hóa diễn ra cũng khá rõ nét. KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tăng hơn 8%. Doanh nghiệp này mới đây đã thông qua việc mua thêm 5,7 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 3,9 triệu cổ phần (chiếm 19,5% vốn) lên 9,6 triệu cổ phần (chiếm 48% vốn). Sau giao dịch, Kinh Bắc sẽ biến CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng trở thành công ty liên kết. Giá chuyển nhượng được giao cho Ban Tổng giám đốc đàm phán, quyết định.
Trong khi đó, hai mã bất động sản vốn hóa lớn nhất là VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes giảm lần lượt 2,7% và 2,9%./.
Xem thêm: lmth.18721000042210202-7-1-6-72-ut-naut-gnort-hnam-aoh-nahp-nav-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer