Sách tham khảo xếp lẫn sách giáo khoa thành các combo được đóng gói phát hành trong nhà trường như một kiểu "bia kèm lạc".
Hệ thống trường học các cấp đang là con đường phát hành "lý tưởng" cho các đơn vị xuất bản sách tham khảo.
Ngoài việc xếp "bia kèm lạc", khéo léo hơn, nhiều trường và giáo viên còn gửi danh sách sách tham khảo "đã được chọn lọc" với khẳng định đó là những cuốn sách hay, cần thiết, thậm chí là bắt buộc trong quá trình học tập, ôn luyện.
Thuyết phục hơn, nhiều giáo viên còn dạy nội dung của sách tham khảo trong giờ học chính khóa và giao bài tập về nhà cho học sinh ở những cuốn sách này.
Sách tham khảo không có tội. Những cuốn sách hay luôn là thứ có ích không chỉ với học sinh mà với nhiều người.
Nhưng khi sách được ép bán qua hệ thống trường học, không có "bộ lọc" nào để giúp học sinh biết được những cuốn thực sự cần thiết. Sách vì thế cũng được xuất bản tràn lan, "vàng thau lẫn lộn", thậm chí nhiều đầu sách xào xáo, cẩu thả, sai kiến thức.
Ở bậc tiểu học, thói quen dạy và học với các loại vở bài tập in rất phổ biến. Ưu điểm của những cuốn vở này là tiện, tiết kiệm thời gian học sinh phải chép đề bài trong các giờ luyện tập.
Vì sự tiện lợi đó, hoặc cũng vì có thỏa thuận với đơn vị xuất bản, nhiều trường đã biến cuốn vở bài tập in thành đầu sách bắt buộc phải có.
Nó trở thành một cặp với các cuốn sách giáo khoa. Và đương nhiên, phụ huynh cũng nhầm tưởng vở bài tập in là sự bắt buộc, không có gì phải bàn cãi.
Cũng có những phụ huynh hiểu ra họ đang bị ép buộc mua sách nằm ngoài quy định, nhưng họ lại có những nỗi sợ khác: sợ giáo viên không hài lòng, sợ thầy cô dạy nội dung trong sách A, sách B mà con mình không có để "bằng bạn, bằng bè".
Nỗi lo con không đạt danh hiệu giỏi, không thi đỗ khi chuyển cấp cũng khiến nhiều người mua sách như mua "sự yên tâm".
Chỉ tính từ năm 2014, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, đến nay đã có thêm hàng chục văn bản khác nhau "cấm tổ chức phát hành, ép buộc mua sách tham khảo trong nhà trường". Và như mọi năm, mới đây Bộ GD-ĐT lại ban hành "lệnh cấm mới", một kiểu "bình mới, rượu cũ".
Nên nói bộ "chưa cấm" là không đúng. Nhưng có một thực tế là các "lệnh cấm" đã không được thực thi nghiêm. Trách nhiệm trong việc này là ai: đơn vị xuất bản, phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý các cấp? Và Bộ GD-ĐT, sau khi ban hành văn bản, coi như đã xong trách nhiệm?
Câu trả lời về mức độ trách nhiệm nên xếp theo trình tự ngược lại: Bộ GD-ĐT, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và đơn vị xuất bản. Theo đó, bộ không thể chỉ ban hành văn bản và coi như xong việc.
Cần có giám sát, quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài và hơn hết là đặt ra những giải pháp tích cực: xây dựng tủ sách dùng chung, thư viện; hướng dẫn phụ huynh và học sinh cách chọn sách, sử dụng sách hiệu quả, đúng mức...
Khi sự chọn lọc được tự nguyện, chứ không phải ép buộc, thì giá trị thật của sách tham khảo mới được ghi nhận.
TTO - Ngày 1-7, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Xem thêm: mth.74910937030702202-iam-cal-mek-aib-uc-oas/nv.ertiout